PNCN - Khi máu bị “ách tắc giao thông” hoàn toàn, không thể đem chất dinh dưỡng nuôi não thì tế bào não sẽ chết, xung quanh nhũn ra. giới y học gọi hiện tượng này là chứng nhũn não.
Thủ phạm
Theo TS Nguyễn Hoài Nam - Đại học Y dược TP.HCM thì có rất nhiều nguyên nhân gây nhũn não, bao gồm:
- Cục máu đông di chuyển từ tim lên động mạch não.
- Cục máu đông từ những vị trí khác trong cơ thể tìm đến làm tắc mạch máu não.
- Mảng xơ vữa trong thành mạch máu bị bong tróc, sau đó theo dòng máu làm tắc nghẽn động mạch nuôi não.
Ngoài những nguyên nhân trên, các bệnh rung nhĩ, đa hồng cầu gây đông máu cũng làm nhũn não.
Tuy bệnh tình không nặng như xuất huyết não nhưng nhũn não cũng gây di chứng đáng ngại, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống. Điển hình là mau quên, nặng đầu, hoa mắt, tê liệt tay chân, nói năng khó khăn, có nguy cơ tử vong cao. Điều đáng lo là cả người trẻ tuổi, người cao tuổi, người bị tăng huyết áp... đều có thể mắc bệnh.
Báo động
Khi tuổi càng cao, động mạch sẽ chuyển từ mềm dẻo sang xơ cứng. Máu cũng di chuyển nặng nề hơn do chứa cholesterol, đường… làm cho lòng huyết quản bị nhỏ lại nên máu lưu thông khó khăn. Khi thiếu cấp dưỡng, não sẽ phát tín hiệu liên tục để “báo động”, cụ thể là các triệu chứng: đau đầu, chóng mặt, xây xẩm… Cơn đau nhức thường khiến người bệnh khó tập trung làm việc, suy nghĩ… Về đêm, thường có những giấc mộng hoặc cơn hoảng sợ vu vơ… Ngoài ra còn có triệu chứng giảm trí nhớ, dễ bị té ngã do mất thăng bằng. Nếu tín hiệu bị xem nhẹ thì đây là cơ hội để cục máu đông, mảng xơ vữa gây “nghẽn mạch”. Cần lưu ý là tắc động mạch não thường xảy ra trong lúc ngủ, vừa thức giấc, trong khi tắm, khi cơ thể bị mất nước do ra mồ hôi nhiều.
Phòng bệnh
Để điều trị cấp cứu nhũn não, các bác sĩ sẽ cho dùng thuốc làm tan máu đông trong sáu giờ đầu, nhưng đây là loại thuốc rất đắt tiền. Nếu không kịp thời điều trị, bệnh nhân sẽ bị di chứng các bệnh kèm theo như: viêm phổi, hăm loét một số vùng da trên cơ thể do nằm lâu, đau khớp vai bên liệt (do người chăm sóc nâng kéo tay bị liệt thay vì đỡ đầu cho ngồi dậy)…Vì vậy, tốt nhất là chặn bệnh từ xa.
Mỗi người tùy theo giới tính và thói quen trong sinh hoạt, ăn uống mà thiết lập hàng rào riêng cho mình. Đối với những người nghiện thuốc lá, điều cần làm đầu tiên là “chia tay” với thói quen “phì phèo” điếu thuốc trên môi (thuốc lá gây xơ cứng mạch máu). Khi có các triệu chứng nhức đầu, hoa mắt… cần đi kiểm tra xem có bị cao huyết áp (làm tăng tình trạng xơ vữa động mạch…), bệnh về tim mạch hay không. Nếu mắc các bệnh này, cần điều trị theo đúng chuyên khoa và dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Nên hạn chế ăn mặn, ví dụ không sử dụng các loại nước chấm trong bữa ăn, ăn trái cây không chấm muối ớt, không ướp thịt cá trước khi kho, rim… Kiểm tra máu định kỳ, nếu bị tăng cholesterol trong máu (rối loạn chuyển hóa lipid) cần ăn uống hạn chế các món: lòng heo phá lấu, cháo lòng, các món chiên xào hoặc món nhiều mỡ hành, nước cốt dừa… Bệnh tiểu đường gây thiếu máu lên não. Vì vậy, khi mắc bệnh tiểu đường cần dùng thuốc và ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ.
Vận động là một trong những cách góp phần ngăn chặn mảng xơ vữa và cục máu đông. Vì vậy, tùy theo tuổi và sức mà luyện tập như: đi bộ nhanh, chạy bước nhỏ, đạp xe… tối thiểu ba buổi/tuần, mỗi buổi 30 phút.
Như Ý
Nhũn não, nhũn não là bệnh gì, triệu chứng bệnh nhũn não