Công nghệ - Sản phẩm

Sự kiện CNTT-TT Việt Nam nổi bật năm 2017

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm biến đổi nhanh nhiều ngành nghề trên thế giới, và làn sóng ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo tràn vào Việt Nam mạnh mẽ không những mang lại nhiều cơ hội mà còn cả những thách thức cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dùng

Sự kiện CNTT-TT Việt Nam nổi bật năm 2017

. Năm mới đã đến với nhiều kỳ vọng mới, và chúng ta lại cùng nhau điểm lại những sự kiện CNTT-TT trong nước nổi bật năm qua.
 

Kỷ niệm 20 năm Việt Nam kết nối Internet

Ngày 19/11/1997 ghi nhận dấu mốc Việt Nam chính thức hòa mạng Internet toàn cầu, mở ra một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực CNTT-TT cho cả nước. Sau 20 năm phát triển, Internet đã làm thay đổi sâu sắc mọi lĩnh vực trong đời sống. Đến nay, với hơn 50 triệu người sử dụng Internet, chiếm tỷ lệ 53% trên tổng số dân, Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia và vùng lãnh thổ có lượng người dùng Internet vượt quá số người không dùng. Với hạ tầng viễn thông cung cấp truy cập Internet băng thông rộng di động 3G, 4G đang phát triển nhanh, giá cước dịch vụ truy cập liên tục giảm, dự kiến lượng người dùng Internet di động vẫn còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới.

Việt Nam đã thực sự thay kể từ khi chính thức mở cửa đón Internet. Người dân không chỉ thỏa mãn nhu cầu kết nối, tìm kiếm và chia sẻ thông tin trên mạng mà nhiều ngành nghề, lĩnh vực cũng chuyển mình ứng dụng công nghệ vào các hoạt động kinh doanh, xuất hiện những mô hình dịch vụ tiên tiến dựa trên nền tảng kết nối mọi thứ. Tất cả cùng đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của xã hội Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới. Với nền tảng kết nối mạnh mẽ, Việt Nam hứa hẹn sẽ không để lỡ chuyến tàu mang tên cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tràn tới.

Hoàn tất chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định

Việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định toàn quốc đã hoàn tất kể từ ngày 17/6/2017. Đây là một bước của Bộ TTTT triển khai thực hiện quy hoạch kho số viễn thông nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bùng nổ của thông tin di động trong kỷ nguyên Internet vạn vật (IoT). Theo ước tính, Việt Nam sẽ có trên 500 triệu số thuê bao di động 10 chữ số cho liên lạc giữa người dùng, cùng với đó là khoảng 1 tỷ số thuê bao di động cho liên lạc thiết bị với thiết bị trong xu hướng công nghệ thông minh ứng dụng ngày càng phổ biến trong nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội. Việc chuyển đổi theo Bộ TTTT là để đồng nhất độ dài mã vùng của các tỉnh thành giúp người dân dễ nhớ hơn, một mục tiêu quan trọng khác là có thêm đầu số để thực hiện chuyển đổi thuê bao di động 11 số về 10 số.

“Taxi công nghệ” tỏa sáng với mô hình kinh doanh “mờ”

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra nền kinh tế chia sẻ đem lại lợi ích to lớn cho người tiêu dùng, mà Uber là một đại diện tiêu biểu. Lộ trình rõ ràng, giá cả minh bạch và linh hoạt, dịch vụ đáp ứng nhanh nhờ ứng dụng thông minh kết nối cung – cầu nên Uber và Grab được người dùng hưởng ứng khắp nơi. Nhưng làn sóng phản đối và những tranh cãi xung quanh mô hình kinh doanh của Uber, Grab lại khiến các nhà quản lý thì đau đầu. Tại Việt Nam, hiệp hội taxi kiến nghị ngừng thí điểm hoạt động của dịch vụ này vì tạo ra bất bình đẳng trong kinh doanh. Thậm chí, vào ngày 8/10, hàng loạt taxi Vinasun dán thông điệp phản đối Uber và Grab mà theo nhiều luật sư thì đây là hành vi gièm pha doanh nghiệp khác, vi phạm luật cạnh tranh. Trong khi đó, Uber B.V Hà Lan bị cục thuế TP.HCM đòi truy thu hơn 66 tỷ đồng tiền thuế.

Hàng loạt xe taxi Vinasun dán khẩu hiệu phản đối Grab và Uber hồi tháng 10/2017.

Châu Âu mới đây đã ra phán quyết Uber không phải là công ty công nghệ mà xếp vào loại hình công ty vận tải nên phải chịu sự điều tiết như các hãng taxi khác. Nhưng Việt Nam vẫn chưa biết xếp Uber, Grab vào đâu dù đã hết thời gian thí điểm 2 năm. Dù kết quả thế nào thì loại hình kinh doanh dựa trên những lợi thế sinh ra từ cuộc cách mạng công nghệ như Uber, Grab đã gióng hồi chuông báo động cho nhiều ngành nghề truyền thống sẽ khó lòng tồn tại nếu không kịp chuyển mình.

Tin giả tràn lan mạng xã hội

Tin tức giả mạo (fake news) không phải là mới, nhưng năm qua tràn ngập trên mạng xã hội gây hoang mang và ảnh hưởng không nhỏ tới người dùng. Những nước phát triển như Mỹ, fake news cũng tràn ngập Facebook, Google, Twitter… nhất là vào những thời điểm diễn ra các sự kiện lớn, chẳng hạn như bầu cử tổng thống. Tại Việt Nam, theo số liệu của Bkav, có đến 63% người dùng thường xuyên đọc được tin tức giả mạo trên Facebook, trong đó 40% là nạn nhân hằng ngày. Bkav cho rằng, tin tức giả mạo không chỉ khiến người đọc hoang mang mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội khi kẻ xấu cố tình đưa tin sai sự thật liên quan đến tình hình kinh tế, chính trị của đất nước.

Bộ TTTT cho biết, năm qua Bộ đã yêu cầu Google ngăn chặn, gỡ bỏ được khoảng 4.500 clip có nội dung xấu, sai sự thật trên Youtube; Theo Vietnam+ dẫn lời Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, Facebook cũng đã gỡ bỏ 107/107 tài khoản giả mạo, 394 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, 159 tài khoản nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước.

Về phía người dùng, Bkav khuyến nghị cần tỉnh táo trước tin tức chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội. Người dùng mạng xã hội phải xây dựng cho mình khả năng đề kháng trước thông tin giả mạo, chủ động kiểm chứng thông tin nhận được từ nguồn không đáng tin cậy.

Cảnh báo tiền ảo khuấy đảo đời thực

Cả thế giới phát rồ với hiện tượng Bitcoin từng tăng giá trị gấp 20 lần trong năm qua, liên tục lập đỉnh mới hay tụt giá cả nghìn USD chỉ trong vòng một giờ. Bitcoin được kích cầu từ những cú hích mới, như Nhật Bản chấp nhận nó là công cụ thanh toán hồi tháng 4, Nga thì hé lộ khả năng công nhận tiền điện tử vào năm 2018 để đối phó với nạn rửa tiền, ngày càng nhiều sàn giao dịch Bitcoin hoạt động hợp pháp, trong khi các hoạt động kinh doanh ngầm ngày càng gia tăng cần phương thức thanh toán nhanh chóng và ẩn danh như Bitcoin.

Cơn sốt Bitcoin cũng tràn vào Việt Nam cùng với những dàn máy tính khủng nhập về giá hàng chục, trăm triệu đồng để đào đồng tiền ảo đầy ma quái này. “Ăn theo” sức hút của Bitcoin, tại Việt Nam còn xuất hiện những sàn giao dịch tiền ảo “chui”, nhóm các nhà đầu tư tiền ảo mời chào người mới tham gia, lời lãi chưa thấy đâu nhưng nguy cơ sập sàn thì luôn rình rập những người nhẹ dạ. Ngay việc đào Bitcoin cũng không dễ “kiếm”, chưa kể hóa đơn tiền điện hàng tháng lên hàng triệu đồng mỗi máy khiến “thợ mỏ” liêu xiêu.

Lừa đảo liên quan đến tiền ảo thì muôn hình vạn trạng. Gần đây mã độc đào Bitcoin lây lan chóng mặt qua tin nhắn Facebook Messenger. Một số website nhiều người dùng cũng có thể bị hacker khai thác lỗ hổng để phát tán loại mã độc này nhằm biến máy người dùng thành công cụ đào tiền ảo cho chúng. Theo Bkav, đã có hơn 23.000 máy tính tại Việt Nam nhiễm loại mã độc đào Bitcoin, và con số sẽ còn tăng nhanh trong thời gian tới.
Ngân hàng nhà nước đã khuyến cáo, Bitcoin và các loại tiền ảo khác không phải là tiền tệ cũng không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Trong khi đó, nhiều người cho rằng tiền kỹ thuật số là tương lai của tài chính và tiền tệ thế giới trong kỷ nguyên số. Nhiều người khác lại nghĩ đây là trò lừa đảo hay bong bóng công nghệ lớn nhất từ trước tới nay.




 

PCWorld

3G vs 4G, Bitcoin, cách mạng công nghiệp 4.0, Châu Tấn, chia sẻ kết nối Internet, grab, Internet băng thông rộng


      © 2021 FAP
        3,386,963       417