Sức khỏe

Túi mật có polyp

PNCN - Polyp túi mật “hoạt động” âm thầm, không hề có triệu chứng.Do đó, việc phát hiện thường là tình cờ thông qua khám sức khỏe tổng quát.

Ảnh minh họa: internet

Phát hiện

Khi nhận kết quả xét nghiệm: “Có polyp túi mật, yêu cầu theo dõi chuyên khoa”, nhiều người thoáng nghĩ đến… ung thư. Thực tế, đa số polyp túi mật là lành tính, chỉ có tỷ lệ nhỏ là ác tính. Siêu âm có thể “nhìn, đo” túi mật nhưng không thể xác định nó thuộc loại “hiền hay dữ”. Điều này chỉ biết được khi xem với kính hiển vi (giải phẫu bệnh). Tuy nhiên, có những yếu tố mà bác sĩ căn cứ để nhận dạng tình trạng bệnh:

- Kích thước polyp lớn hơn 10mm (có nguy cơ ác tính).

- Có hình ảnh gợi ý ác tính.

- Polyp “dữ” lớn nhanh, kích thước tăng đều sau mỗi lần siêu âm cách nhau từ ba-sáu tháng. Nếu hội đủ các điều kiện nêu trên, các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật.

Nội soi

Trước đây khi mắc polyp túi mật thì bệnh nhân được phẫu thuật hở, nay chỉ cần phẫu thuật nội soi. Đây là kỹ thuật ít đau, ít biến chứng và sau mổ bệnh nhân hồi phục sau vài ngày.

Túi mật có vai trò hấp thu bớt dịch mật từ gan tiết ra. Do đó, sau khi túi mật “ra đi” sẽ có những xáo trộn bất thường về số lượng và chất lượng của dịch mật vào hệ tiêu hóa. Sau khi cắt túi mật, bệnh nhân có thể bị các triệu chứng mà giới chuyên khoa gọi là rối loạn tiêu hóa sau cắt bỏ túi mật, nhưng sẽ cải thiện sau vài tháng.

Chức năng quan trọng nhất của túi mật là giúp cho quá trình tiêu hóa, hấp thu chất béo và các sinh tố tan trong chất béo: A, D, K, E, caroten. Vì thế sau khi bỏ túi mật cần lưu ý thực hiện chế độ ăn uống dễ tiêu hóa.

“Hàng kèm” phổ biến

Polyp túi mật là bệnh không hiếm, không ít người trưởng thành có thêm “hàng kèm” ngoài ý muốn này. Người có polyp trong túi mật cần theo dõi định kỳ. Thông thường polyp túi mật không có “ý kiến ý cò” gì cả nhưng cũng có trường hợp gây đau. Bác sĩ Nguyễn Cao Cương - BV Bình Dân TP.HCM hướng dẫn, những bệnh nhân có polyp nhỏ vài milimet cần đi khám định kỳ mỗi ba hoặc sáu tháng để xem sự tiến triển của polyp. Khi bị đau vùng hạ sườn bên phải (đau âm ỉ hoặc đau từng cơn), cần gặp bác sĩ để có hướng xử lý thích hợp. Polyp lớn nhanh hoặc trên 10mm nên gặp bác sĩ chuyên khoa để có hướng điều trị đúng đắn.

Cho tới nay, nguyên nhân khiến cho túi mật xuất hiện polyp vẫn chưa xác định. Ngoài polyp “thiệt” còn có polyp “giả”. Polyp giả thường là polyp cholesterol do những tinh thể cholesterol bám trên thành túi mật như “thạch nhũ”. Với polyp giả, chỉ cần áp dụng chế độ ăn giảm chất béo.

Vũ Âu

www.phunuonline.com.vn

mật, bệnh túi mật, túi mật có polyp


      © 2021 FAP
        202,197       578