Với người dùng máy tính lâu năm, khái niệm độ phân giải (thường được đo bằng chỉ số DPI – dot per inch) và tần suất gửi tín hiệu của chuột tới máy tính (Polling Rate) là điều không xa lạ.
Đây cũng là hai giá trị thường xuyên được các nhà sản xuất phụ kiện máy tính quảng bá mạnh mẽ, nhất là trên các dòng sản phẩm cao cấp. Tuy nhiên, chúng là gì, và hiệu quả thực tế đối với quá trình sử dụng tới đâu vẫn là điều chưa nhiều người hình dung ra.
Thực tế, DPI và Polling Rate là hai chỉ số chủ yếu có tác động tới những tác vụ thực sự cầu kỳ từ phía người dùng, ví dụ như chơi game hành động. Đây cũng là lý do tại sao bạn sẽ thường thấy hai chỉ số này được thể hiện rất rõ nét trên bao bì các loại chuột chơi game chuyên dụng. Dĩ nhiên, bạn không cần độ chính xác siêu cao cũng như thời gian phản ứng cực nhanh của chuột để duyệt web hay làm việc với văn bản. Thậm chí, ngay cả với những trò chơi không mang tính tranh đấu, những chỉ số này cũng không mấy ý nghĩa. Tuy nhiên, với những nhà thiết kế, chuyên gia đồ họa, chúng cũng sẽ đem tới những ích lợi nhất định.
Sơ lược về cơ chế vận hành của chuột
Trước kia, chuột máy tính bao gồm một viên bi cao su xoay trên mặt phẳng khi người dùng di chuyển tay – cho phép máy tính ghi nhận tín hiệu thuần cơ học. Giờ đây, hầu hết các loại chuột đời mới đều đã sử dụng cơ chế thu tín hiệu quang học hoặc thậm chí là laser. Tuy nhiên, phương thức ghi nhận thông tin lại không hề thay đổi.
Với cùng một loại chuột và hệ thống máy tính, DPI quá cao sẽ khiến việc điều khiển chính xác con trỏ ở khoảng nhỏ trở nên khó khăn.
Về phần mình, chuột quang sở hữu một nguồn sáng nhỏ (thường là màu đỏ), và một máy quay tốc độ cao. Khi di chuyển, ánh sáng chiếu lên bề mặt bên dưới sẽ được máy quay ghi nhận lại với tần số có thể lên tới hàng trăm hình ảnh/giây (tùy vào từng loại chuột). Hệ thống xử lý của chuột sau đó sẽ so sánh các hình ảnh này và xác định hướng di chuyển chuột. Tiếp đó, dữ liệu sau xử lý sẽ được gửi tới máy tính dưới dạng tín hiệu chuột truyền thống, cho phép máy tính hiểu và “dịch” thành di chuyển của con trỏ trên màn hình. Với chuột laser, cơ chế vận hành cũng tương tự ngoại trừ việc ánh sáng được sử dụng là hồng ngoại thay vì đèn thông thường như ở chuột quang.
Vậy DPI là gì?
Chỉ số DPI (số điểm ảnh/inch) được sử dụng để đánh giá độ nhạy của chuột đối với chuyển động. Mức càng cao cho thấy con trỏ sẽ di chuyển càng xa, tỉ lệ thuận với khoảng cách mà người dùng di chuyển chuột trên mặt bàn. Chuột với DPI càng lớn sẽ có thể nhận biết và phản ứng tốt hơn với những di chuyển nhỏ, nhưng không đồng nghĩa với việc mức này càng cao sẽ càng tốt. Bởi lẽ, trong nhiều tình huống sử dụng, không phải ai cũng cần con trỏ bay cực nhanh trên màn hình, dù chỉ di chuyển chuột chút ít. Với những người dùng có yêu cầu cao về độ chính xác, chẳng hạn một nhà thiết kế đang cố tinh chỉnh từng tiểu tiết trong bản vẽ, đây là điều tối kị.
Cách đây vài năm, mức DPI khoảng 800-1.600 đã được coi là cao, thì giờ đây những thế hệ chuột mới nhất có thể đạt tới 16.000, mà Razer DeathAdder Elite là một điển hình. Những sản phẩm này chủ yếu sẽ thích hợp cho các game thủ, những người thường sử dụng chuột thiên về cảm giác – hay nói cách khác là di chuột để phán đoán đúng điểm rơi của con trỏ (thường phù hợp với các trò chiến đấu góc nhìn người thứ nhất). Một ví dụ cụ thể là khi bạn ngắm qua ống ngắm của súng trường trong trò chơi, để cố gắng bắn trúng mục tiêu nhỏ, DPI cao sẽ cho phép việc di chuyển ống ngắm được thoải mái hơn, dù chỉ với bước di chuyển chuột nhỏ.
Tuy nhiên, với tình huống di chuyển thông thường hoặc ngắm bên ngoài ống ngắm, DPI cao có thể khiến người chơi gặp khó trong khi xoay xở, thậm chí dẫn tới hiện tượng chóng mặt. Dĩ nhiên, những điều này có khác biệt phụ thuộc vào thói quen chơi của mỗi game thủ, nhưng về cơ bản nguyên tắc chung là giống nhau. Chính vì vậy, trên nhiều dòng chuột dành cho game thủ chuyên nghiệp, nhà sản xuất thường tích hợp nút chuyển nhanh DPI (thậm chí có thể lập trình được) để đáp ứng nhu cầu sử dụng.
Đèn báo mức thiết lập DPI trên chuột Corsair Glaive. |
Ngoài ứng dụng trong môi trường game, chuột với DPI cao cũng hữu ích nếu bạn sử dụng các màn hình có độ phân giải lớn. Với màn hình laptop 1.366x786, chuột DPI cao là không cần thiết. Tuy nhiên với màn hình 4K 3.840x2.160, mức DPI tối thiểu 1.600 sẽ đảm bảo con trỏ có thể được di chuyển khắp các vị trí trên màn hình một cách trơn tru và tự nhiên nhất, thay vì hiện tượng nhảy nhót hoặc người dùng sẽ phải di chuột khắp mặt bàn để tới được điểm đích mong muốn.
Tìm hiểu khái niệm tần suất gửi tín hiệu
Một khác biệt thú vị là trong khi những người dùng thông thường chủ yếu để ý tới chỉ số DPI, những tay chơi thực thụ lại quan tâm cả đến tần suất gửi tín hiệu của chuột tới máy tính (Polling Rate hay USB Report Rate). Chỉ số này thường được đo bằng đơn vị Hz, và cho phép người dùng tùy chỉnh trên các dòng chuột đời mới. Với mức 125Hz, chuột của bạn sẽ gửi 125 tín hiệu tới máy tính mỗi giây, hoặc một tín hiệu cách nhau 8 milli-giây. Tương tự như vậy, mức 500Hz đồng nghĩa với việc chuột sẽ “báo cáo” vị trí tới máy tính theo tần số cao hơn nhiều, khoảng một lần/2 milli-giây.
Trên máy tính với cấu hình thấp, việc để Polling Rate cao sẽ tác động tiêu cực tới khả năng xử lý. |
DPI và Polling Rate càng cao là càng tốt?
Câu hỏi “Mức DPI và Polling Rate cao tới đâu là đủ dùng?” vẫn là câu hỏi được nhiều người dùng máy tính đặt ra. Thực tế, với mỗi cá nhân, mức phù hợp có thể sẽ khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng thực tế. Thậm chí, một số nhà sản xuất chuột chơi game chuyên dụng cũng khẳng định rằng việc tranh đua DPI vào lúc này là khá vô nghĩa. Lý do mà họ đưa ra là DPI quá cao sẽ khiến con trỏ chuột di chuyển cực nhanh, thậm chí bay hết chiều ngang màn hình chỉ với một cú nhích chuột nhẹ, kể cả trên các màn hình với độ phân giải 4K mới nhất. Vì thế, thay vì cố gắng đẩy DPI lên cao, người dùng cần chủ động xác định mức DPI mong muốn tùy thuộc vào trò chơi họ chơi, ứng dụng họ sử dụng, độ phân giải màn hình, cũng như thói quen di chuột của riêng mình.
Hầu hết các nhà sản xuất có uy tín đều mô tả chính xác thông số DPI và Polling Rate (USB Report Rate) của sản phẩm. |
Ngoài ra, người dùng cũng cần lưu ý rằng tìm một chú chuột tốt không phải chỉ căn cứ vào DPI hay Polling Rate. Không hiếm trường hợp những dòng sản phẩm cao cấp đầu bảng lại có mức DPI hay Polling Rate thấp hơn so với các phiên bản “chiếu dưới”. Bởi lẽ, chính các nhà sản xuất cũng hiểu rằng sự cân đối hài hòa giữa các yếu tố mới là thứ thuyết phục người dùng đến với sản phẩm chuột của họ. Ngoài hai chỉ số ấy, bất cứ ai am hiểu máy tính đều biết rằng, kích thước, trọng lượng, cách cầm chuột, vị trí nút bấm, độ bền của bề mặt và dây nối… là những yếu tố không kém phần quan trọng.
PC WORLD VN, T10/2017
chuột máy tính, game thủ, Nguyễn Thúc Hoàng Linh