Sức khỏe

Tống xuất đàm cho trẻ bằng vật lý trị liệu

PN - Rất nhiều trẻ bị viêm nhiễm đường hô hấp lâu ngày đến mức bị tắc - xẹp thùy phổi, thậm chí là xẹp phổi. Nguyên nhân do đàm nhớt xuất tiết trong quá trình viêm nhiễm không được tống xuất ra ngoài,

Xẹp thùy phổi, lá phổi do đàm nhớt

Viêm nhiễm đường hô hấp tuy là bệnh thường gặp nhưng nếu không xử lý sớm sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Khi bị viêm hô hấp, mũi, hầu, họng của trẻ sẽ phù nề và xuất tiết đàm nhớt. Nếu không được hỗ trợ để tống xuất ra, đàm nhớt sẽ ứ đọng gây khó chịu, khiến trẻ bỏ bú, bỏ ăn, nôn ói, khó thở, ho, sốt.

Đàm nhớt chính là “món ngon” cho các loại vi trùng, vi khuẩn. Vì vậy, nếu cứ giữ chúng trong người, bệnh của bé mỗi lúc lại nặng thêm do bội nhiễm. BS Đặng Thị Kim Huyên, Trưởng khoa khám bệnh, BV Nhi Đồng 2 TP.HCM cảnh báo: Đàm nhớt đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh, bởi đường thở của trẻ nhỏ hẹp, mũi nhỏ, lại không biết cách thở bằng miệng. Nếu bị nghẹt do đàm nhớt, trẻ không thể thở, khi đó nguy cơ tử vong rất cao.

Trẻ lớn hơn đã biết cách thở bằng miệng, nhưng lại phải đối mặt với nhiều nguy cơ khác. Miệng không phải là cơ quan để thở, niêm mạc miệng không có chức năng làm ấm, làm sạch như niêm mạc mũi. Vì vậy, khi thở bằng miệng đồng nghĩa với việc sẽ hít toàn bộ vi khuẩn, bụi bẩn qua vùng họng, gây bệnh cho vùng này và lan vào cả phế quản.

Khoa Hô hấp 1, BV Nhi Đồng 2 thường tiếp nhận những bệnh nhi dưới hai tuổi bị suy hô hấp nặng do xẹp một thùy phổi, thậm chí cả một bên lá phổi. BS Trần Thị Thu Loan, Trưởng khoa Hô hấp 1, cho biết, nguyên nhân bệnh thường do sai lầm của phụ huynh.

Cụ thể, cứ mỗi lần bé bị viêm nhiễm đường hô hấp, phụ huynh không đưa trẻ đi khám bác sĩ mà lại tự ý mua và cho bé uống các loại thuốc như ức chế ho, giảm sổ mũi. Những loại thuốc này có tính ngăn chặn triệu chứng, cho phụ huynh yên tâm về mặt cảm giác là trẻ đã hết bệnh. Thực chất, điều này lại vô cùng tai hại, bởi đàm nhớt ứ đọng lâu sẽ đặc lại, tạo thành các nút đàm, gây tắc đường thở, xẹp thùy phổi. Tình trạng này kéo dài khiến viêm nhiễm càng nặng, gây viêm phổi, áp xe phổi, phổi có mủ, tràn mủ màng phổi và thậm chí là xẹp cả một lá phổi hay xơ phổi.

Hồi sinh phổi nhờ tống xuất đàm nhớt

Trước đây, chưa áp dụng phương pháp VLTL hô hấp, việc hút đàm chỉ tống xuất được đàm nhớt ở vùng mũi, hoặc việc vỗ lưng khi bé ho chỉ giúp hỗ trợ xuất đàm ở vùng hầu họng. Đàm nhớt trong đường dẫn khí vẫn bị ứ đọng nên việc điều trị kéo dài và khó khăn hơn. Với sự hỗ trợ của VLTL hô hấp, làm thông thoáng đường thở, hô hấp tốt, nhiễm trùng mau khỏi, tiến trình điều trị các viêm nhiễm đường hô hấp, thậm chí là xẹp thùy phổi, xẹp phổi nhanh và hiệu quả hơn hẳn. Do có thể giải phóng những nút đàm nhớt ứ đọng trong khí quản và phế quản, thùy phổi, phổi nở và hồi phục trở lại.

Tuy nhiên, theo cử nhân VLTL Lê Thị Đào, BV Nhi Đồng 2, việc dùng biện pháp VLTL để tống xuất đàm cho trẻ chỉ được áp dụng dưới sự chỉ định của bác sĩ và do các kỹ thuật viên (KTV) được đào tạo chuyên môn thực hiện. VLTL hô hấp gồm có bốn bước. Bước đầu tiên là kỹ thuật thông rửa mũi bằng nước muối sinh lý giúp làm loãng đàm nhớt, để dễ dàng đưa đàm nhớt và đưa các chất tiết ra ngoài qua khoang mũi dưới. Bước thứ hai là kỹ thuật hỉ mũi nhằm đẩy đàm nhớt tại vùng mũi - trên hầu họng ra ngoài. Tiếp theo, kỹ thuật chặn gốc lưỡi sẽ thêm một bước đẩy đàm nhớt và các chất tiết từ hầu họng ra khỏi miệng. Cuối cùng, kỹ thuật tăng luồng khí thở ra được thực hiện để tống xuất cả những phần đàm nhớt còn lại ứ trong đường dẫn khí như khí quản và phế quản lớn.

Khi thực hiện phương pháp này, trẻ sẽ khóc nhiều vì cảm giác khó chịu ngay từ khi KTV bơm nước muối vào mũi chứ các thao tác của KTV hoàn toàn không làm trẻ đau. Chính phản xạ khóc của trẻ giúp việc tống xuất đàm dễ dàng hơn, trẻ càng khóc lớn, đàm nhớt càng được đẩy ra nhiều và nhanh.

Số lần VLTL hô hấp nhiều hay ít tùy thuộc vào tình trạng bệnh của bé. Thông thường, bác sĩ sẽ cho tái khám và có chỉ định cụ thể tùy từng trường hợp. Phụ huynh nên để trẻ nhịn đói trước khi thực hiện VLTL hai giờ đồng hồ. Nếu có điều kiện, nên phun khí dung cho trẻ trước khi đến vì sẽ khiến đàm loãng ra, dễ dàng tống xuất hơn. Sau khi thực hiện VLTL, nên ôm ấp, vỗ về bé, cho bé uống ít nước ấm; 10 phút sau mới cho bé bú sữa.

Chăm sóc trẻ bị viêm hô hấp đúng cách

Trường hợp bé vừa bị viêm nhiễm, hắt hơi, sổ mũi, nếu chăm sóc đúng cách, bệnh sẽ không trở nặng, thậm chí trẻ sẽ khỏi mà không cần uống thuốc hay khám bác sĩ.

BS Đặng Thị Kim Huyên hướng dẫn, điều rất đơn giản mà người mẹ nào cũng có thể làm được là nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý cho trẻ bốn-năm lần/ngày, đặc biệt trước khi cho trẻ ăn hoặc ngủ để trẻ ngủ ngon, ăn dễ hơn. Chỉ nên dùng khăn giấy sạch sử dụng một lần để hỉ, lau mũi cho trẻ; tránh dùng khăn sữa nhiều lần vì có nhiều nguy cơ lây nhiễm nặng hơn. Luôn nhớ rửa tay sạch sẽ trước khi nhỏ mũi. Cho trẻ uống nhiều nước để đàm loãng ra; chia nhỏ các bữa ăn. Khi ngủ, cho trẻ nằm nghiêng, kê gối cao hơn thông thường.

Lưu ý, việc mẹ dùng miệng hút mũi cho trẻ không nên lạm dụng vì trong khoang miệng của người lớn có nhiều vi khuẩn gây bệnh, chỉ nên dùng trong trường hợp cấp cứu.

Khi bị viêm hô hấp, trẻ thường ho hoặc ói, đây là phản xạ tự nhiên để tống xuất các chất lạ ra khỏi đường thở. Khi đó, phụ huynh nên hỗ trợ trẻ xuất đàm bằng cách bụm tay vỗ lưng trẻ. Tuyệt đối không cho trẻ uống các loại thuốc ức chế cơn ho, vì sẽ khiến đàm “quắn” lại.

Quan trọng hơn, phụ huynh nên chăm sóc đúng cách, hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người, không để trẻ bị hút thuốc lá thụ động hay tiếp xúc với việc ho, hắt hơi của người khác; không hôn vào miệng trẻ; trước khi ôm ấp, chăm sóc bé nên rửa tay, thay quần áo sạch sẽ.

 AN HÀ

www.phunuonline.com.vn

Vật lý trị liệu, tống đàm nhớt, bệnh trẻ em, trị viêm hô hấp, trị ho, trị sổ mũi


      © 2021 FAP
        194,305       484