Sức khỏe

Điều trị loãng xương sau gãy xương

PN - Điều trị loãng xương sau khi gãy xương giúp giảm nguy cơ gãy xương lần hai và giảm nguy cơ tử vong ở bệnh nhân.

Gãy xương: biến chứng của loãng xương

Loãng xương thường gây ra nhiều biến chứng như gãy cổ xương đùi, xương cột sống và xương tay, nhưng thường gặp nhất là gãy cổ xương đùi. Theo BS Hồ Phạm Thục Lan - Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân dân 115, gãy cổ xương đùi là biến chứng nguy hiểm của loãng xương. Nam giới bị loãng xương sẽ dễ bị gãy xương hơn so với nữ giới.

Khi cổ xương đùi bị gãy, người bệnh phải chịu đau đớn kéo dài, khó có khả năng đi lại như trước, từ đó dẫn đến việc sinh hoạt khó khăn. Do nằm lâu một chỗ bệnh nhân dễ bị loét ở các vùng như mông, gót chân, lưng; các cơ quan đại tràng, bàng quang hoạt động không tốt, dẫn đến tiểu tiện khó khăn, ứ trệ nước tiểu, nhiễm trùng niệu. Ngoài ra, do không vận động hoặc ít vận động, bệnh nhân còn bị viêm tắc tĩnh mạch sâu chi dưới, tắc mạch thứ phát gây nhồi máu cơ tim, nhồi máu phổi, viêm phổi do bội nhiễm…

Những biến chứng sau gãy xương làm cho chất lượng sống của bệnh nhân bị suy giảm nghiêm trọng. Có khoảng 12 - 20% bệnh nhân gãy cổ xương đùi tử vong trong vòng 12 tháng sau gãy xương. Để giảm thiểu tối đa các biến chứng nghiêm trọng trên, cần điều trị loãng xương cho bệnh nhân gãy cổ xương đùi ngay sau khi gãy xương, đồng thời kết hợp các biện pháp thay thế khớp, giúp phục hồi chức năng vận động và cải thiện chất lượng sống. Phương pháp thay thế khớp sẽ giúp bệnh nhân đỡ đau đớn, ngồi dậy sớm ngay ngày đầu sau mổ, bệnh nhân có thể phục hồi sinh hoạt và vận động như mong muốn.

90% bệnh nhân không được điều trị

BS Hồ Phạm Thục Lan nhận định, dù bệnh nhân được phẫu thuật thay khớp háng nhưng nếu không điều trị sau phẫu thuật thì tình trạng gãy xương sẽ tái phát và tăng nguy cơ tử vong. Việc điều trị sau gãy xương có hiệu quả giúp giảm nguy cơ gãy xương lần hai và giảm nguy cơ tử vong. Một số nghiên cứu ở Âu châu cho thấy, chỉ khoảng 30-50% bệnh nhân gãy xương được điều trị bằng các thuốc chống loãng xương. Trong khi đó, tại Việt Nam, khoảng 90% bệnh nhân bị gãy xương không hề được điều trị loãng xương sau khi phẫu thuật.

Việc điều trị bằng các thuốc chống hủy xương sau khi phẫu thuật sẽ giảm nguy cơ gãy xương lần thứ hai khoảng 40% và giảm nguy cơ tử vong đến 30%. Các thuốc sử dụng cho điều trị loãng xương trong thời gian nằm viện bao gồm bisphosphonate, calcitonin, calcium và vitamin D. Tuy nhiên, tại một số bệnh viện, không bệnh nhân nào được điều trị bằng các thuốc ức chế hủy xương bisphosphonate. Chỉ khoảng 1% bệnh nhân được điều trị bằng calcitonin 100 IU/ngày, 12% được điều trị bằng vitamin D 400-800 IU/ngày, và 41% điều trị bằng calcium 500-1.000mg/ngày. Tính chung (cho calcitonin, vitamin D và calcium), có 5% bệnh nhân được điều trị hai trong ba thuốc.

Theo BS Hồ Phạm Thục Lan, vì sức khỏe của chính mình, những bệnh nhân bị gãy xương, nhất là gãy cổ xương đùi cần mạnh dạn đòi hỏi quyền lợi được điều trị với bác sĩ. Điều trị gãy xương nói chung do loãng xương rất khó khăn và phức tạp, mất nhiều thời gian và tốn kém nên tốt nhất vẫn là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Loãng xương có thể phòng ngừa được và nằm trong khả năng của mỗi người. Khi còn trẻ, cần duy trì dinh dưỡng và vận động hợp lý để đạt đỉnh tối đa của mật độ xương. Nên chú ý đến những thức ăn chứa nhiều canxi, và tận dụng nguồn ánh sáng mặt trời bằng cách phơi nắng 10 - 15 phút. Có thể bổ sung canxi và vitamin D bằng viên uống. Tránh thói quen có hại cho sức khỏe của xương như hút thuốc lá, uống bia rượu. Cần đo loãng xương định kỳ hai năm/lần cho các đối tượng có nguy cơ để tầm soát loãng xương.

 Thanh Hoa

www.phunuonline.com.vn

loãng xương, gãy xương, cách điều trị gãy xương, BS Hồ Phạm Thục Lan


      © 2021 FAP
        203,022       473