Sức khỏe

Kiểm soát stress khi mang thai

PNO - Mang thai là một trong những thời điểm có nhiều ý nghĩa với người phụ nữ. Nếu không thích nghi kịp thời, bạn rất dễ gặp stress vì những điều khác biệt xảy ra

Những thay đổi khi mang thai khiến bà bầu dễ bị stress. Ảnh minh họa: internet 

Vì sao các bà bầu dễ bị stress?

Cảm giác về một mầm sống mới đang tồn tại trong cơ thể đủ khiến tất cả các bà bầu cảm thấy căng thẳng trong suốt quá trình mang thai. Ngoài ra, lý do của những căng thẳng về tinh thần trong giai đoạn mang thai còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, tùy theo tâm lý, hoàn cảnh sống của mỗi người. Tuy nhiên, vẫn có những nguyên nhân phổ biến gây căng thẳng cho các thai phụ dưới đây:

- Sự thay đổi của hormon: Đây là nguyên nhân lớn nhất ẩn giấu sau những thay đổi thất thường về tâm trạng của thai phụ, khiến họ rơi vào trạng thái căng thẳng khi phải đối mặt với những tình huống không vui.

- Cảm giác khó chịu do cơ thể thay đổi: Các bà bầu phải đối mặt với rất nhiều thay đổi khó chịu trong cơ thể, bao gồm tình trạng buồn nôn, ói mửa, táo bón, đau lưng hay mệt mỏi… Bạn có thể sẽ cảm thấy căng thẳng kinh khủng khi phải trải qua giai đoạn đầy khó khăn này.

- Lo lắng về chuyện sinh nở: Sự lo lắng về thời khắc em bé chào đời sẽ khiến bạn luôn có cảm giác “căng như dây đàn”. Đây dường như là nỗi lo thường trực của các thai phụ khi hầu như mọi người đều hiểu giai đoạn chuyển dạ và sinh con là một trong những thời điểm khó khăn nhất của thai kỳ.

- Áp lực công việc: Nếu phải làm việc trong giai đoạn mang thai, những thay đổi về thể chất sẽ khiến bạn gặp nhiều khó khăn hơn trong việc hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Áp lực công việc có thể sẽ là nguyên nhân đẩy bạn rơi vào trạng thái căng thẳng về thần kinh.

- Các vấn đề phát sinh trong cuộc sống: Những rắc rối xảy ra trong giai đoạn bạn đang mệt mỏi với sự phát triển của em bé trong bụng có thể làm gia tăng mức độ căng thẳng thần kinh khi mang thai.

Ảnh hưởng của stress đối với thai phụ

Một số loại hormon có thể gây ra tình trạng căng thẳng trong suốt quá trình mang thai. Chúng gây ra những tác động khá tiêu cực đến hệ miễn dịch, khiến các bà mẹ tương lai dễ bị mắc các bệnh viêm nhiễm. Trong hầu hết các trường hợp, những thai phụ thường mắc những bệnh viêm nhiễm ở tử cung, dẫn đến nguy cơ sinh non.

Nhịp sống bận rộn và cạnh tranh là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng stress mãn tính. Theo kết quả của nhiều nghiên cứu khác nhau, trạng thái căng thẳng thần kinh ở mức cao có mối liên hệ với tình trạng sinh non (em bé chào đời trước tuần 37 của thai kỳ) ở những phụ nữ mang thai. Chúng còn làm gia tăng nguy cơ thiếu ký cho em bé (dưới 2kg). Trong cả hai trường hợp này, trẻ sơ sinh sẽ phát triển không tốt về thể chất, dễ mắc bệnh trong những năm đầu đời.

Tình trạng căng thẳng thần kinh quá mức khi mang thai còn dẫn tới nhiều rắc rối khác cho sức khỏe như mất ngủ, đau đầu dữ dội, bệnh tim mạch, cao huyết áp, ăn quá nhiều, chán ăn…

Nhiều phụ nữ có xu hướng hút thuốc lá hoặc sử dụng các loại đồ uống có chất cồn để đối phó với tình trạng stress trong thai kỳ. Điều này không chỉ gây hại cho sức khỏe của họ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Làm cách nào để kiểm soát và hạn chế stress trong giai đoạn mang thai?

Tìm hiểu nguyên nhân gây ra những căng thẳng mà bạn đang gặp phải. Sau khi đã xác định được nguồn gốc của vấn đề, bạn nên trao đổi với chồng và những người thân trong gia đình, bạn thân hoặc bác sĩ tâm lý để họ giúp bạn vượt qua khó khăn.

Mang thai là thời kỳ mà người phụ nữ gặp nhiều vất vả. Bạn cần tự động viên chính mình rằng những khó chịu trong cơ thể chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn và không nên quá lo lắng vì sức khỏe của cả hai mẹ con.

Kết hợp việc tập thể dục nhẹ nhàng (bơi lội, đi dạo hay kéo giãn các cơ…) và các hoạt động giúp cơ thể thư giãn như ngồi thiền, yoga hay hít thở sâu… Các bài tập thể dục trong thai kỳ sẽ giúp hạn chế cảm giác khó chịu trong người, đồng thời những hoạt động thư giãn sẽ làm dịu thần kinh, cơ thể và cả tâm hồn.

Đừng quên rằng bạn đang mang thai. Sẽ có những giới hạn nhất định giữa một bà bầu với một người phụ nữ bình thường. Do đó, bạn nên giảm bớt các hoạt động nặng nhọc và có thể yêu cầu sự hỗ trợ từ người thân, để phụ giúp bạn các công việc thường ngày trong gia đình.

Tìm hiểu về thai kỳ và các vấn đề có liên quan đến chuyện sinh nở, chăm sóc em bé. Đọc các tạp chí, tìm hiểu trên các trang web hoặc tham dự một lớp học tiền sản nếu có điều kiện… sẽ giúp bạn có được những thông tin chính xác, bổ ích và biết được những gì đang và sẽ diễn ra trong cơ thể của mình. Nhờ đó, bạn sẽ đỡ căng thẳng hơn. Tuy nhiên, nạp quá nhiều thông tin cũng có thể gây ra tình trạng quá tải. Do đó, hãy thận trọng và chọn lọc kỹ những điều cần thiết để ghi nhớ và sử dụng.

Tranh thủ nghỉ ngơi khi có điều kiện vì cơ thể càng được thư giãn thì trạng thái căng thẳng về thần kinh càng dịu xuống.

HỒNG XUÂN (Theo Stylecraze.com)

www.phunuonline.com.vn

Kiểm soát stress khi mang thai, cách chăm sóc sức khỏe cho bà bầu


      © 2021 FAP
        194,867       715