PN - Dù đã ngoài 60, nhưng dì Nguyễn Thúy Phượng (ngụ 67/7 An Bình, P.6, Q.5 TP.HCM) vẫn tích cực với công tác xã hội, chưa bao giờ có ý định lui vào “hậu trường”.
Hiện dì Phượng là Chi hội trưởng Chi hội PN KP1 P.6. Hơn nửa đời người gắn bó với công tác Hội cũng là chừng ấy thời gian dì giúp cho nhiều người lầm lỡ làm lại cuộc đời, vươn lên từ nghèo khó…
Chị Phạm Thị Thu (hàng xóm của dì Phượng) có hai người con vướng vào ma túy. Biết được chuyện, dì Phượng đã đến tận nhà động viên hai con chị Thu đi cai nghiện. Dì kể: “Buổi đầu vận động gặp nhiều khó khăn, phải nghe những lời chửi bới hay bị xua đuổi là chuyện thường. Nhưng, mình vừa phân tích đúng sai, vừa mềm mỏng khuyên lơn, dần dà các em đều đồng ý đi cai”. Thời gian đó, nhiều lần dì lên tận trại cai nghiện thăm nom hai em. Dì còn cho chị Thu mở cửa hàng bán bánh tráng trộn trước nhà mình để mưu sinh. Ngày hai em trở về, chính dì Phượng giúp làm đơn xin việc, tìm nguồn vốn hỗ trợ hai anh em làm ăn.
Cũng nhờ sự giúp đỡ tận tình của dì Phượng mà hai người con của chị Nguyễn Thị Lệ (KP1) không bị gián đoạn việc học khi gia đình quá khó khăn. Dì không ngại vất vả, cực nhọc, dì đến gõ cửa các Mạnh Thường Quân, Hội Khuyến học, quỹ học bổng của Hội… Đến nay, hai con của chị Lệ đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định.
Dù đã ngoài 60 nhưng dì Phượng vẫn năng nổ với công tác Hội
Dì Phượng luôn quan tâm, theo dõi cuộc sống của bà con trong khu phố. Dì ghi chép cẩn thận danh sách người nghiện, người hồi gia; hộ nghèo, trẻ em bỏ học… Tranh thủ thời gian đến từng gia đình, dì chia sẻ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để hỗ trợ kịp thời. Với sự nhiệt tình, cảm thông của dì Phượng, nhiều năm qua CLB “Phụ nữ vươn lên” do dì làm chủ nhiệm thu hút đông đảo chị em trong khu phố. Những câu chuyện về nuôi dạy con cái, mâu thuẫn vợ chồng, gia đình đổ vỡ… được các chị chia sẻ, cùng nhau tư vấn, tháo gỡ cho nhau. Dì tâm niệm: “Mình không giúp được tiền của, nhưng có thể giúp đỡ chị em bằng tiếng nói, động viên tinh thần để mọi người tìm cách vượt qua khó khăn”.
Từng có thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư, nhưng dì Phượng luôn giữ được sự đam mê với công việc. Mỗi tối, dì vẫn rảo quanh một vòng trong khu phố xem xét tình hình an ninh trật tự. Dì Phượng còn tìm hiểu hoạt động của các sòng bạc, ổ buôn bán ma túy, nơi kinh doanh các dịch vụ nhạy cảm… để đề xuất chính quyền địa phương giải quyết triệt để các tệ nạn trên. Một mặt “trị bệnh”, mặt khác dì tích cực “phòng bệnh” bằng cách xây dựng “Nhóm dư luận”, thu hút nhiều chị em tham gia sinh hoạt. Các buổi sinh hoạt này được lồng ghép khéo léo các nội dung tuyên truyền, giáo dục mọi người không vướng vào các tệ nạn xã hội, biết cách phòng chống HIV/AIDS.
Dì còn vận động nhiều hộ gia đình tham gia thực hiện chương trình “4 không với ma túy”, “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị”; tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…
Vốn có nghề may, nên cứ vào lúc nghỉ hè, dì lại tập họp các nữ sinh đến nhà học may. Dì nói: “Học để biết may cái quần, cái áo cho gia đình, biết yêu quý lao động”. Dì chia sẻ: “Khu phố có tất cả tám tổ hội tự quản; mỗi tổ hội có hai hội viên nòng cốt. Những hội viên nòng cốt là phụ nữ được tôi giúp đứng lên sau vấp ngã; có người từng nghiện ngập, sống buông thả, có người thất bại trong hôn nhân… Chính những người trong cuộc như họ sẽ là những tuyên truyền viên hiệu quả”.
"Khó khăn, có nhiều việc không thể hoàn thành nhưng không làm tôi e ngại. Có lúc bị dân trách, nhưng tôi không buồn, chẳng qua họ chưa hiểu tôi” - dì Phượng tâm sự.
Nhiều năm qua, dì Phượng vinh dự đón nhận nhiều bằng khen, giấy khen của UBND, Hội LHPN phường, quận trao tặng. Bà Nguyễn Thị Sâm, Chủ tịch Hội LHPN P.6, Q.5 nhận xét: “Dì Phượng bình dị, sống hết lòng với bà con chòm xóm, là tấm gương sáng mà thế hệ trẻ cần học tập.”
Việt Phương
chăm lo việc Hội, gương cán bộ Hội, Hội phụ nữ