Sức khỏe

Thuốc điều trị hiếm muộn có gây ung thư?

PN - Sự phát triển của y học hiện đại đã mang lại nhiều hy vọng được làm cha, làm mẹ cho những người hiếm muộn. Nhưng, không ít chị em tỏ ra hoang mang:

PV: Thưa BS, được biết, các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện nay đều phải dùng kích thích tố. Nhiều người nghi ngờ những thuốc này còn có tác dụng nguy hiểm là tăng nguy cơ ung thư, điều này có đúng không thưa BS?

BS Hoàng Thị Diễm Tuyết: Nhiều người cho rằng những phụ nữ điều trị hiếm muộn sẽ tăng nguy cơ ung thư, đặc biệt các ung thư phụ khoa vì việc phơi nhiễm với các nội tiết tố sinh dục nhiều hơn các phụ nữ khác. Song các nghiên cứu trên thế giới cho kết quả: nguy cơ bị ung thư sinh dục không tăng ở nhóm phụ nữ đã từng điều trị hiếm muộn.

* Có ý kiến cho rằng việc điều trị nội tiết cho phụ nữ thời kỳ mãn kinh có liên quan đến nguy cơ ung thư vú và ung thư nội mạc tử cung. Quan điểm của BS về vấn đề này ra sao?

- Như đã nói, các nghiên cứu trên thế giới đến nay vẫn không thấy nguy cơ ung thư phụ khoa tăng cao ở nhóm phụ nữ đã từng điều trị hiếm muộn, dù họ có tiếp xúc với nội tiết tố sinh dục nhiều hơn các phụ nữ khác. Điều này khác với phụ nữ mãn kinh. Các phụ nữ mãn kinh sử dụng nội tiết thay thế, tức là tiếp xúc với một liều nội tiết tố mỗi ngày trong một khoảng thời gian dài (nhiều tháng thậm chí nhiều năm); ngược lại, phụ nữ điều trị hiếm muộn có kích thích buồng trứng, tiếp xúc với lượng nội tiết tố sinh dục tuy liều cao nhưng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, tối đa là một tháng trong phác đồ dài và hai tuần trong phác đồ dùng GnRH đối vận. Bên cạnh đó, tuổi cũng là một yếu tố quan trọng. Tuổi trung bình ở nhóm điều trị hiếm muộn thấp hơn nhiều so với nhóm mãn kinh nên việc phát triển các tế bào một cách bất thường để thành ung thư cũng thấp hơn so với phụ nữ lớn tuổi.

Trong điều trị vô sinh, sử dụng các thuốc kích thích buồng trứng để các noãn phát triển, tức là đồng nghĩa với gia tăng nồng độ estrogen trong máu. Từ đó, các loại ung thư lệ thuộc nội tiết tố, đặc biệt là estrogen có cơ hội bùng nổ, ví dụ như ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung... Vì vậy, khi điều trị kích thích buồng trứng, bệnh nhân cần được loại trừ các loại ung thư lệ thuộc nội tiết, tránh việc kích thích buồng trứng đẩy bệnh ung thư đã có sẵn diễn tiến nặng hơn.

* Dường như có một tỷ lệ tăng nguy cơ ở những bệnh nhân có sử dụng thuốc ngừa thai và sinh con nhiều? Vì sao lại như vậy?

- Sinh con nhiều là yếu tố nguy cơ ung thư cổ tử cung - đây là điều được ghi nhận trong nhiều thập kỷ. Nguyên nhân là do tổn thương cổ tử cung, làm cho cổ tử cung dễ biến đổi bất thường. Ngoài ra, các phụ nữ sinh nhiều lần ít có thời gian chăm sóc bản thân nên việc viêm nhiễm, nhiễm HPV cũng có thể gia tăng. Viên thuốc ngừa thai không là yếu tố nguy cơ song có thể lý giải rằng, khi đã tin tưởng một biện pháp tránh thai an toàn, người ta có thể giao hợp không an toàn và dễ nhiễm các bệnh lây truyền đường tình dục, cũng như HPV… và dễ bị ung thư cổ tử cung.

* Phải chăng vô sinh cũng là một yếu tố nguy cơ phát triển bệnh ung thư? Và nguy cơ này sẽ tăng khi bệnh nhân điều trị vô sinh bằng các thuốc kích thích nang noãn?

- Cho đến thời điểm này chưa có nghiên cứu nào chứng minh điều nêu trên. Tuy nhiên, các bệnh nhân vô sinh, vì không sinh con, không cho con bú nên nằm ở nhóm nguy cơ cao ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung… chứ không phải vô sinh hay điều trị vô sinh là yếu tố gây ung thư trực tiếp.

* Xin cám ơn BS.

 Thiên Nga (thực hiện)

www.phunuonline.com.vn

Thuốc điều trị hiếm muộn, gây ung thư, tác hại của thuốc điều trị hiếm muộn


      © 2021 FAP
        202,197       595