Xã hội

Tấm barie của lòng hổ thẹn

PN - Facebook đang xôn xao vì một việc tốt: chàng trai Đ.B.N. nhặt được 175 triệu, sau khi cố gắng đợi người đánh rơi túi tiền quay lại không được anh đã đăng tải thông tin lên Facebook cá nhân để tìm người mất của

Bản tin trên trang Facebook cá nhân của anh Đ.B.N.

Tôi cứ nghĩ về hành động (và quyết định) đơn giản, đương nhiên của chàng trai ấy (điều mà nhiều người tự thú nhận trong comments là họ không làm được, hoặc không vượt qua được lòng tham). Có lẽ, sự biết hổ thẹn đã ngăn anh giữ lại số tiền. Nếu anh tặc lưỡi “của giời ơi rơi trước mắt” và im lặng, anh sẽ hổ thẹn khi tiêu dùng những đồng tiền không phải tự mình lao động kiếm ra, sẽ hổ thẹn mỗi khi sực nhớ có một người có thể đang rất túng bấn và đau khổ vì đánh mất số tiền đó. “Ai có sự tự trọng cũng đều làm như vậy thôi!” - Đ.B.N. viết vậy. Nhưng để có được sự tự trọng, trước hết người ta phải biết hổ thẹn.

Chúng ta vẫn thường ca ngợi các giá trị tinh thần tích cực như lòng kiêu hãnh, sự tự tin, lòng can đảm và xả thân… Nhưng tất cả những giá trị ấy chỉ được thiết lập và đáng tin khi chúng ta nhận thức được lòng hổ thẹn, tức là ta biết xấu hổ khi làm điều gì đó không phải với nhân cách và cái tâm của mình, biết day dứt khi lỡ gieo ác, biết chùn lại trước những gian dối đớn hèn. Chỉ con người biết hổ thẹn mới thực sự thiện lương trong sự hiểu biết; lòng kiêu hãnh và can đảm của họ thường minh triết với bệ đỡ chắc chắn của lương tri. Biết hổ thẹn để sống tử tế, như ta cần biết về bóng tối để nhận ra (và hiểu được giá trị) của ánh sáng.

Lòng hổ thẹn như một barie vô hình luôn tồn tại, giữ ta không bước quá những ranh giới để mất mình, không còn là mình, hoặc phải khinh rẻ chính mình. Hổ thẹn không chỉ khi chính ta làm điều xấu xa thấp kém; mà hổ thẹn còn là trạng thái tự biết, tự dằn vặt khi ta im lặng - bất động - không can thiệp những điều tồi tệ mà mình chứng kiến; hổ thẹn cũng có khi vì ta đã thờ ơ không làm những điều đương nhiên một người tử tế sẽ làm.

Cuối ngày, bạn ngồi nghe con trai kể trong lúc ăn tối: “Hôm nay con đã đứng im nhìn bạn bị nhóm lớp lớn đánh, con hoảng sợ vì họ đông và khỏe. Tới tận bây giờ, con vẫn hổ thẹn vì đã không cố gắng bảo vệ bạn”. Liệu bạn có dằn vặt vì ngay bên cạnh nhà có người phụ nữ bị lăng nhục và bạo hành bởi chính chồng cô ấy, và hàng ngày bạn thường tặc lưỡi “chuyện riêng nhà người ta” rồi ung dung ngồi xem ti vi, đóng tai trước tiếng khóc cất lên bên kia hàng rào? Liệu bạn có xấu hổ khi chiều nay, lúc dừng đèn đỏ, bạn nhìn thấy một người đàn ông bị móc túi, và bạn im lặng khi kẻ xăm trổ kia lừ mắt dọa dẫm?

Liệu bạn có thể thanh thản dạy con gái (mà không áy náy trong lòng) về lòng trung thực, vì bé lỡ cầm gấu bông của lớp mẫu giáo mang về và nói dối cô giáo để nhận thêm phần kẹo; khi buổi sáng bạn không quay lại dù phát hiện người bán hàng đã thối nhầm tiền thừa (số tiền nhầm ấy có thể là toàn bộ lãi lời cả ngày ngồi chợ của họ)? Liệu có thể nói về sự chung thủy và việc bảo toàn giá trị gia đình với người bạn đời, khi trưa nay bạn vừa lén lút cùng cô đồng nghiệp vào nhà nghỉ?

Biết hổ thẹn là cái biết để giữ mình luôn là chính mình trong sự tôn trọng của bản thân. Tôi vẫn tin, đàn ông chỉ thực sự đàng hoàng, nam tính; đàn bà chỉ thực sự đoan chính đáng tin khi họ biết giữ mình đừng làm điều gì để tự hổ thẹn. Và một đứa trẻ trưởng thành trong ngay thẳng công minh, trong lòng từ tâm, trong trách nhiệm sẻ chia với xung quanh - đứa trẻ ấy hẳn biết về sự hổ thẹn như một điều cần tránh nhưng phải luôn nhớ đến!

 Quỳnh Hương

www.phunuonline.com.vn

lòng tốt, trả lại tiền, nhặt được của rơi


      © 2021 FAP
        813,091       487