Màn hình hiện nay là ngành công nghiệp nhiều tỉ đô la. Nếu bạn không hài lòng với chiếc màn hình đang dùng, đâu đó ngoài thị trường luôn có sản phẩm thay thế, đáp ứng được mọi kỳ vọng khắt khe của bạn, cả về chất lượng hình ảnh lẫn "ngoại hình".
Màn hình hiện nay là ngành công nghiệp nhiều tỉ đô la. Nếu bạn không hài lòng với chiếc màn hình đang dùng, đâu đó ngoài thị trường luôn có sản phẩm thay thế, đáp ứng được mọi kỳ vọng khắt khe của bạn, cả về chất lượng hình ảnh lẫn "ngoại hình". Đồng thời, cũng có rất nhiều chuyên gia sẵn sàng cho bạn biết những bí mật có trong từng chiếc màn hình mà người dùng thông thường khó phát hiện được. Sự phát triển của ngành công nghiệp màn hình đã dần dần định hình được những yếu tố chắc chắn hơn cho người dùng dựa vào khi chọn màn hình. Một card đồ họa mạnh mẽ giúp tỉ lệ khung hình cao hơn, giúp chơi game mượt mà hơn và game có thể phô diễn những hiệu ứng đồ họa cực kỳ bắt mắt. Bạn cũng có thể dựa vào những đánh giá phần cứng, dữ liệu đo điểm số benchmark để có được ý tưởng đâu là chiếc màn hình mạnh nhất hay phù hợp nhất cho game, cho phim và các nội dung giải trí khác.
Có thể nâng cấp card đồ họa là giải pháp hữu hiệu, nhưng nếu bạn thực sự muốn thay da đổi thịt cho hệ thống PC, thì chính chiếc màn hình trước mặt bạn mới là "mặt tiền" của bộ máy. Một vài điểm chết trên màn hình, hay màu sắc chưa chính xác thì lúc ấy hệ thống của bạn chưa phải là hoàn hảo. Tuy một chiếc màn hình mới không giúp game chạy nhanh hơn nhưng một điều chắc chắn là nó sẽ giúp hình ảnh trong game đẹp đẽ hơn, đồng thời mọi ứng dụng khác trên máy tính cũng trông tuyệt hơn. Và ở thời điểm hiện tại chắc hẳn bạn không muốn lạc hậu và bỏ lỡ nhiều công nghệ màn hình tuyệt vời.
Trở lại với cơ bản
Mặc dù màn hình có nhiều cải tiến, những thông số như tỉ lệ tương phản, độ sáng, tỉ lệ làm tươi màn hình vẫn rất quan trọng, và chúng vẫn là thông số phân biệt giữa các màn hình với nhau.
Độ phân giải. Đây là tiêu chí đầu tiên nhiều người quan tâm khi chọn mua màn hình. Độ phân giải của một màn hình là số điểm ảnh mà màn hình đó có được, nó đại diện cho "số điểm ảnh chiều ngang x số điểm ảnh chiều dọc", nên một màn hình có độ phân giải 1.920 x 1.080 sẽ có 1.920 điểm ảnh chiều ngang và 1.080 điểm ảnh chiều dọc. Thế nên, một màn hình 24-inch có độ phân giải cao hơn sẽ hiển thị cảnh trong videogame bao quát hơn màn hình 25-inch độ phân giải thấp hơn. Sự khác biệt càng rõ nét khi bạn để màn hình 4K bên cạnh một màn hình 1080p có cùng kích thước.
Tuy mới xuất hiện gần đây nhưng màn hình 4K chưa thực sự chiếm ưu thế trên thị trường. Hồi đầu năm nay, Dell tung ra màn hình UP3218K 31-inch 8K, nghĩa là độ phân giải đạt đến 7.680 x 4.320 ở mức giá 5.000 USD. Nhưng đến nay, card đồ họa "khỏe" nhất trên thị trường cũng mới chỉ có khả năng xử lý trung bình 60 khung hình/giây ở độ nét 4K trong những game được cho là "nặng" nhất hiện nay.
Độ sáng. Được đo bằng lượng ánh sáng phát ra trong một vùng cụ thể nào đó trên màn hình, mà ngành công nghiệp này thường sử dụng đơn vị cd/m2 (cd viết tắt từ candela).
Nhưng tùy vào môi trường mà độ sáng màn hình không phải lúc nào cũng tốt. Ví dụ, trong môi trường nhiều ánh sáng, bạn có thể tận dụng được một màn hình có thông số cd/m2 cao. Nhưng cẩn thận cho sức khỏe của đôi mắt nếu bạn phải nhìn nó quá lâu.
Gần đây, yếu tố độ sáng màn hình không còn quan trọng mà nhường chỗ lại cho đặc tả HDR (high dynamic range, còn gọi là dải sáng động), cũng là tính năng mà các nhà sản xuất màn hình đang dựa vào đó làm lợi thế cạnh tranh.
Tỉ lệ tương phản. Có lẽ chỉ khi chơi game thể loại kinh dị thì bạn mới thấu hiểu được tầm quan trọng của tỉ lệ tương phản. Nói đơn giản, đây là tỉ lệ phản chiếu giữa một màu sáng nhất của màn hình là màu trắng, và màu tối nhất là màu đen. Tuy nhiên, thông số này thường rất sai lệch giữa các màn hình với nhau. Khi bạn thấy một nhà sản xuất công bố tỉ lệ tương phản là 10.000.000:1, đó có thể là thông số tương phản tối đa. Trong ngữ cảnh này, nhà sản xuất muốn cho biết tỉ lệ tương phản động của màn hình, nghĩa là đo độ sáng nhất của màu trắng và độ sẫm nhất của màu đen trong một khoảng thời gian, không phải tính trong một khoảnh khắc.
Hầu hết màn hình hiện nay đều có tỉ lệ tương phản cố định là 1.000:1, nên hãy bắt đầu chọn mua màn hình với thông số tỉ lệ tương phản tối thiểu như trên.
Thời gian đáp ứng. Đó khoảng thời gian đo được tính theo mili giây về điểm ảnh cần chuyển đổi sang trạng thái khác. Về lý thuyết, thời gian đáp ứng của một màn hình liên quan đến lỗi chuyển động bị mờ. Nếu một màn hình có thời gian đáp ứng quá cao thì các điểm ảnh của màn hình đó không thể bắt kịp với hình ảnh thay đổi trên màn hình, kết quả là hình ảnh bị mờ.
Nhiều năm trước, thời gian đáp ứng kém khiến LCD hiển thị hình ảnh bị mờ, nhưng đến nay, vấn đề này hoàn toàn được khắc phục. Mặc dù bất kỳ nhà sản xuất nào cũng quảng cáo rằng hình ảnh sẽ trông mềm mại hơn với thời gian đáp ứng xám-xám GTG (gray-to-gray, là một điểm ảnh thay đổi từ một bóng xám sang một bóng xám khác và ngược lại, trái với điểm ảnh chuyển từ trắng sang đen và ngược lại), nhưng thực tế là thời gian đáp ứng của các màn hình cao cấp hiện nay đủ tốt để giúp hình ảnh chuyển động không bị nhòe hình. Hầu như không ai có thể nhận ra sự khác biệt giữa một màn hình GTG 1ms với GTG 2ms. Còn giới game thủ chuyên nghiệp lại thích panel màn hình có thông số TN (twisted nematic) hơn để xử lý độ trễ, hoặc panel có tính năng IPS (in-plane switching) vì thời gian đáp ứng nhanh không phải lý tưởng cho game hành động.
Đừng để bị lừa
Hiện tại, có ba loại panel màn hình. Bên trên, chúng ta đã đề cập đến TN và IPS; panel thứ ba là VA (virtical alignment). Hiểu được sự khác nhau giữa cả ba có thể giúp bạn đưa ra quyết định mua màn hình tốt hơn. Chúng ta chỉ đề cập sơ lược từng loại công nghệ panel mà thôi, vì khuôn khổ bài viết không thể cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin về cả ba được.
TN (twisted nematic) chính là lý do để màn hình LCD vẫn còn phổ biến hiện nay. Nguyên tắc cơ bản nhất của công nghệ panel này là mỗi điểm ảnh chứa các tinh thể lỏng, xếp chồng giữa các lớp nền (substrate) và lớp phân cực. Các tinh thể lỏng này được xoắn (twisted) vào nhau, sắp xếp theo hình dạng xoắn ốc, cho ánh sách từ đèn nền của màn hình đi qua. Khi cấp điện thế thông qua electrode thì các tinh thể này duỗi ra (untwisted), chắn ánh sáng.
Còn các panel IPS sắp xếp và vận hành các tinh thể lỏng khác với panel TN. Trong một panel IPS, các tinh thể luôn luôn được sắp song song nhau, hoặc trong cùng một hàng với chất nền và lớp phân cực. Khi điện thế đi qua, các tinh thể xoay 90 độ theo chiều dọc, nên chất nền và lớp phân cực vẫn nằm lại theo hàng ngang, trên cùng một hàng.
Cuối cùng, tấm panel VA ở một mức độ nào đó, lai giữa panel TN và IPS. Trong một panel VA, tinh thể lỏng được sắp xếp theo chiều dọc, vuông góc với chất nền và hàng phân cực. Dòng điện đi qua sẽ xoay các tinh thể này theo chiều ngang.
Thực tế, các panel dựa trên ba công nghệ trên đều có những mặt mạnh, yếu riêng. Panel TN cho thời gian đáp ứng tốt nhất, nên những màn hình LCD sử dụng panel TN thường quảng cáo có thời gian đáp ứng GTG chỉ khoảng 1ms hoặc 2ms, là tiêu chí mà game thủ rất ưa chọn mua. Vì là công nghệ lâu đời nhất và đã phát triển hoàn toàn trong cả ba nên các màn hình TN thường có giá cạnh tranh nhất. Điểm yếu của panel TN là khả năng tái hiện màu sắc còn kém, nhất là khi nhìn ở góc không chính diện. Nên panel TN không thích hợp cho các công việc đồ họa hay thiên về chất lượng hình ảnh.
Việc tái hiện màu sắc tốt và chất lượng màu chính xác đã giúp cho màn hình IPS nổi bật hơn nhiều, nhất là dành cho người dùng thường chỉnh sửa hình ảnh, in ấn, thiết kế đồ họa... Dĩ nhiên game thủ cũng sẽ thưởng thức được hình ảnh đẹp hơn, màu sắc sống động hơn với màn hình IPS. Có thể thời gian đáp ứng của IPS kém hơn TN nhưng các màn hình IPS hiện nay cũng đã cải thiện thời gian đáp ứng rất nhiều. Bạn có thể dễ dàng tìm được những màn hình IPS có thời gian đáp ứng GTG chỉ 4ms mà hầu như không thể nhận diện được sự khác biệt so với màn hình TN khác.
Và cuối cùng là màn hình VA. Màu sắc tốt hơn TN và hiển thị sắc màu đen tốt nhất trong cả ba. Nhưng màn hình VA lại gặp phải thời gian đáp ứng kém, nên hầu hết game thủ đều ưa dùng màn hình TN và IPS hơn.
Đường cong có quyến rũ?
Cứ độ vài năm, các nhà sản xuất TV và màn hình đều hào hứng đưa ra một công nghệ màn hình "đột phá" nào đó để kích cầu thị trường. Đôi khi, điều này hợp lý, nhưng nhiều lúc lại không.
Một trong những công nghệ như vậy xuất hiện gần đây là màn hình cong. Khi màn hình CRT có mặt trước hơi lồi, chúng ta thấy màn hình phẳng rất lôi cuốn. Và nay khi màn hình phẳng phổ biến, chúng ta lại có tiếp màn hình lõm, cong vào. Khi công nghệ này trưởng thành hơn, có lẽ màn hình cong sẽ đại trà với giá phải chăng. Bạn sẽ có thể tìm gặp màn hình cong ở mọi kích thước, mọi tầm giá.
Nhưng điểm cốt yếu mà các nhà sản xuất muốn nhắm đến để quảng bá màn hình cong là yếu tố góc nhìn, nhìn ở đâu cũng đẹp. Thực sự, tính năng này không mấy thuyết phục. Màn hình cong hiển thị tốt nhất khi bạn xem trực diện hoặc xem chính giữa, cũng là cách chúng ta thường sử dụng với mọi loại màn hình trước nay.
Màn hình cong cũng có vài lý do hấp dẫn khác. Dựa trên cấu tạo mắt người, một màn hình cong sẽ giúp mắt tiếp cận hình ảnh nhất quán hơn, từ khoảng cách đến góc nhìn, so với màn hình phẳng cùng kích thước. Theo các nhà sản xuất, màn hình cong cũng giúp trải nghiệm người dùng tốt hơn, tạo cảm giác hình ảnh vây lấy xung quanh người xem. Nhưng câu hỏi thực sự là liệu những ích lợi ấy có thực sự rõ ràng đối với người xem hay không.
Câu trả lời là "tùy". Rõ ràng chúng ta không có định nghĩa nào về cách định lượng cho một trải nghiệm, và bởi vì cảm giác mang tính chủ quan, nên ai đó ngồi trước màn hình cong có thể không cảm thấy tuyệt vời hơn một màn hình phẳng. Hơn nữa, cộng đồng công nghệ cho rằng hiệu ứng hình ảnh của một màn hình cong dễ thu hút hơn nếu kích thước màn hình cong ấy thực sự lớn mà thôi. Sự khác biệt giữa một màn hình cong LCD và màn hình phẳng LCD 24-inch khó nhận diện được. Nên lời khuyên là bạn nên dựa vào cảm nhận của chính mình khi quyết định nâng cấp màn hình.
Tỉ lệ làm tươi
Tính năng cần quan tâm tiếp theo là tỉ lệ làm tươi màn hình. Bạn đừng lẫn lộn tỉ lệ làm tươi với tần số đáp ứng, vì tỉ lệ làm tươi có đơn vị là Hz, là cách một màn hình có thể làm tươi hình ảnh. Nhiều năm qua, tỉ lệ làm tươi màn hình tối đa chỉ đạt mức 60Hz. Để tận dụng được tỉ lệ làm tươi ở mức tối đa của một màn hình, bạn cần có card đồ họa đủ khả năng để đạt mức dựng hình 60fps (khung hình/giây).
Đối với card đồ họa cao cấp, đạt đến tỉ lệ khung hình 60fps không khó. Ví dụ, khi một card đồ họa dựng hình 3D trong game cao hơn tỉ lệ làm tươi của màn hình thì sẽ xảy ra hiện tượng như bị xé. Bởi vì màn hình không thể "giữ đúng nhịp" với card đồ họa nên màn hình vẽ lại hình ảnh không hoàn chỉnh, khiến hình ảnh bị xé. Không ai bỏ ra hàng trăm đô la cho màn hình cũng như card đồ họa cao cấp để nhận được hình ảnh bị xé như vậy.
Trước đây, để đồng bộ được tỉ lệ làm tươi giữa màn hình và card đồ họa, chúng ta có công nghệ Vsync. Về bản chất, Vsync hoạt động bằng cách giới hạn tỉ lệ khung hình cao nhất ở đầu xuất của card đồ họa sao cho khớp với tỉ lệ làm tươi của màn hình. Những khung hình dư sẽ được chuyển sang bộ đệm cho khung hình lần sau. Tuy nhiên, chính Vsync lại có thể gây vấn đề như giật hình khi tỉ lệ khung hình thấp dưới 60fps.
Về đồ họa cho máy tính, hai ông lớn trong ngành là AMD và NVIDIA đều đưa ra cách sửa vấn đề trên. Cả hai phát triển những công nghệ riêng mà có thể gọi nôm na là adaptive sync. Tuy cách giải quyết khác nhau nhưng họ có cùng ý tưởng, đó là khi card đồ họa tương thích với màn hình thì tính năng adaptive sync sẽ làm khớp tỉ lệ làm tươi màn hình với tỉ lệ khung hình/giây. Nên điểm mấu chốt ở đây là tỉ lệ làm tươi màn hình có thể nhanh hơn 60Hz, thậm chí lên đến 144Hz (tiềm năng có thể cao hơn nữa). Về lý thuyết, adaptive sync cho phép card đồ họa cao cấp có thể vượt qua mốc 60fps vì biết được màn hình có thể đáp ứng cao hơn cột mốc ấy, giúp hình ảnh của game mượt mà hơn nữa. Phiên bản adaptive sync của AMD tên là FreeSync, còn của NVIDIA là G-SYNC. Cả hai đều hiện đang ở thế hệ thứ hai.
Ngoài việc có thể đạt mức tỉ lệ làm tươi cao hơn 60Hz nhưng bù lại để có được adaptive sync, bạn cần phải sử dụng phần cứng của một trong hai hãng trên. Điều này nghĩa là nếu bạn có card đồ họa GeForce có hỗ trợ G-SYNC thì bạn không thể kết nối với màn hình hỗ trợ FreeSync được và ngược lại. Vì vậy, khi có ý định nâng cấp card đồ họa hay màn hình thì bạn nên cân nhắc điều này để có được tính năng adaptive sync giữa card đồ họa và màn hình.
Hiện trên thị trường có nhiều màn hình tương thích với công nghệ adaptive sync của cả AMD lẫn NVIDIA, nhưng hai phiên bản adaptive sync mới nhất của cả hai hãng hiện nay là G-SYNC HDR và FreeSync 2 vẫn còn ít màn hình hỗ trợ. FreeSync 2 chủ yếu xử lý những vấn đề về độ chói mà FreeSync gặp phải, nhất là khi gặp tình huống tỉ lệ khung hình của card đồ họa rớt thấp hơn ngưỡng sàn của tầm tỉ lệ làm tươi mà FreeSync quy định. Nếu màn hình FreeSync 2 bắt kịp khoảng cách về khả năng xử lý với G-SYNC thì mức giá của màn hình FreeSync 2 thường rẻ hơn (vì màn hình FreeSync 2 không cần mạch tích hợp riêng như màn hình G-SYNC, nên giảm được giá thành), nên điều này sẽ giúp giải pháp adaptive sync của AMD có ưu thế trên thị trường hơn. Có thể cuối năm nay, màn hình tương thích với FreeSync 2 và G-SYNC HDR sẽ phổ biến.
HDR không chỉ cho nhiếp ảnh gia
Nếu bạn chưa biết tính năng HDR có thực sự đáng giá hay không, thì bạn cần tự mình trả lời câu hỏi: chất lượng hình ảnh có phải là ưu tiên số một hay không. Bỏ chiếc kính 3D sang một bên, bạn hãy tập trung vào những cải tiến và sáng tạo về mặt hình ảnh. Đầu tiên là chất lượng 1080p, rồi đến 4K, và nay là HDR.
HDR không phải là tính năng mới, nhưng đây lại là tính năng mà các màn hình PC đang hướng đến. Đầu tiên, video HDR yêu cầu độ sáng nhiều hơn, sắc độ đen nhiều hơn và sắc độ trắng sống động hơn, đồng thời phổ màu sử dụng cũng lớn hơn, mà hầu hết màn hình PC hiện nay đều chưa hiển thị được.
Mặc dù HDR cho bạn chất lượng hình ảnh tuyệt hảo nhưng hiện chưa thích hợp với game thủ, vì dữ liệu của HDR sẽ khiến màn hình "khổ sở" trong việc xử lý dữ liệu. Một chiếc TV HDR hiện thời có thời gian đáp ứng trung bình khoảng 100ms, không thể chơi game hành động được.
Nhưng nhờ có FreeSync 2 và G-SYNC HDR nên có thể sớm muộn gì game thủ sẽ tận hưởng được tính năng HDR trong game. Ví dụ, FreeSync 2 sẽ tải bớt công việc cho màn hình HDR trong tiến trình xử lý màu sắc, chuyển tiến trình này cho GPU. Còn NVIDIA vẫn kín tiếng về cách mà G-SYNC HDR xử lý độ trễ màn hình, nhưng họ cho biết độ trễ sẽ "gần bằng zero" nếu sử dụng màn hình tương thích.
HDCP và người dùng
Chất lượng hình ảnh tốt hơn, card đồ họa mạnh hơn, khung hình lớn hơn, nhưng còn một điều nữa mà có thể người dùng không mấy ưa thích, đó là các nhà sản xuất nội dung mạnh tay bảo vệ sở hữu trí tuệ của mình nên một trong những công cụ giúp họ làm điều đó là HDCP (high-bandwidth digital protection). HDCP có một kết nối bảo mật giữa một đầu đọc Blu-ray UHD 4K (mã hoá tín hiệu) với màn hình tương thích (giải mã tín hiệu).
Phiên bản HDCP mới nhất là 2.2, là phiên bản cập nhật để hỗ trợ cho chuẩn hình ảnh UHD 4K. Với người dùng máy tính, có thể trình chiếu nội dung 4K qua máy tính là điều dễ dàng nhưng với người dùng thông thường, sử dụng đầu đọc Blu-ray và màn hình trong phòng khách, đây có thể sẽ là trở ngại mới nếu gặp phải nội dung có HDCP.
Có vài tình huống truyền nội dung 4K trên PC sẽ gặp trở ngại. Gần đây, cách duy nhất để xem được Netflix 4K trên PC là kết hợp với trình duyệt Edge của Microsoft và bộ xử lý Intel Kaby Lake. NVIDIA mới đây cũng cập nhật trình điều khiển để hỗ trợ Netflix 4K với GPU Pascal.
Tất cả đều phục vụ cho đôi mắt
Khi bạn nhìn ra thị trường màn hình, có rất nhiều chuẩn, thông số kỹ thuật và công nghệ liên quan. Bạn cần biết mình cần gì, dựa vào chính đôi mắt của bạn bởi vì cặp mắt là nơi đánh giá tốt nhất.
Màn hình PC thay da đổi thịt