Xã hội

Đưa người nghiện vào các trung tâm để dân đón Tết bình yên

PN - Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận khẳng định: TP sẽ cố gắng hoàn tất công tác này trước ngày 20 tháng Chạp để người dân TP.HCM đón Tết trong bình yên.

Học viên Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội Hải Phòng tự ý rời trại ngày 14/9/2014.

Chiều 11/11, UBND TP.HCM đã họp triển khai công tác chuẩn bị tiếp nhận người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn TP.HCM vào các trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội trong thời gian lập hồ sơ để tòa án xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận khẳng định: TP sẽ cố gắng hoàn tất công tác này trước ngày 20 tháng Chạp để người dân TP.HCM đón Tết trong bình yên.

Theo ông Thuận, dự kiến trong tuần tới, Chính phủ sẽ có hướng dẫn thực hiện nghị quyết của Quốc hội liên quan đến nội dung này. Trước mắt, trong thời gian TP thành lập ban chỉ đạo thực hiện Đề án quản lý, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định tại trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội trong thời gian lập hồ sơ để tòa án xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn TP.HCM, các quận huyện cũng tiến hành thành lập ban chỉ đạo tại quận huyện, hướng dẫn thành lập ban chỉ đạo tại cấp phường xã, thị trấn.

Sở Nội vụ dự thảo trình UBND TP ban hành quyết định thành lập hai trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội. Bên cạnh đó, các trung tâm chuẩn bị cơ sở vật chất, mua sắm đồ dùng cá nhân cho các đối tượng nghiện. Riêng các trường cũng phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để tiếp nhận các đối tượng khi có kết luận của tòa án đưa đối tượng nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân nhấn mạnh, triển khai thực hiện đề án trên là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Chủ tịch UBND TP.HCM lưu ý, hiện tội phạm tập trung về TP.HCM rất đông, trong đó có nhiều vụ án nghiêm trọng do đối tượng nghiện gây ra khiến người dân sống trong hoang mang. Việc triển khai đề án phải hết sức chặt chẽ, đúng quy định. Vì đây là chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc, giúp người nghiện phục hồi sức khỏe, nhân cách, do vậy phải kêu gọi sự đồng thuận của toàn xã hội để cùng chung tay. Các trung tâm tiếp nhận phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người nghiện.

Các đối tượng bán ma túy vẫn chạy tới lui giao hàng qua cách liên lạc trước bằng ĐTDĐ (ngày 11-10-2014)

Các con nghiện chui vào bụi cây trên giải phân cách để tiêm chích (ngày 11-10-2014)

Ma túy được chia thành tép nhỏ đưng trong ống hút hàn kín hai đầu, được người dân phát hiện giấu trong viên gạch bể trước cửa nhà sáng ngày 11-10-2014

QUỲNH MAI

Điều trị cho bệnh nhân ma túy là hành trình lâu dài, bền bỉ

Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc Công ty Điều Dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, nghiện ma túy là một bệnh khó chữa, có đặc tính dễ tái nghiện.

Việc điều trị cho bệnh nhân nghiện ma túy là quá trình khó khăn, phức tạp. Sau quá trình cắt cơn (quá trình này cách ly người bệnh với ma túy - chứ không phải cách ly xã hội), người nghiện cần phải áp dụng các liệu pháp chữa trị tinh thần để bản thân họ thay đổi nhận thức, từ bỏ thói quen của người nghiện. Đó là hành trình hết sức lâu dài, bền bỉ, ít nhất là sáu tháng đến một, hai năm tùy theo người. Xuyên suốt việc cai nghiện là quá trình điều chỉnh hành vi, chuyển hóa nhận thức, tạo thói quen mới thông qua các phương pháp điều trị tâm lý, cách ly môi trường gây cám dỗ. Đó là phương thức điều trị đang được áp dụng tại nhiều quốc gia. Thuốc chỉ có giá trị hỗ trợ trong giai đoạn cắt cơn.

Sau cắt cơn giải độc, nâng cao sức khỏe, điều trị các bệnh lý cơ hội (như lao, HIV...), thì bác sĩ và nhân viên phải giúp học viên thực hiện các bài tập giáo dục trị liệu (giáo dục - gọt giũa - điều chỉnh - phục hồi nhận thức - hành vi nhân cách, trang bị kỹ năng sống, duy trì thái độ tích cực và nâng cao thể trạng, thể lực). Mỗi học viên có một hoàn cảnh khác nhau về tâm lý, gia cảnh, lý do sử dụng ma túy... nên việc điều trị phải phù hợp với từng người. Sau khi hoàn thành các công đoạn trên thì áp dụng biện pháp tái hòa nhập cộng đồng, lao động sản xuất, phòng chống tái nghiện, chuẩn bị để tái hòa nhập cộng đồng.

TIẾN ĐẠT

Các trung tâm cai nghiện đã sẵn sàng về nhân lực vật lực 

* Ông Trần Phú Lữ, Chỉ huy trưởng lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) TP.HCM:

Với các cơ sở vật chất và đội ngũ y bác sĩ, nhân viên chăm sóc người nghiện hiện có, TNXP TP sẵn sàng tiếp nhận khoảng 50% số người nghiện lang thang, cơ nhỡ. Để chuẩn bị cho việc này, chúng tôi sẽ phải sửa chữa nhỏ một số cơ sở như chống thấm, chống dột, sắm mới giường chiếu, mùng mền… Trước đây TNXP có tám trường, đã có lúc chúng tôi tiếp nhận điều trị cho hơn 13.500 học viên với đầy đủ quy trình khoa học, các biện pháp đi kèm, kể cả phương án giải quyết việc làm cho học viên, nhưng do quy định về việc cai nghiện ma túy tập trung có thay đổi, nên hiện TNXP đã cho sát nhập chỉ còn bốn trường. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, cơ ngơi của các trường vẫn còn nguyên, việc đón nhận học viên, chung tay với TP là điều nằm trong khả năng và kinh nghiệm của chúng tôi.

* Ông Trần Hữu Thám, Phó giám đốc Trung tâm Nhị Xuân:

Ngoài việc nhận chỉ tiêu cắt cơn, giải độc và tư vấn tâm lý cho các đối tượng nghiện đang chờ lập hồ sơ đưa đi chữa bệnh bắt buộc, trung tâm còn chuẩn bị cơ sở vật chất lẫn nguồn nhân lực để tiếp nhận chữa bệnh tập trung. Hiện tại, đội ngũ y bác sĩ trung tâm có 21 người, với bốn bác sĩ hơn 10 năm kinh nghiệm chăm sóc người nghiện ma túy. Với lực lượng dày dạn kinh nghiệm đó, chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận khoảng hơn 1.000 học viên.

NGHI ANH

Hãy coi chúng tôi là người bệnh

 - Tôi nghe nói sắp tới TP.HCM sẽ đưa tập trung người nghiện đi chữa bệnh bắt buộc, bản thân tôi đã từng hai lần đi chữa bệnh bắt buộc, lần thứ nhất từ 2007 - 2009, lần hai từ 2011 - 2013 tại Lâm Đồng và Đắk Nông.

Trong quá trình chữa bệnh tập trung, tôi nhận thấy bên cạnh những mặt tích cực mà trung tâm đem lại cho các học viên, vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, tình trạng “đại bàng” tại trung tâm vẫn còn xảy ra, thỉnh thoảng có tình trạng thuốc lá “lọt” vào trung tâm…

Có rất nhiều cán bộ quan tâm, giúp đỡ chúng tôi trong quá trình chữa bệnh, nhưng cũng có một số cán bộ còn có tâm lý coi thường, nặng lời. Tôi có cảm giác những cán bộ này coi chúng tôi là tội phạm. Tôi mong muốn, sau này những người nghiện được đi chữa bệnh tập trung thì các cán bộ hãy coi chúng tôi là những người bệnh, chúng tôi cần họ đối xử với chúng tôi như những bệnh nhân.

Anh L.A.V. (31 tuổi, ngụ Q.1)

- Tôi đi cai nghiện tập trung theo Nghị định 20 cách đây gần 10 năm rồi. Thời điểm đó, điều kiện ăn ở, sinh hoạt ở trung tâm không được đảm bảo. Ngoài ra, nhiều anh em sức khỏe không tốt nên việc lao động kéo dài không đảm bảo. Hầu hết những người nghiện như chúng tôi đều có bệnh này, bệnh kia, nhưng điều kiện chữa trị, thuốc thang trong các trung tâm khi ấy chưa tốt.

Nhưng theo tôi, mấu chốt của vấn đề là tâm lý của người đi cai nghiện. Nếu các cán bộ động viên, chia sẻ, coi chúng tôi như là bệnh nhân thì tôi nghĩ anh em sẽ dễ dàng thực hiện các phác đồ điều trị cũng như lao động, học nghề tốt hơn để sau này tái hòa nhập cộng đồng dễ dàng.

Anh N.H.N. (34 tuổi, quê Đồng Nai, tạm trú Q.Gò Vấp)

TIẾN ĐẠT- CHÍ KIÊN

www.phunuonline.com.vn

người nghiện, cai nghiện ma túy, đón Tết bình yên


      © 2021 FAP
        857,293       1,232