Xã hội

Ngọc thực

PN - Xem ra dân mình ăn Tết mỗi ngày một to chứ không “giản tiện” chút nào. Năm nay nhiều người cho rằng dân ta ăn Tết “bèo” hơn mấy năm trước vì kinh tế khó khăn.

Mới ra Tết, báo chí đã loan tin, rằng tại Hà Nội (và có thể nhiều nơi khác) công nhân môi trường phát hiện người ta đổ vào thùng rác “hàng ngàn bánh chưng, cả những cây giò lụa và thịt cá vụn, hoa quả”. Rất nhiều trong số thực phẩm bị đổ đi ấy vẫn ăn được. Nhiều công nhân dọn vệ sinh tiếc của đã mang về nhà.

Hiện tượng ấy năm ngoái không thấy. Nhận định về sự lãng phí này, ông Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng, người Việt đang thích theo “mốt khoe của” (trang doisongphapluat.com). Nói thế cũng chỉ đúng một phần và oan cho đa số người Việt.

Ảnh minh hoạ: Ngọc Hồ. 

Thực tế ấy có nguyên nhân xã hội là dân ta vẫn quen tập trung toàn lực sắm Tết một cách thiếu khoa học và hợp lý. Nhưng cũng cho ta thấy rõ thêm cái hố giàu nghèo mỗi ngày đang được đào sâu, mở rộng hơn. Tình cảnh kẻ ăn không hết người nhằn không ra vẫn xảy ra hàng ngày, càng hằn lên rõ nét trong mấy ngày Tết.

Chênh lệch tiền thưởng Tết có nơi lên tới hàng trăm lần giữa cán bộ, công chức và tư chức; chưa nói đến những nơi phải thưởng Tết bằng hiện vật “khó nhằn” như chiếu cói, bánh kẹo, dầu gội đầu rẻ tiền v.v...; chưa nói tới hàng chục triệu người nghèo, nhất là nông dân chật vật chạy Tết không ra, đành phải ăn một cái Tết “hẻo”, sơ sài. Họ cũng là người Việt nhưng đâu có tính khoe của? Những người đổ bỏ thức ăn còn dùng được chắc chắn không phải người nghèo hay những người đổ mồ hôi sôi nước mắt mới kiếm được miếng ăn.

Lớp người muốn chứng tỏ “đẳng cấp” ấy ở đâu ra? Họ làm ra tiền quá dễ dàng, say mê tiêu dùng trong một xã hội tuy mới thoát nghèo nhưng đã có thói tiêu dùng vô hạn độ. Họ ăn kiêng, rút mỡ nhưng vẫn sắm Tết hoành tráng, “giải quyết khâu oai” để rồi… đổ đi!

Họ, những người vứt bỏ không gớm tay thức ăn còn dùng được dù từ nguyên nhân gì đều có một mẫu số chung. Đó là đã phụ lòng những người làm ra thực phẩm nuôi sống xã hội. Con lợn, con tôm, hạt gạo nếp đâu có trên trời rơi xuống. Con cá biển trên đĩa đã phải lội qua mồ hôi, xương máu của ngư dân trước bọn cướp biển Đông. Cha ông nói miếng gì ăn được đều là “ngọc thực”. Họ say mê tôn quý vàng, hạt xoàn, tiền giấy hay những con số vô hình trong tài khoản ngân hàng, nhưng họ lại đổ ngọc thực, nhiều khi còn quý hơn ngọc, vào thùng rác. Đó là sự phỉ báng, miệt thị người nghèo, hàng triệu trẻ em chén cơm không hề có thịt và cả chính mình.

Đỗ Phủ, thi hào đời Đường có bài thơ mô tả nghịch cảnh này: “Trong nhà múa thần tiên. Khói mây lồng mặt ngọc. Ẩm khách áo lông thú. Não nùng đàn sáo rót. Mời khách canh dận đà, Chanh thơm đè quít ngọt. Cửa son rượu thịt ôi, Ngoài đường xương chết buốt” (Khương Hữu Dụng dịch).

Nguyễn Quang Thân

www.phunuonline.com.vn

Tết, ăn tết, lo tết, chơi tết, khoe của, chênh lệch giàu nghèo, Ngọc thực, suy nghĩ cuối tuần


      © 2021 FAP
        821,141       754