PN - Đôi bàn tay là một trong những bộ phận quan trọng nhất trong cơ thể. Chúng giúp chúng ta thực hiện các hoạt động thường ngày và cũng là nơi thể hiện nhiều vấn đề về sức khỏe như chức ngăn của tuyến giáp,
1. Lòng bàn tay đỏ
Về mặt y học, lòng bàn tay có màu đỏ thẫm được gọi là hội chứng ban đỏ gan bàn tay. Đây là một dấu hiệu của những bệnh có liên quan đến gan. Bạn có thể đã bị gan nhiễm mỡ hoặc xơ gan. Tuy nhiên, nếu lòng bàn tay trở nên đỏ thẫm trong giai đoạn mang thai thì điều này hoàn toàn bình thường. Hiện tượng này xuất phát từ tình trạng gia tăng lượng máu lưu thông đến hai bàn tay.
2. Chiều dài của các ngón tay
Ở phụ nữ, ngón tay đeo nhẫn dài hơn ngón trỏ có thể là dấu hiệu cho thấy bạn có nguy cơ mắc bệnh loãng xương rất cao. Ở nam giới thường có ngón tay đeo nhẫn to hơn so với ngón trỏ là vấn đề bình thường thuộc về cấu trúc xương của bàn tay.
3. Các ngón tay sưng phồng
Nếu các ngón tay của bạn bị cứng và sưng phồng, đó có thể là triệu chứng của tình trạng suy giảm hoạt động tuyến giáp. Khi khả năng hoạt động của tuyến giáp bị suy yếu, tỷ lệ trao đổi chất sẽ sụt giảm theo. Hậu quả là bạn bị tăng cân, giữ nước và sưng phồng một số bộ phận trong cơ thể. Đây được xem là một trong những dấu hiệu quan trọng nhất về sức khỏe mà bạn nên lưu ý.
4. Móng tay nhợt nhạt
Thay vì có màu hồng nhạt đặc trưng, ngón tay của bạn chuyển sang màu xanh nhạt, khi ấn vào thì chúng chuyển sang màu trắng xanh trong khoảng 1 phút thì cần chú ý nhiều hơn đến nguy cơ bị thiếu máu. Sự thiếu hụt chất sắt có thể là nguyên nhân khiến màu móng tay trở nên nhợt nhạt vì chúng không được cung cấp đủ các tế bào máu đỏ. Nếu chứng thiếu máu không được điều trị kịp thời, móng tay có thể bị lõm vào trong.
5. Những sọc màu đỏ xuất hiện bên dưới móng
Những chấm màu đỏ hoặc nâu tựa như máu xuất hiện dưới móng được y học gọi là tình trạng xuất huyết dưới móng tay. Chúng cảnh báo cho bạn biết rằng nguy cơ nhiễm trùng máu hoặc mắc bệnh tim đang hiện diện trong cơ thể của bạn. Đây cũng có thể là dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng ở van tim được gọi là chứng viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.
6. Các đầu ngón tay trở nên dày và tròn
Tình trạng này được gọi là hiện tượng ngón tay dùi trống với biểu hiện đặc trưng là các đầu ngón tay bị dày lên và hướng ra phía bên ngoài. Hiện tượng này ở các đầu ngón tay có thể là một dấu hiệu của các căn bệnh về phổi hoặc tim mà bạn không nên chủ quan xem thường.
7. Các đầu ngón tay chuyển thành màu xanh
Đầu ngón tay chuyển sang màu xám hay xanh nhạt hoặc thường xuyên có cảm giác bị tê cóng cho thấy khả năng tuần hoàn máu kém trong cơ thể. Căn bệnh về tuần hoàn này có tên gọi là hội chứng Raynaud. Những dấu hiệu đi kèm theo bệnh còn bao gồm cả tình trạng các bàn tay bị lạnh và tê cóng ở những đầu ngón tay.
8. Những chấm màu nâu ở trên bề mặt của bàn tay
Những chấm đỏ hay nâu trên bề mặt của bàn tay phản ánh nguy cơ phát triển của bệnh tiểu đường. Ở những người mắc phải căn bệnh này, các dây thần kinh và mạch máu trở nên suy yếu, bao gồm cả các dây thần kinh của hai bàn tay. Đây là nguyên nhân khiến các chấm đỏ, nâu xuất hiện do tình trạng xuất huyết dưới da.
HỒNG XUÂN
(Theo Boldsky.com)
đoán bệnh, đoán sức khỏe, bàn tay, báo bệnh