Xã hội

Mô hình bình ổn thị trường của Hội

PN - * Xin hỏi, trong chương trình bình ổn thị trường mà Hội LHPN tham gia có những mô hình nào? Tôi đang kinh doanh hàng tạp hóa, muốn tham gia chương trình bình ổn thị trường của Hội LHPN TP

Hoàng Thị Thanh Nhã (Q.Bình Tân, TP.HCM)

Bà Lê Thị Thu Hiền (ảnh) - Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Hỗ trợ PN phát triển kinh tế Hội LHPN TP trả lời:

Ngày 29/12/2011, Hội LHPN TP đã tham gia ký kết liên tịch với Sở Công thương, Thành Đoàn và các doanh nghiệp: Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA), Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP (Saigon Co.op) tham gia chương trình bình ổn thị trường.

Hội LHPN TP đã tập trung chỉ đạo các cấp Hội PN trong TP xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức thực hiện mô hình gồm cửa hàng liên kết Hội PN - Co.op; điểm bán hàng bình ổn các mặt hàng thiết yếu tại chợ truyền thống, địa bàn dân cư và xe bán hàng lưu động. Việc triển khai các mô hình nhằm tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ (HV PN) và các thành viên trong gia đình nâng cao nhận thức, xây dựng thói quen ưu tiên dùng và ủng hộ hàng Việt Nam, tạo điều kiện cho HV tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, góp phần hạn chế được hiện tượng đầu cơ, tăng giá đột biến, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của HV PN và thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Trong đó, mô hình cửa hàng liên kết Hội PN - Co.op nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của HV PN. Hiện đã có 73 cửa hàng được thành lập trong hệ thống Hội PN 24 quận/huyện. Nhóm hàng thiết yếu được lựa chọn tham gia hàng bình ổn gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, trứng, thực phẩm chế biến, rau củ quả…

HV tham gia phải được Hội LHPN quận/huyện giới thiệu, bảo lãnh, có mặt bằng thuận lợi để mở các cửa hàng bách hóa (có thể là các ki-ốt ở các chợ, các vị trí khu chung cư, khu lưu trú công nhân…) với diện tích từ 8-20m2 (đối với khu vực chợ) và từ 25m2 trở lên đối với khu dân cư, có khả năng tổ chức nhân sự kinh doanh, nguồn vốn.

Sau khi khảo sát các điều kiện, nếu đáp ứng yêu cầu, Saigon Co.op sẽ hướng dẫn trang trí, sửa chữa cửa hàng, trưng bày hàng hóa theo quy định của Co.op. Saigon Co.op cũng sẽ trang bị cho cửa hàng quầy kệ, tủ lạnh, máy tính tiền (tối đa 15 triệu đồng), hỗ trợ bảng hiệu, đồng phục bán hàng. Các cửa hàng liên kết Hội PN - Co.op được cung ứng hàng hóa và được trả chậm trong mười ngày; hướng dẫn, đào tạo nghiệp vụ bán hàng cho nhân viên…

Hội LHPN quận/huyện, phường/xã có trách nhiệm giới thiệu và bảo lãnh công nợ đối với các hộ tham gia kinh doanh; hướng dẫn các thủ tục và hỗ trợ cho HV vay từ nguồn Quỹ Hỗ trợ PN phát triển kinh tế (CWED) để đảm bảo nguồn vốn kinh doanh cho cửa hàng; phối hợp với Saigon Co.op theo dõi việc kinh doanh hàng bình ổn và hàng hóa khác theo đúng quy định.

Ngoài ra, các cấp Hội còn vận động cán bộ, HV PN sử dụng mặt bằng của các cửa hàng kinh doanh tạp hóa tại gia đình tham gia bán các mặt hàng bình ổn để mở rộng mạng lưới trên địa bàn dân cư, đặc biệt tại các quận ven, huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất có đông công nhân. Trong năm 2013, đã mở thêm 759 điểm bán các mặt hàng thiết yếu bình ổn thị trường trên địa bàn dân cư, chợ truyền thống và các khu công nghiệp - khu chế xuất, nâng tổng số điểm bán hàng bình ổn do Hội PN vận động là 266 điểm tại 50 chợ cấp quận quản lý và 1.160 điểm trên địa bàn dân cư.

 Phương Vy (ghi)

www.phunuonline.com.vn

mô hình bình ổn thị trường, bình ổn giá, cửa hàng bình ổn giá


      © 2021 FAP
        821,159       684