Công nghệ - Sản phẩm

Sihub hợp tác với Saigon Times truyền thông thông tin khởi nghiệp

Ngày 7/9, trong khuôn khổ lễ ra mắt CLB hỗ trợ khởi nghiệp trực thuộc Saigon Times, SIHUB và Saigon Times đã ký kết chương trình hợp tác truyền thông thông tin khởi nghiệp

Đây là bước cụ thể hoá tôn chỉ đồng hành, truyền thông và kết nối nhằm xây dựng cộng đồng khởi nghiệp TP.HCM ngày một phát triển cả chiều rộng và chiều sâu.

CLB hỗ trợ khởi nghiệp trực thuộc Saigon Times được thành lập được kỳ vọng sẽ mang lại luồng sinh khí mới cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. CLB sẽ góp phần tuyên truyền và kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp, lan toả tinh thần khởi nghiệp đến cộng đồng thông qua các hoạt động, ý tưởng sáng tạo... Hoạt động của CLB tập trung vào việc kết nối các nguồn lực sẵn có của Saigon Times, liên kết nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp tại các địa phương cũng như gắn kết doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học với thị trường.

Là thành viên ban cố vấn của CLB này, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành SIHUB chia sẻ "Saigon Times là một trong những đơn vị truyền thông uy tín. Do vậy, thông qua hợp tác lần này cũng như tham gia cố vấn cho CLB, chúng tôi mong muốn tinh thần khởi nghiệp được lan toả đến cộng đồng mạnh mẽ hơn, hiểu biết về khởi nghiệp được đúng hơn và đặc biệt tạo thêm nhiều cơ hội, kênh hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Diễn ra cùng ngày, tại tọa đàm "Khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao: Để không bị bỏ lại phía sau" do Câu lạc bộ Khởi nghiệp Saigon Times tổ chức ngày 7/9, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ (Saigon Innovation Hub), nhìn nhận trong hơn 1 năm qua ông đã đọc khoảng 500 dự án khởi nghiệp, trong đó, khoảng 30% liên quan đến nông nghiệp. Tuy nhiên, các dự án phần lớn là "thấy hay hay thì làm", thiếu tư duy đánh giá thị trường. "Nhiều nhà sáng lập rất mau nản chí, rất nhiều dự án không có khả năng sinh nhật lần 2" – ông Tước nhận xét.

Cũng theo ông Tước, việc chênh lệch giữa giá nông dân bán ra và giá người tiêu dùng mua là do thiếu tính liên kết, hàng hóa trải qua nhiều khâu trung gian. Ông Tước ví dụ về trường hợp tôm ở Sóc Trăng, nông dân bán ra chỉ 80.000 đồng/kg nhưng dân ăn nhậu mua tới 400.000 đồng/kg. "Nếu như có HTX đại diện cho nông dân bán hàng trực tiếp thì người tiêu dùng có thể mua giá 200.000 đồng/kg và nông dân được nhận lại 120.000 đồng/kg. Vấn đề là liên kết và tìm ra mô hình phù hợp để giảm những khâu trung gian không cần thiết" – ông Tước nêu thực tế.

Tại tọa đàm, ông Trần Bằng Việt, Tổng giám đốc Dong A Solutions, cho rằng mức chênh lệch 4 lần giữa giá bán lẻ và giá tại vườn là mức chênh lệch tốt.

Trước đó, một nông dân trồng hoa hồng ứng dụng công nghệ cao tại Lâm Đồng chia sẻ vấn đề của nông nghiệp công nghệ cao vẫn là đầu ra khó khăn. "Tại TP.HCM, các đôi yêu nhau mua một bông hoa hồng giá 25.000 đồng nhưng nhà vườn chỉ bán được khoảng 1/4 giá này và nông dân thường xuyên lỗ vào cuối vụ" – nông dân này than thở.

Theo ông Trần Bằng Việt, tại Canada, từng có thời gian giá bán lẻ quả trứng cao gấp 26 lần so với giá thu mua của nông dân cho thấy sự chênh lệch khủng khiếp giữa 2 mức giá. "Thực tế, chi phí bán hàng, truyền thông quảng bá chiếm ít nhất cũng 60% nên giá nông sản 25% là bình thường. Nông dân phải thích nghi với điều này và tìm cách gói ghém làm sao để hiệu quả. Bất cứ đâu, khi người sản xuất không bán lẻ trực tiếp, phải qua các trung gian thì hệ thống trung gian càng mạnh và quyền lực càng tăng. Muốn sản phẩm bán được giá cao phải có sự khác biệt, đi vào thị trường ngách, mang lại giá trị cho người tiêu dùng để họ chấp nhận mức giá đó" – ông Việt nói.

Vào cuối tháng 8 vừa qua, trong một buổi tọa đàm về khởi nghiệp nông nghiệp sạch diễn ra tại TP.HCM, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit, cũng lưu ý giá bán lẻ phải gấp từ 2-4 lần tại vườn. Mức chênh lệch này không phải do khâu bán lẻ "ăn dày" mà để trang trải các dịch vụ, chi phí logistics rất lớn đối với mặt hàng tươi sống.

PCWorld

khởi nghiệp, SIHUB, truyền thông khoa học công nghệ


      © 2021 FAP
        1,834,597       39