Công nghệ - Sản phẩm

TP.HCM: Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) – Khuyến cáo cho TP.HCM” sẽ diễn ra vào ngày 25/9/2019.

Chiều ngày 17/9, tại Trung tâm Báo chí Thành phố đã diễn ra buổi họp báo Hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) – Khuyến cáo cho TP.HCM”. Chương trình do UBND Thành phố phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức, nhằm “Xây dựng hệ sinh thái ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM giai đoạn 2019 – 2025”.

Chủ trì buổi họp báo có ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM; ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM; ông Huỳnh Thanh Công, Phó trưởng Ban Khoa học và Công nghệ, ĐHQG TP.HCM.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Dương Anh Đức cho rằng, khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển với tốc độ nhanh, thì cuộc chạy đua mang tên “Trí tuệ nhân tạo – Artificial Intelligence – AI” của những tập đoàn công nghệ trên thế giới cũng đang ở đỉnh điểm. Xu hướng đầu tư trí tuệ nhân tạo đang lan rộng từ các quốc gia, các tập đoàn lớn các quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu cho đến các công ty khởi nghiệp… dẫn tới sự thay đổi đáng kinh ngạc của nền kinh tế toàn cầu, có quy mô tác động và tốc độ phát triển theo cấp số lũy thừa, có thể làm thay đổi cách thức con người sống, làm việc và điều hành xã hội. Trong đó, phần đóng góp của AI được dự báo sẽ lên tới 15.700 tỷ đô la vào năm 2030.

Ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phát biểu tại buổi họp báo.

Riêng tại TP.HCM, việc ứng dụng công nghệ AI vào sản xuất và đời sống cũng như quản lý hành chính luôn được chính quyền Thành phố đánh giá là yếu tố quan trọng để xây dựng Thành phố phát triển nhanh, bền vững, sớm trở thành đô thị thông minh bậc nhất cả nước. Việc xây dựng hệ sinh thái ứng dụng trí tuệ nhân tạo cũng là tiền đề để thực hiện thành công đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến 2025”.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KHCN TP.HCM phát biểu tại buổi họp báo.

Tại buổi họp báo, các câu hỏi, thắc mắc của phóng viên các cơ quan báo chí, thông tấn đóng trên địa bàn TP xoay quanh nội dung hội thảo và việc ứng dụng AI tại Thành phố đã lần lượt được ban tổ chức giải đáp.

Dự kiến, hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) – Khuyến cáo cho thành phố Hồ Chí Minh” sẽ diễn ra vào ngày 25/9/2019 với khoảng 400 khách mời tham dự. Tại đây, những kinh nghiệm thực tế trong việc nghiên cứu, ứng dụng AI trong và ngoài nước sẽ được chia sẻ, trao đổi, nhằm rút ra kinh nghiệm riêng tại TP.HCM, là lời giải cho bài toán kết nối trong đô thị thông minh.

Bên cạnh hội thảo, vào ngày 26/9/2019 cũng sẽ diễn ra lớp tập huấn giới thiệu, cập nhật, bổ sung kiến thức, nâng cao nhận thức về AI cho lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành, chính quyền các quận huyện, các công ty trực thuộc Thành phố, đại diện các cơ quan báo chí và các nhà trường. Thông tin tại buổi họp báo cũng cho biết, trong năm 2019 – 2020, TP sẽ xem xét phát động cuộc thi nhằm phát hiện, chọn lựa những giải pháp ứng dụng AI trong các lĩnh vực có hàm lượng chất xám cao, đem lại hiệu quả kinh tế và lợi ích cho cộng đồng.

Mục tiêu xây dựng Chương trình “Xây dựng hệ sinh thái ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM giai đoạn 2019-2025”

Tại Việt Nam, khi chủ trương và kế hoạch triển khai cuộc cách mạng công nghệ 4.0 được Chính phủ ban hành nhằm kịp thời nắm bắt xu hướng phát triển của thế giới, việc ứng dụng công nghệ AI vào sản xuất và đời sống cũng như công tác quản lý hành chính nhà nước được lãnh đạo TP.HCM đánh giá là yếu tố quan trọng để xây dựng, phát triển thành phố nhanh, bền vững, sớm trở thành đô thị thông minh, đồng thời là cơ hội vàng để ghi tên Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới, song song với những kết quả nhảy vọt về tăng trưởng kinh tế.

Chính vì vậy từ năm 2018, lãnh đạo TP.HCM đã chủ trương đề xuất, ban hành cơ chế, chính sách cho nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất và đời sống, đồng thời tích hợp một số lĩnh vực AI vào đề án xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh, như lời Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Bước vào cách mạng 4.0 thì không thể không nghiên cứu ứng dụng AI và thành phố sẽ dành ưu tiên thúc đẩy AI. Với dân số hơn 10 triệu người, thị trường tại chỗ, nguồn lực kinh tế lớn mạnh là những thuận lợi rất lớn để hình thành Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo”.

Chương trình “Xây dựng hệ sinh thái ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM giai đoạn 2019-2025” có vai trò quan trọng để thực hiện thành công đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025”.

Ngày 20/3/2019, Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp tổ chức lần 1 Hội thảo khoa học “Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TP.HCM giai đoạn 2019 – 2025”. Trong khuôn khổ hội thảo, Ban tổ chức đã mời các diễn giả là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang công tác tại các đơn vị như: Đại học Quốc gia TP.HCM, Viện John von Neumann, Trường đại học Khoa học Tự nhiên, Trường đại học Bách khoa,... và đại diện các Sở, Ban, Ngành, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu đến từ nhiều Viện, Trường, Hiệp hội, các doanh nghiệp, các nhóm khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố. Qua hội thảo này, các đại biểu đánh giá việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào cuộc sống cũng như quản lý hành chính là yếu tố quan trọng để phát triển Thành phố và cần tập trung nguồn lực phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo nhằm bắt kịp xu thế công nghệ trong tương lai. Các đại biểu đã tích cực đề xuất, kiến nghị các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo, tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nắm bắt công nghệ, xây dựng và phát triển nguồn cơ sở dữ liệu kết hợp cùng cơ sở hạ tầng mạng truyền thông đồng bộ. Đồng thời, Thành phố sẽ nghiên cứu và chọn lựa đối tác chiến lược cùng triển khai Chương trình trí tuệ nhân tạo trên nguyên tắc lợi ích bình đẳng giữa các bên tham gia.

Tiếp theo hội thảo lần 1, ngày 25/9/2019, Ủy ban nhân dân TP.HCM cùng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức lần thứ 2 Hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) - Khuyến cáo cho TP.HCM” giới thiệu những kinh nghiệm thực tế quý giá trong việc nghiên cứu, ứng dụng AI trong và ngoài nước, từ đó rút ra được những bài học kinh nghiệm cho ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM - lời giải cho bài toán kết nối trong đô thị thông minh.

Chương trình hội thảo dự kiến bao gồm: Phát biểu khai mạc của đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố; Phát biểu định hướng nội dung hội thảo và chỉ đạo thực hiện của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; Phát biểu của Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; Phát biểu của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Phát biểu tham luận của các chuyên gia từ các trường Đại học, Doanh nghiệp, các Sở - Ngành tại Thành phố (trong đó có 3 bài tham luận của chuyên gia cao cấp nước ngoài từ Ngân hàng Thế giới, chính phủ Singapore, tập đoàn Microsoft), tập trung vào các chủ đề chính:

- Giới thiệu tình hình quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng AI; khuyến nghị, đề xuất và các cam kết hỗ trợ cho TP.HCM.

- Kinh nghiệm trong nghiên cứu, ứng dụng, triển khai AI trong từng lĩnh vực cụ thể: giao thông vận tải, giáo dục, y tế, ngân hàng, sản xuất, IoT…

- Hiện trạng và kinh nghiệm, các giải pháp (về chính sách, tài chính, thị trường…) trong nghiên cứu, đào tạo, giảng dạy AI tại các trường đại học, viện nghiên cứu.

- Hiện trạng, tình hình nghiên cứu, ứng dụng AI và đề xuất, kiến nghị của các tổ chức, doanh nghiệp… đã triển khai, ứng dụng AI trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

- Chương trình, chiến lược quốc gia về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển AI tại Việt Nam.

Theo Khampha

PCWorld

nghiên cứu khoa học, trí tuệ nhân tạo, truyền thông khoa học công nghệ


      © 2021 FAP
        1,830,231       44