PN - Nhiều người vẫn còn nhớ bộ phim hài nổi tiếng Someone like you (đạo diễn Tony Goldwyn) với hai diễn viên Ashley Judd và Hugh Jackman.
Nôm na rằng, có con bò đực “yêu” con bò cái, ngày hôm sau, người ta tiếp tục dẫn con bò cái ấy đến cho con bò đực, nhưng con bò đực thờ ơ, không muốn gần gũi nữa. Người ta đã sơn một số màu lên con bò cái ấy, rồi lại dẫn đến. Lập tức, con bò đực lao vào như muốn “ăn tươi nuốt sống”, nhưng nhanh chóng phát hiện ra đó vẫn là con bò cái cũ, con bò đực liền rời đi.
Tất nhiên, người là động vật bậc cao, cảm xúc giới tính “cao cấp” và “tế nhị” hơn các loài động vật khác. Nhưng về cơ bản, đàn ông - dù có đức độ đến mấy cũng không thoát ra được bản chất “ham của lạ”. Nếu suy nghĩ thẳng đuột, quý bà chỉ cần liên tưởng đến chuyện cảm xúc “một miếng của lạ bằng một tạ của quen” mà đàn ông vẫn thường kháo nhau, đã thấy bất an vô cùng. Đàn ông có thể chống lại sức cuốn hút quá mạnh mẽ từ “của lạ”? Nếu có thể chống, thì chống được bao lâu, khi cám dỗ vẫn rình rập từ ngoài ngõ?
Thực tế, kết quả tùy thuộc vào đời sống tình dục mà mỗi đôi vợ chồng đang nuôi dưỡng. Nếu đó là một đời sống èo uột, người trong cuộc dễ có xu hướng tách ra để “ăn mảnh”. Nếu đời sống gối chăn không có chút gì mới mẻ để cả hai trông đợi, một trong hai người - đặc biệt là người đàn ông - dễ đi tìm “cái mới”. Nhưng nếu cả hai xây dựng được nhịp sống tình dục đều đặn, mặn mà, sẽ hạn chế được sự trỗi dậy của “bản năng tìm cái mới” của đàn ông.
Nghe qua chuyện trên, có thể nhiều phụ nữ bảo: “Đó chỉ là lý thuyết suông, ông nào đã có máu “ăn chả”, sẽ như vậy suốt đời, khó mà bỏ được”. Nếu luôn nghĩ như thế, quý bà đó vẫn chưa thực sự hiểu hết đàn ông.
Có ông ghiền mát-xa (mà thực chất ai cũng biết là “mát gần”). Từ năm này qua tháng nọ, sau cuộc nhậu, ông ấy cứ đi tăng hai ở tiệm mát-xa. Ở đó, hầu như lúc nào đến, ông ấy cũng gặp “một miếng của lạ”. Bỗng một ngày, bạn bè rủ đi mát-xa, ông này lắc đầu một cách thờ ơ. Làm sao mà một người đàn ông vốn “đầu têu” những cuộc đi mát-xa, mà bây giờ bạn bè năn nỉ gãy lưỡi cũng không đi? Đơn giản là ông ấy không có nhu cầu nữa.
Người đàn ông này không có nhu cầu với “bên ngoài”, dù sức khỏe tình dục vẫn ổn. Điều tạo nên sự khác biệt là vợ ông - qua bao giông bão của hôn nhân - đã trở lại với tình cảm nồng đượm. Vợ ông không “lột xác” từ một người đơn điệu thành một người “sành điệu” trên giường, mà chỉ đơn giản là quan tâm, tôn trọng chồng nhiều hơn trước. Người vợ ấy vẫn tỏ ra vụng về trong gối chăn, nhưng nhiệt thành trong ham muốn. Tình cảm gắn bó đã khiến người chồng muốn gần gũi vợ nhiều hơn, đều hơn, đến độ người chồng bị triệt tiêu gần hết sự ham muốn “của lạ”.
Chưa hết, người vợ ấy còn khiến người chồng động lòng, khi chăm chút từng bữa cơm, giấc ngủ cho chồng. Bản chất “đàng hoàng” của một người đàn ông khiến họ không nỡ phản bội người vợ, dẫu đó chỉ là chuyện “bóc bánh trả tiền”.
Câu chuyện trong phim Someone like you đã đưa ra một triết lý đơn giản, nhưng không phải ai cũng để ý: “Con bò cái, dù có sơn phết màu sắc khác lên bề ngoài, vẫn không thoát được yếu tố “cũ” của mình”. Việc phụ nữ tự làm mới mình bằng hương thơm, nội y, đồ ngủ, phòng ngủ… chỉ là phần phụ, chứ không giải quyết rốt ráo được vấn đề.
Đàn ông muốn người vợ của mình nhận biết được lợi thế riêng của bản thân và phát huy hết lợi thế đó. Người vợ có lợi thế lớn mà những “người lạ” không bao giờ có được: có quyền, danh chính ngôn thuận để chăm sóc, cận kề người đàn ông của mình hàng ngày; hiểu người đàn ông của mình để chiều chuộng.
ThS-BS Mai Bá Tiến Dũng
Thế mạnh của cái cũ