Những tính năng này có thể tìm thấy trong trang web cấu hình của router. Tuy nhiên, chúng có thể có tên khác nhau cũng như vị trí khác nhau tùy từng model sản phẩm.
1. Xem thiết bị đang kết nối
Hầu hết router hiện nay đều cho phép xem danh sách thiết bị đang kết nối vào mạng Wi-Fi thông qua giao diện web. Việc bạn cần làm trước tiên là truy cập vào trang web này bằng cách nhập địa chỉ IP của router vào thanh địa chỉ của trình duyệt. Tiếp theo, bạn sẽ được nhắc đăng nhập vào tài khoản router.
Sau đó, bạn có thể dễ dàng tìm thấy tùy chọn xem danh sách các thiết bị đang kết nối trên trang chủ cấu hình của router, thường nằm trong mục Wireless, được đặt tên là “Client list”, “Connected devices”,… Nếu các thiết bị di động và máy tính được đặt tên rõ ràng thì khi nhìn vào danh sách bạn sẽ biết ngay những ai đang kết nối vào mạng.
2. Thiết lập kênh kết nối
Trang chủ cấu hình của router cũng thường cung cấp các thông tin về kết nối Internet, chẳng hạn như địa chỉ IP bên ngoài, các tùy chọn bảo mật không dây và nhiều thứ khác. Ngoài ra, bạn cũng có thể thay đổi kênh kết nối không dây (wireless channel) qua giao diện web của router. Hầu hết router ngày nay đều có tính năng tự động chọn kênh giúp thiết lập kênh tốt nhất khi thiết bị khởi động.
Về mặt kỹ thuật, hiệu năng của một hệ thống mạng Wi-Fi liên quan nhiều đến các kênh mà thiết bị không dây đang sử dụng. Việc đổi kênh có thể tăng tốc độ truy cập cho mạng Wi-Fi. Đồng thời, cũng cần phải thiết lập để tránh bị nhiễu kênh do có cùng băng tần.
Thông thường, mạng Wi-Fi có thể sẽ bị nhiễu từ các mạng khác gần đó, nhiễu đồng kênh ngay trong chính mạng đó hoặc nhiễu với các tín hiệu không phải sóng Wi-Fi ở cùng phổ vô tuyến. Trước khi đổi kênh, bạn có thể sử dụng ứng dụng Wi-Fi Analyzer trên thiết bị Android hay tiện ích inSSIDer cho máy tính Windows để quét trạng thái mạng và tìm ra kênh tốt nhất, ít bị nhiễu nhất.
3. Mở rộng mạng hiện hữu
Nếu bạn cần phủ sóng Wi-Fi một khu vực rộng lớn, một router có thể không đủ sức để làm việc đó. Thực tế, bạn có thể sử dụng nhiều router cùng với các công cụ được thiết kế để mở rộng phạm vi phủ sóng, đó là tính năng repeater vốn được tìm thấy trên nhiều router hiện nay.
Trong trường hợp này, bạn không nhất thiết phải tạo các mạng không dây riêng biệt cho từng router riêng lẻ. Với tính năng repeater, bạn có thể cấu hình để router tham gia vào mạng chính đang có, hoạt động như một bộ lặp cho mạng đó. Điều này cho phép bạn tạo một mạng Wi-Fi lớn từ nhiều router khác nhau.
4. Tính năng QoS
Trong quá trình truy cập Internet, router phải đảm đương nhiệm vụ tải hàng trăm loại dữ liệu khác nhau. Nếu muốn ưu tiên băng thông cho một dịch vụ nào đó hoặc cho một máy tính nào đó trong mạng, bạn có thể sử dụng tính năng Quality of Service (QoS). Đây cũng là một trong những cách để tối ưu hóa hiệu suất hệ thống mạng.
Với QoS, bạn có thể hướng dẫn router ưu tiên băng thông cho các ứng dụng cụ thể, lấy bớt tài nguyên từ các ứng dụng khác cần ít băng thông hoặc ít quan trọng hơn, chẳng hạn như thiết lập để các ứng dụng sao lưu đám mây chỉ chạy nền.
Khi vào trang web cấu hình của router, bạn có thể chọn mục QoS và cấu hình để ưu tiên băng thông mạng cho các dịch vụ cần thiết. Chẳng hạn, điều này đặc biệt hữu ích nếu bạn có một mạng nhiều người dùng và muốn chặn không cho sử dụng dịch vụ BitTorrent làm chậm thao tác duyệt web.
5. DNS động
Nếu muốn chạy dịch vụ web hosting trên máy tính của mình, chắc chắn bạn cần phải kết nối với máy tính đó thông qua mạng Internet. Tuy nhiên, các nhà cung cấp dịch vụ mạng ISP (Internet Service Provider) thường chỉ định địa chỉ IP động thay đổi thường xuyên cho một thuê bao đường truyền. Để khắc phục, bạn có thể sử dụng dịch vụ DNS động nhằm cho phép truy cập từ bên ngoài.
Giao diện web của router thường có trang Dynamic DNS hoặc DDNS. Trước tiên, bạn cần phải tạo một tài khoản với dịch vụ được hỗ trợ (hãy kiểm tra trang DDNS của router để biết danh sách các dịch vụ được hỗ trợ) và chọn tên máy chủ, rồi sau đó thực hiện theo hướng dẫn để cài đặt. Mỗi khi địa chỉ IP do ISP cung cấp thay đổi, router sẽ kiểm tra với dịch vụ DNS động và cập nhật địa chỉ IP liên kết.
6. Chuyển tiếp cổng Port Forwarding
Mặc định, router sẽ chặn mọi truy cập từ bên ngoài vào mạng nội bộ nhằm đảm bảo an toàn. Nếu bạn muốn thiết lập một máy tính trong mạng hoạt động như một máy chủ hoặc sử dụng các dịch vụ khác đòi hỏi kết nối từ bên ngoài, chẳng hạn như truyền tập tin ngang hàng peer-to-peer hoặc một số dạng VoIP, bạn có thể cần phải thiết lập tính năng Port Forwarding. Tính năng này sẽ thông báo một cách rõ ràng cho router biết để trực tiếp mở một loạt cổng cho các thiết bị cụ thể kết nối vào mạng.
Router sử dụng các cổng để lọc thông tin thành nhiều loại khác nhau, ví dụ trang web giao thức HTTP thường sử dụng cổng 80, email gửi đi trên giao thức SMTP sử dụng cổng 25,… Nhưng dù sử dụng cổng nào đi nữa thì phương thức truyền này sẽ đảm bảo rằng thông tin được gửi đến đúng thiết bị. Có tổng cộng 65.536 cổng và nếu phần mềm hoặc dịch vụ sử dụng dải cổng phi tiêu chuẩn, router có thể không biết được thiết bị nào mà dữ liệu cần truyền đến.
7. Thiết lập DNS Server
DNS Server là thành phần quan trọng để trải nghiệm web được tốt hơn. Bất kỳ trang web nào cũng đều yêu cầu địa chỉ IP trước khi nó có thể tải. Thay đổi tên DNS sẽ giúp cải thiện tải trang web nhanh hơn. DNS Server càng nhanh, các trang web cũng được hưởng lợi và có tốc độ tải nhanh hơn.
DNS Server tồn tại trên từng máy tính có sử dụng trên Internet cho dù chúng được cấu hình tự động hay thủ công. Tuy nhiên, trong hệ thống mạng LAN thì router có lẽ là nơi tốt nhất để xác định DNS Server. Bất kỳ thiết bị nào kết nối tới router có thể tự động cập nhật bằng cách sử dụng Dynamic Host Configuration Protocol (DHCP). Điều này có nghĩa là đổi DNS Server ở router sẽ ảnh hưởng tới tất cả các thiết bị kết nối.
8. Quản lý trẻ em
Router thường có tính năng kiểm soát trẻ em dành cho phụ huynh Parental Controls, cho phép ngăn chặn một số loại lưu lượng truy cập nhất định hoặc các trang web cụ thể. Chẳng hạn, bạn có thể vô hiệu hóa việc truy cập Internet, không cho trẻ sử dụng lên mạng trong khoảng thời gian từ 10 giờ đêm đến 6 giờ sáng.
Trên một số router, thậm chí bạn có thể cấu hình việc quản lý truy cập trên cơ sở mỗi máy tính, chỉ giới hạn các máy tính cụ thể dành riêng cho trẻ. Ngay cả khi router không có tính năng này, bạn vẫn có thể thiết lập kiểm soát việc truy cập của trẻ bằng cách thay đổi máy chủ DNS của router thành OpenDNS như đã đề cập ở trên.
9. Khởi động lại Router
Đôi khi, việc khởi động lại router có thể giúp khắc phục những sự cố về mạng. Thông thường, bạn có thể thực hiện việc này bằng cách nhấn nút tắt nguồn trên thiết bị và chờ vài phút rồi bật trở lại. Thậm chí, một số router không trang bị nút nguồn thì bạn phải rút adapter để ngắt nguồn điện và sau đó cắm lại.
Tuy nhiên, hầu hết router trong gia đình hay văn phòng đều có thể được bố trí ở những vị trí trên cao, khó tiếp cận nên thao tác nói trên không phù hợp. Thay vì vậy, bạn có thể truy cập vào trang web cấu hình của router từ máy tính và tìm đến mục Reboot để khởi động lại router một cách thuận tiện. Thực tế là có một số router thỉnh thoảng cần phải được khởi động lại để có thể hoạt động tốt.
10. Cập nhật firmware
Nếu muốn tận dụng nhiều tính năng hơn của router, bạn có thể cần phải cập nhật firmware mới nhất. Lời khuyên cho hầu hết mọi người là hãy nâng cấp lên phiên bản firmware mới nhất từ nhà sản xuất. Trước hết, hãy truy cập vào trang cấu hình của router và tìm đến mục Update Firmware. Tại đây, bạn có thể kiểm tra phiên bản firmware hiện tại. Sau đó, truy cập vào website của nhà sản xuất router, tìm và tải firmware tương ứng với model router mình đang sử dụng.
Lưu ý rằng quá trình cập nhật firmware cần phải được chạy liền mạch. Nếu tắt router trong quá trình này, thiết bị có thể gặp lỗi và không còn tiếp tục hoạt động được nữa. Các nhà sản xuất router thường có hướng dẫn cụ thể cách thực hiện cho từng model, bởi vậy lời khuyên dành cho bạn là hãy làm chính xác theo các chỉ dẫn đó.
bảo mật router, cấu hình router, Huy Thắng