PN - Laser là từ viết tắt của light amplification by stimulated emission of radiation (khuếch đại ánh sáng bằng phát xạ kích thích). Việc sử dụng năng lượng ánh sáng
Vào cuối thập niên 40 của thế kỷ trước, Meyer-Schwickerath, người tiên phong trong lĩnh vực phẫu thuật nội nhãn, sử dụng ánh sáng mặt trời tập trung và sau đó máy quang đông xenon-arc để điều trị các bệnh võng mạc. Năm 1960, Maiman mô tả tia laser với việc sử dụng kính ruby kích thích bởi đèn chớp để thoát ra tia sáng đỏ với bước sóng 694nm. Đến nay, khi laser argon sóng liên tục phát triển thì có sự bùng nổ về ứng dụng laser trong điều trị bệnh mắt.
Ngoài ứng dụng trong điều trị tật khúc xạ (lasik, PRK), laser còn được ứng dụng trong các chuyên ngành khác nhau của nhãn khoa. Bài viết này xin giới thiệu ứng dụng của laser trong điều trị bệnh glocom và võng mạc.
ỨNG DỤNG LASER TRONG ĐIỀU TRỊ BỆNH GLOCOM
Phòng ngừa glocom góc đóng: Ở những bệnh nhân được xác định góc tiền phòng hẹp qua soi góc tiền phòng, hay một mắt đã được mổ glocom cấp, mắt còn lại góc chưa đóng, các bác sĩ sẽ chỉ định cắt mống chu biên bằng laser. Tia laser tạo một lỗ thủng nhỏ ở chu biên mống mắt giúp thủy dịch lưu thông từ sau mống mắt ra trước dễ dàng hơn, giảm nghẽn đồng tử. Phương pháp này không gây đau, thực hiện rất nhanh, ít biến chứng và có thể phòng ngừa bệnh glocom góc đóng hiệu quả.
Điều trị glocom góc mở: Người ta dùng laser argon để tạo hình vùng bè (trabeculoplasty) trong những glocom góc mở không kiểm soát được bằng thuốc, glocom sắc tố. Tia laser phá hủy những tế bào và chất ngoại bào làm phóng thích các chất trung gian, kích thích những tế bào nội mô vùng bè giúp tăng thoát lưu thủy dịch qua vùng bè, đồng thời quá trình lành vết thương tạo sẹo gây co kéo lớp sợi collagen vùng bè làm tăng thoát lưu thủy dịch.
Quang đông thể mi: Trong bệnh glocom tuyệt đối đau nhức, glocom không đáp ứng điều trị thuốc và phẫu thuật, glocom tân mạch không còn thị lực do biến chứng của bệnh tiểu đường, tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc… laser diode có tác dụng hủy thể mi trực tiếp làm giảm tiết thủy dịch giúp hạ nhãn áp, giảm đau nhức.
Ngoài ra, laser còn dùng để điều trị tạo hình vùng bè trong góc đóng cấp (laser iridoplasty), cắt chỉ khâu, tạo hình mống mắt, cắt bao sau mổ lấy thủy tinh thể và đặt kính nội nhãn…
Ứng dụng laser trong điều trị glocom là một sự tiến bộ vượt bậc của y học từ giữa cuối thế kỷ XX, và hứa hẹn sẽ có nhiều ứng dụng mới trong điều trị bệnh glocom nói riêng và nhãn khoa nói chung trong thế kỷ XXI.
ỨNG DỤNG LASER TRONG ĐIỀU TRỊ BỆNH VÕNG MẠC
Để điều trị bệnh lý võng mạc, người ta ứng dụng hai tác động tương tác của laser lên mô là nhiệt và quang hóa. Trong tác động nhiệt của laser lên mô, có sự biến đổi năng lượng từ ánh sáng sang nhiệt khi mô hấp thụ ánh sáng, gây biến tính protein và tạo ra sự đông kết mô. Tác động này gọi là quang đông (photocoagulation) và được sử dụng nhiều nhất.
Các chỉ định thường gặp của laser trong bệnh lý võng mạc là bệnh võng mạc đái tháo đường, tắc tĩnh mạch võng mạc, vết rách võng mạc, tân mạch võng mạc, tân mạch hắc mạc, các bất thường vi mạch hắc võng mạc, u nội nhãn, bệnh võng mạc ở trẻ sinh non.
Bệnh võng mạc đái tháo đường: Đối với bệnh võng mạc đái tháo đường, người ta có thể áp dụng ba hình thức điều trị laser sau: (1) chiếu laser trực tiếp lên các vi phình mạch để tiêu diệt chúng nhằm chấm dứt hiện tượng rò rỉ; (2) chiếu laser theo dạng lưới lên hoàng điểm để giúp giảm phù hoàng điểm; (3) quang đông rải rác toàn võng mạc nhằm tiêu diệt bớt những vùng võng mạc bị thiếu máu - nơi sản xuất yếu tố tăng sinh mạch máu, giúp tránh sự tạo thành tân mạch và có thể gây thoái lui tân mạch đã hình thành. Trong thực tế, điều trị laser có thể ổn định hoặc cải thiện thị lực ở bệnh nhân có bệnh võng mạc đái tháo đường nếu điều trị ổn định đường huyết và các bệnh đi kèm như cao huyết áp, tăng lipid máu.
Tắc tĩnh mạch võng mạc: Trong bệnh tắc tĩnh mạch võng mạc, khi có phù hoàng điểm nhiều hoặc hiện tượng thiếu máu võng mạc rộng có nguy cơ hay đã gây tân mạch võng mạc, người ta cũng áp dụng nguyên tắc điều trị như trong bệnh võng mạc đái tháo đường.
Phòng ngừa bong võng mạc: Khi có vết rách võng mạc hoặc những vùng võng mạc bị thoái hóa, nguy cơ gây bong võng mạc, bệnh nhân sẽ được chiếu hai-ba hàng laser xung quanh vết rách nhằm tạo sẹo dính võng mạc vào hắc mạc bên dưới để tránh bong võng mạc.
Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non: Trong trường hợp trẻ sinh non có bệnh võng mạc do sinh non, chiếu laser sẽ làm chết vùng võng mạc không có mạch máu nuôi. Việc này nhằm tránh sản xuất các yếu tố tăng sinh mạch nên không có sự hình thành tân mạch và do đó trẻ sẽ không bị mù.
Bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già: Đối với trường hợp có tân mạch hắc mạc như trong bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già, ngoài áp dụng laser quang đông thông thường, gần đây người ta đã đưa ra dạng điều trị mới là laser quang hoạt (PDT photodynamic therapy), ứng dụng tác động quang hóa. Người ta sẽ đưa vào mạch máu chất cảm quang (ví dụ như verteporfin). Chất này sẽ đọng lại nhiều ở các mô tân sinh như tân mạch hắc mạc. Khi chất cảm quang hấp thụ laser, sẽ xảy ra một loạt các phản ứng quang hóa, với sản phẩm cuối cùng có khả năng làm tắc mạch (tức là làm chết) tổ chức tân mạch hắc mạc. Ưu điểm của điều trị quang hoạt là sử dụng năng lượng laser nhỏ nên ít gây tổn thương các mô bình thường chung quanh.
Tóm lại, laser là một biện pháp điều trị quan trọng không thể thiếu trong nhiều bệnh lý võng mạc và bệnh glocom. Hiện, Bệnh viện Mắt TP.HCM có trang bị máy laser các loại cùng với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa glocom và võng mạc, có thể thực hiện hầu hết các kỹ thuật điều trị trên.
ThS-BS VÕ QUANG HỒNG ĐIỂM
Bệnh viện Mắt TP.HCM
mắt, ứng dụng laser, điều trị võng mạc, thoái hóa hoàng điểm