Xã hội

Viên đường mơ mộng

PN - Ban đêm, ở những ngôi nhà gần đường cái, tầm khoảng hai-ba giờ sáng, khi giấc ngủ mọi người thường đã sâu, bạn sẽ nghe thấy tiếng ầm ì vừa như rất gần vừa như của một thế giới nào khác.

Âm thanh vời vợi của những chuyến xe đêm thường khiến tôi có một cảm giác thật kỳ lạ. Nói là buồn bã, cũng không hẳn. Nói là bất an, cũng không đúng. Có lẽ, nó gợi lên trong lòng ta một nỗi niềm sâu thẳm, khắc khoải, không gọi được tên, như thể trong tâm khảm có một con ngựa hí vang, đập móng bất lực trong chuồng vào những đêm trăng sáng. Lại như thể thấy mình như một con ốc sên bé nhỏ, ngủ lơ mơ trong cái vỏ của mình, cảm giác được bao bọc giữa mênh mông đêm tối.


"Chẳng phải là mảnh đất hoang mơ hồ ở bên rìa cuộc sống cho con người ta một chân trời?"

Tôi lẩn thẩn nghĩ, hình như cái cảm giác hai chiều ấy là cái cảm giác của con người cả đời cứ giăng mắc giữa hai bờ mộng mơ và thực tại. Như một thứ bánh chúng ta vẫn thường dâng cúng vào mỗi tháng Ba, người ta được thực tại nhào nặn nên vuông tròn, ba chìm bảy nổi, nhưng có cái gì rất riêng tư thì vẫn ở đâu đó kín đáo trong lòng, không tan được.

Tình cờ đọc trang web của dịch giả Trịnh Lữ, có nhắc tới Đất hoang của Frank Dalby Davison trong Tuyển tập truyện ngắn Úc, Trịnh Lữ dịch, một câu chuyện nhẹ nhàng mà khiến người ta vơ vẩn. Truyện kể về một chủ trang trại ao ước được sở hữu một rẻo đất tận cùng của rừng hoang, ngày lại ngày mường tượng ra mình làm như thế nào để khai thác vùng đất ấy, mở rộng biên cương trang trại của mình. Chẳng may, mảnh đất ấy lại là sở hữu của de Burgh, một người đàn ông lúc nào cũng đầy những dự án điên rồ, cả đời loay hoay như chẳng bao giờ cạn nhiệt huyết, giờ muốn quay trở về mảnh đất hoang của mình để dừng lại, hiện thực hóa giấc mộng lớn cuối cùng: biến vùng đất hoang thành một khu sản xuất nông nghiệp ra trò! Nhân vật chính nghĩ, việc chuyển nhượng như vậy hẳn là vô vọng. Thế mà vận may lại tới, nghe đâu ông chủ mảnh đất hoang đã đột ngột từ bỏ quyền sở hữu khu đất vì đang mải mê với những ý tưởng mới nào đó. Nhân vật chính lại cũng tình cờ bốc thăm được sở địa chính phân cho khai khẩn vùng đất hoang ấy. Nhưng, chẳng hiểu tại sao, đến lượt nhân vật chính - người từng ao ước đến thế, tự dưng lại chẳng còn muốn làm gì với lô đất hoang kia nữa. Truyện kết bằng một câu như thế này: “Tôi vỡ lẽ rằng những người như de Burgh có cái gì đó đặc biệt..., không chịu được cuộc sống thực dụng đơn thuần. Họ mang mảnh đất hoang của họ ở trong lòng”.

Có lẽ, giấc mơ sẽ chẳng còn là giấc mơ khi nó đã hoàn thành. Cả hai người đàn ông trong câu chuyện kia cứ muốn giữ mảnh đất hoang ấy trong tâm tưởng, để nó mãi là một mảnh đất hoang cho người ta được mộng mơ và tha hồ đắp xây những dự án lớn của đời mình.

Có thể, ai đó sẽ cho rằng mơ mộng thật viển vông, vô ích. Nhưng, có chắc chúng ta làm gì cũng phải có chủ đích không? Đã đành con người ta phải sống với thực tại, phải thích nghi để tồn tại, nhưng chẳng phải là chính viên đường mơ mộng nhỏ bé được vỏ bột thực tại bao bọc mới hoàn chỉnh hương vị và tạo nên được món bánh đời? Chẳng phải là mảnh đất hoang mơ hồ ở bên rìa cuộc sống cho con người ta một chân trời? Tôi yêu những người còn giữ được một mảnh đất hoang ở trong lòng. Yêu viên đường thi vị. Và yêu tiếng rì rầm thầm gọi tôi trong đêm.

 Hàm Anh

www.phunuonline.com.vn

Viên đường mơ mộng, ngọn lửa nhỏ


      © 2021 FAP
        817,245       224