PN - Một bệnh nhân đang cấp cứu bỗng ngưng tim ngưng thở vì một bệnh khác; một sản phụ bị hôn mê sâu kéo dài do “hết máu” sau hai lần mổ - hai ca “tưởng như đã chết” đã được cứu sống ngoạn mục.
Giành mạng sống với tử thần
Gặp tôi ở Khoa Tim mạch, ông Trần Trung Nghĩa (49 tuổi, trú ở Q.Tân Phú, TP.HCM) tỏ ra vui mừng vì sắp được xuất viện. Ông kể: “Tôi bị hở van tim, suy tim mấy năm nay và ngày nào cũng uống thuốc đều đặn. Thế nhưng, sáng 27/9/2014, trên đường đi công việc, đến ngang chợ Bến Thành (Q.1) bỗng dưng tôi thấy tim bị nhói. Tôi chưa có cảm giác này bao giờ, biểu hiện này không giống bệnh van tim, suy tim như trước. Nghi có chuyện chẳng lành, tôi cố gắng chạy xe thật nhanh về Q.10 để vào Bệnh viện (BV) Trưng Vương. Lúc đó, tôi không nghĩ đến các BV khác, phải đến cho được BV này, nơi từng cứu tôi thoát chết cách đây bảy năm. Vừa đến BV, tôi lăn đùng ra và không biết gì nữa. Tỉnh dậy sau ba ngày mê man, giờ tôi không lý giải được tại sao mình còn sống”.
Bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Phương Lan, Phó khoa Cấp cứu, BV Trưng Vương, người trực tiếp cấp cứu cho ông Nghĩa kể: Lúc đó, các BS đang trực thì một người đàn ông chạy vội vào nhờ BS khám giùm vì ngực nhói và đau ran. Nhìn thấy bệnh nhân (BN) vã nhiều mồ hôi, đồng thời có biểu hiện suy hô hấp, không còn sức để thở; các BS nhận định ông Nghĩa có biểu hiện nhồi máu cơ tim nặng và nghi do hội chứng mạch vành cấp. Chúng tôi đã chỉ định cho BN thở oxy, uống thuốc giảm đau. Thế nhưng 15 phút sau, máy theo dõi tim mạch bỗng dưng báo hiệu rối loạn nhịp tim; bất ngờ ông Nghĩa ngưng tim ngoài dự đoán và diễn tiến của bệnh.
“Linh tính, tôi nghĩ ngay đến khả năng BN đã bị đột quỵ. Lập tức, các BS cấp cứu báo động và nhờ sự hỗ trợ từ các BS chuyên hồi sức, tim mạch, bệnh lý mạch máu não. Trước tình huống nguy kịch này, các BS quyết định sốc điện và khử rung tim thật nhanh cho BN để nhịp tim đập trở lại. Một số BS thực hiện sốc điện, rung tim, những BS khác thay nhau bóp bóng, đặt nội khí quản, hỗ trợ thở máy, tiêm thuốc chống loạn nhịp. Nếu không chẩn đoán sớm tình huống này và nhanh tay truyền thuốc tiêu sợi huyết để tan cục máu đông, BN có nguy cơ tử vong trong gang tấc hoặc thoát chết cũng để lại biến chứng về sau. Sau nhiều giờ cấp cứu, các BS hồi hộp chờ đợi và cuối cùng nhịp tim bắt đầu đập từ từ trở lại. Hôm đó, tôi vui cả ngày. Làm BS cấp cứu rất cực nhưng bù lại rất tự hào, hạnh phúc khi cứu được những ca khó” - BS Lan hồ hởi.
Một ca cấp cứu tại BV Trưng Vương, TP.HCM - Ảnh: Phùng Huy
Mới đây, các BS BV Từ Dũ cũng cứu sống một sản phụ bị “hết máu” tưởng đã chết. Sản phụ may mắn được cứu sống là chị Nguyễn Phương An (23 tuổi, ấp Trường An, xã Trường Tây, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh). Chưa kịp tận hưởng giây phút làm mẹ khi sinh con là bé trai nặng 3,2kg tại BV Hòa Thành (Tây Ninh); chị ra máu xối xả do băng huyết sau sinh. Chị được BV Đa khoa Tây Ninh truyền máu, cắt tử cung… nhưng máu ở âm đạo vẫn tiếp tục chảy ra liên tục. Cuối cùng, sản phụ được chuyển lên BV Từ Dũ với hy vọng “còn nước còn tát”.
BS Hồng Công Danh, Trưởng khoa Gây mê hồi sức, BV Từ Dũ nhớ lại: “Lúc đó đã 22g, tôi đang ở nhà thì BV gọi vào gấp để hội chẩn, cấp cứu ca bệnh đang nguy kịch. Khi tiếp nhận ca bệnh, mạch và huyết áp của sản phụ không đo được. Hầu như trong người BN không còn máu khi kết quả xét nghiệm công thức máu chỉ còn 8% (ở người bình thường là 35-45%). Nhìn sản phụ còn quá trẻ đang thở ngáp cá, tay chân tím… ai cũng đau lòng. Đêm đó, các BS trực tập trung cao độ để theo dõi ca bệnh nguy kịch này. Vì máu quá ít, không thể đem oxy đến não nên sản phụ bị hôn mê từ lâu. Tôi chợt nghĩ, não chỉ cần thiếu oxy sau bốn-năm phút thì có thể chết não. Theo cảm nhận, tôi vội ấn vào bụng thăm khám thì “cảm nhận theo kinh nghiệm” sản phụ vẫn còn ít phản ứng đau, dù vẫn hôn mê và đồng tử đã giãn ra hết mức. Dù nguy cơ sản phụ tử vong rất cao nhưng nhờ tia hy vọng này, chúng tôi hồi sức tích cực khẩn cấp, trợ tim, đặt nội khí quản, truyền thuốc, truyền dịch, máu cho BN…”.
Ngay ngày đầu cấp cứu tại BV Từ Dũ, ngày 17/9, chị An được truyền khoảng 3,5 lít máu, chế phẩm của máu và các loại dịch truyền khác. Đến ngày 19/10, khi các cô y tá gọi thì chị An bắt đầu mở mắt, hỏi tên tuổi biết gật đầu. Nhưng vì sức khỏe còn yếu, nên các BS tiếp tục cho chị An thở máy và truyền tiếp 250ml huyết tương đông lạnh, 180ml tiểu cầu đậm đặc. Ngày 20/10, BN tự thở được và các BS quyết định rút ống nội khí quản. Chồng chị An kể lại trong nỗi vui mừng: “Lúc ở Tây Ninh, vợ tôi vẫn còn tỉnh, nhưng thấy máu vẫn rỉ rả nên tôi hối thúc xe cấp cứu chạy bán sống bán chết. Vì đường đến BV Từ Dũ quá xa nên vợ tôi đã hôn mê 30 phút trước khi đến nơi. Khi BS gọi gia đình tôi vô giải thích vợ tôi rất nguy kịch thì tôi và mẹ vợ chỉ biết cầu nguyện…”.
Thời gian vàng quyết định số phận
BS Trần Ngọc Hải, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Từ Dũ cho biết, thống kê cả nước cho thấy, trung bình tỷ lệ tử vong mẹ hiện nay là 75 ca/100.000 ca sinh; trong khi những năm 80 của thế kỷ trước lên đến 230 ca/100.000 ca sinh. Dù tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm nhưng không thể khống chế được. Theo BS Hải, không như những bệnh lý đã biết trước, những rủi ro của sản phụ xảy ra đột ngột, dù là đang chuyển dạ, trong cuộc sinh, mổ và cả sau sinh; nguy hiểm nhất là đột quỵ hoặc chảy máu. Chảy máu trong sản khoa được gọi là “chảy máu sét đánh” với tốc độ "khủng"; trong khi cơ thể người chỉ có bốn-năm lít máu. Nhiều ca chảy máu nhanh và nhiều đến nỗi các BS không thấy được đường mổ, có những ca phải đến hai-ba BS mổ hỗ trợ nhau. Sở dĩ, ca cấp cứu sản phụ An thành công là do nhiều yếu tố góp phần tạo nên, trong đó có cả ê kíp làm việc chuyên nghiệp, phối hợp từ BS sản, gây mê hồi sức, xét nghiệm, ngân hàng máu… cùng với máy móc hiện đại.
BS Lê Thị Thu Hà, Khoa Hậu sản M BV Từ Dũ khuyến cáo: một số trường hợp, lượng máu ra ồ ạt làm sản phụ rơi vào tình trạng nguy kịch trong thời gian rất ngắn. Tuy nhiên, cũng có trường hợp biểu hiện chảy máu xuất hiện chậm thì sản phụ không bỏ qua thời gian vàng, tránh tình trạng nguy kịch, cấp cứu dễ hơn. Khi xuất viện về nhà, người nhà phải theo dõi ngay trong tuần đầu sau sinh vì có những bà mẹ bị băng huyết ồ ạt do tử cung nhiễm khuẩn hoặc còn sót nhau. Nếu gặp tình huống này, sản phụ không nên chủ quan mà cần quay lại kiểm tra ngay. Ngoài ra, sản phụ còn nhầm lẫn băng huyết với sản dịch sau sinh nên không đến BV.
Thông thường sản dịch chỉ có màu đỏ sậm trong vòng ba-bốn ngày sau sinh, lượng ít. Sau đó sẽ chuyển sang màu hồng. Ðến khoảng ngày thứ mười thì chuyển sang màu nâu sẫm rồi ngày càng nhạt màu, ít đi, sau cùng hết hẳn. Ngược lại, nếu thấy sản dịch đỏ tươi dần lên như màu máu, ra những cục máu đông, ra máu không giảm, ngược lại ngày càng tăng, kèm theo các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, thở hổn hển, nhịp tim nhanh… thì cần báo cho BS hoặc đến cơ sở y tế gần nhà ngay lập tức. Nếu để máu mất quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến tổng trạng, mạch nhanh, huyết áp tụt thấp. Máu đến các cơ quan trong cơ thể giảm sút gây hậu quả nghiêm trọng: suy gan, suy thận, thiếu máu não, rối loạn đông máu, hoại tử các cơ quan trọng yếu trong cơ thể, dẫn đến tử vong.
Theo BS Nguyễn Thị Phương Lan, với những BN khi đang ở nhà, ngoài đường xảy ra chứng ngưng tim phải được hồi sinh tim phổi cơ bản ngay tại hiện trường vì sau tám-mười giây ngưng tim ngưng thở, BN mất ý thức và tổn thương não không phục hồi chỉ sau ba-bốn phút. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, BN được hồi sinh tim phổi cơ bản tốt ngoài BV thì tỷ lệ cứu sống BN khá cao 20-30%. Nếu ca bệnh xảy ra tại cơ sở y tế có kết hợp với sốc điện khử rung nhịp tim sớm trong năm phút đầu tiên sau ngưng tim thì tỷ lệ cứu sống lên đến 50%. Do đó, trường hợp ông Nghĩa bị ngưng tim ngay tại BV được cứu sống ngoạn mục, một phần là nhờ được cấp cứu trong thời gian vàng.
VĂN THANH
cứu sống, cấp cứu, giờ vàng