Sức khỏe

Sinh dễ, sinh khó

PNCN - Việc sinh nở thuận lợi đòi hỏi nhiều yếu tố, từ cấu tạo cơ thể người mẹ đến cân nặng của bé, quá trình sinh hoạt khi mang thai…

Vóc dáng

Nhiều người cho rằng cơ thể có ba vòng đúng chuẩn sẽ sinh con dễ dàng. Thực tế, điều quyết định sinh dễ hay khó phụ thuộc vào khung xương chậu. Phôi “làm ổ” và lớn dần trong lòng tử cung. Trong quá trình mang thai, cơ thể người mẹ dưới tác động của nội tiết tố, khung xương chậu thay đổi và nới rộng. Đến ngày chào đời của thai nhi, chỉ cần độ nới khung xương chậu không đủ là bé bị “ách tắc” giao thông ngay!

Song, cũng có trường hợp khung xương chậu đủ rộng nhưng thai nhi không thể đến “điểm hẹn”. Bác sĩ Nguyễn Hữu Trung - Trưởng phòng khám Phụ sản Hoàng gia TP.HCM giải thích: “Nhiều người tin rằng phụ nữ có chiều cao sẽ dễ sinh hơn phụ nữ thấp bé, phụ nữ thon gầy chuyển dạ nhẹ nhàng hơn thừa cân… Thực tế, có không ít trường hợp phụ nữ chỉ khoảng 1,5 mét nhưng vẫn có thể sinh con 3,5kg và ngược lại, có những phụ nữ cao hơn 1,6 mét nhưng không sinh được em bé 3kg. Đây là những trường hợp khung chậu bình thường nhưng do dây rốn quấn cổ hoặc dây rốn quá ngắn, “treo” em bé, không cho em bé “lọt” vào khung chậu của người mẹ”. Có không ít ca “cánh cửa” nở đủ 10cm, nhưng cũng phải chuyển sang sinh mổ vì lý do dây rốn quá ngắn…”.

Cân nặng

Không ít người sinh con nặng cân, trên 4kg, cho rằng đó là thành công lớn vì con mình mới sinh mà nặng bằng đứa trẻ đầy tháng. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông - Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.HCM thì: “Thai to trên 4kg, cần xem lại người mẹ có bị tiểu đường hay không. Những bé này có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn trẻ trong giới hạn cân nặng cho phép”.

Cân nặng của em bé chào đời, nếu là con so, trung bình từ 2,8-3kg, con rạ từ 3-3,5kg.

Về dinh dưỡng, nhiều người cho rằng ăn cho hai người nên cần ăn gấp đôi bình thường mới tốt. Điều này không đúng. Khi mang thai cần ăn đầy đủ, cân đối dưỡng chất cho thai phát triển chứ không phải ăn nhiều. Cân nặng cần tăng trong suốt quá trình mang thai cần phù hợp với cân nặng của mẹ.

- Mẹ suy dinh dưỡng, trong suốt thai kỳ cần tăng ít nhất là trên 10kg.

- Mẹ có cân nặng bình thường, nên tăng cân từ 10-12kg

- Mẹ thừa cân béo phì, chỉ cần tăng 7-8kg là đủ.

Để dinh dưỡng đúng, các bà mẹ trẻ cần tham khảo bác sĩ chuyên khoa.

Vận động

Bác sĩ Lưu Thị Thanh Loan - BV Từ Dũ TP.HCM khuyên: “Vận động hằng ngày giúp sinh con dễ dàng. Tuy nhiên, nếu vận động quá nhiều lại dẫn đến động thai, sinh non. Bác sĩ sản khoa sẽ tư vấn chế độ vận động thích hợp tùy từng bà mẹ. Nếu bà mẹ mang thai bình thường, không có yếu tố nguy cơ gì về việc sẩy thai, sinh non, hở eo cổ tử cung… thì có thể vận động nhẹ nhàng như đi bộ, bơi…, tránh những môn thể thao, vận động quá sức. Nếu bà mẹ mang thai thuộc dạng nguy cơ cao như tiền sử đã từng bị sẩy thai, dọa sinh non, hở eo cổ tử cung hoặc thai kỳ hiện tại bị dọa sẩy thai, dọa sinh non, nhau tiền đạo… thì việc “đi bộ cho dễ sinh” là điều không cần thiết và có thể gây hại”.

Thai phụ có thể cảm nhận được mình đã vận động phù hợp hay chưa. Thai chưa đến 38 tuần, nếu sau khi vận động, đi bộ…, thấy bụng căng cứng nhiều hơn (không thể ấn lõm vào vùng bụng), căng cứng một cách nhịp nhàng theo chu kỳ và càng lúc càng nhiều hơn thì đây là những dấu hiệu dọa sinh non. Trường hợp này, thai phụ cần giảm bớt vận động, nằm nghỉ và đi khám thai sớm để được điều trị thích hợp.

Để vượt cạn an toàn, cần đi khám thai theo đúng hẹn để phát hiện sớm những nguyên nhân gây khó cho quá trình “khai hoa nở nhụy” như: ngôi ngược, ngôi ngang, nhau tiền đạo…

Phương Nam

www.phunuonline.com.vn

Sinh dễ, sinh khó


      © 2021 FAP
        203,029       497