Sức khỏe

Nạo phá thai nhiều sẽ dính buồng tử cung

PNCN - Tôi được cảnh báo là nằm trong nhóm nguy cơ bị dính buồng tử cung (DBTC) do sẩy thai nhiều lần. Xin bác sĩ tư vấn kỹ hơn về cơ chế gây bệnh,

Thiều Hoa (TP.HCM)

Ảnh minh hoạ: internet

DBTC là hậu quả của những tổn thương buồng tử cung (BTC). DBTC có thể ở mức độ nhẹ là dải sợi dính bắc ngang qua bề mặt BTC. Ở mức độ nặng là dính chặt toàn bộ tử cung.

Nguyên nhân là do nạo phá thai, nạo kiểm tra trong trường hợp sót nhau sau sinh hoặc sẩy thai chiếm 90%. Phụ nữ nạo thai lần hai sẽ tăng nguy cơ DBTC 8% so với nạo lần đầu, nếu nạo lần ba sẽ tăng nguy cơ DBTC lên đến 30%. Tổn thương BTC sau bóc nhân xơ tử cung, nạo sinh thiết. Bệnh lao sinh dục cũng gây DBTC và thường ở mức độ nặng.

Bệnh DBTC có thể không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất mơ hồ. Những triệu chứng có thể gặp là: vô sinh, rối loạn kinh nguyệt, đau vùng chậu có chu kỳ, sẩy thai liên tiếp. Ước tính có 43% phụ nữ DBTC bị vô sinh. Việc chẩn đoán DBTC dựa vào quan sát gián tiếp qua hình ảnh học hoặc trực tiếp qua nội soi BTC.

DBTC có thể do xuất phát từ nội mạc tử cung, cơ tử cung hoặc mô liên kết. Những dải dính có kích thước từ mỏng đến dày, với hai đầu bên nở rộng hơn phần giữa. Dính ở bờ viền nội mạc tử cung đến chiếm toàn bộ BTC. Dính phần nội mạc có màu hồng của nội mạc, dính phần cơ có màu xanh tái và chắc. DBTC do tổn thương lao cho hình ảnh tổ ong. Để điều trị DBTC, bác sĩ sẽ gỡ dính qua quan sát trực tiếp nội soi BTC. Mục đích phẫu thuật là bảo tồn kích thước và hình dạng của khoang nội mạc tử cung, cũng như chức năng nội mạc tử cung và khả năng sinh sản.

 TS Lê Thị Thu Hà (BV Từ Dũ, TP.HCM)

www.phunuonline.com.vn

phá thai, sẩy thai, dính buồng tử cung, phá thai nhiều tác hại thế nào, những nguyên nhân gây vô sinh


      © 2021 FAP
        194,872       301