PN - Năm nay tôi 62 tuổi, bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đã 5 năm. Tôi nghe nói luyện tập thể dục sẽ giúp cải thiện sự thở, nhưng một số người lại nói bệnh này không nên vận động nhiều.
Lê Văn Hải (Q.Tân Bình, TP.HCM)
Ảnh minh họa: internet
BS Lê Thị Kim Chi - Bệnh viện Nhân dân Gia Định trả lời: Luyện tập thể dục không chỉ cải thiện chức năng hô hấp, giúp cải thiện sức mạnh của chi mà còn cải thiện tâm trạng… Tuy nhiên việc luyện tập chỉ áp dụng cho những người đã qua giai đoạn cấp tính hoặc không ở trong đợt cấp và có khả năng phục hồi chức năng hô hấp.
Nếu đã quyết định tập, cần tập đều đặn, kiên trì từ bài dễ, đơn giản đến bài khó và tăng dần cường độ, không thay đổi bài tập quá nhiều lần trong mỗi đợt tập. Cần kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý. Nơi tập phải thoáng mát, không khí trong lành. Không tập ngay sau ăn, nên tập cách bữa ăn chính ít nhất hai giờ.
Có hai cách tập vận động: tăng sức bền (đi bộ, xe đạp, bơi lội…) và tăng sức cơ (giữ thăng bằng, kháng lực, nâng tạ…). Tập sức bền là trọng tâm của chương trình vận động nhưng phối hợp cả hai cách tập sẽ có tác dụng tốt hơn.
Mỗi buổi tập nên trên 30 phút, nếu mệt nên bố trí thời gian ngắn xen kẽ. Thời gian tập càng lâu hiệu quả càng kéo dài, bởi sau khi ngưng tập, hiệu quả giảm dần sau 8-12 tháng.
người già, vận động để cải thiện hô hấp