Sức khỏe

Ông bà ta có bệnh gì không?

PN - Chúng ta thường “ngắm nghía” cơ thể mình để xem chúng ta được hưởng gì từ ông bà, cha mẹ. Một chân dài hút hồn các chàng trai, một chiếc mũi dọc dừa thanh tú, một nụ cười nghiêng nước đổ thành.

Ảnh minh họa: internet

Rất nhiều chứng bệnh của thời đại văn minh ngày nay phần nhiều là do lối sống. Tuy nhiên, những nghiên cứu di truyền học cho thấy, một số gen cũng có khuynh hướng gây ra bệnh tật. Những cặp song sinh cùng trứng thường mắc chung một bệnh hơn là những cặp song sinh khác trứng. Điều đó chứng minh, càng chung nhiều gen thì sẽ càng chung những đặc tính sinh học cũng như cùng mắc phải một số bệnh. Nếu biết được bệnh sử gia đình, chúng ta sẽ có những chiến lược phòng bệnh thích hợp.

TRONG GIA ĐÌNH BẠN CÓ AI BỊ CÁC BỆNH TỰ MIỄN (AUTOIMMUNE) KHÔNG?

Các bệnh tự miễn, chẳng hạn như lupus, viêm khớp dạng thấp, rối loạn tuyến giáp, đa xơ cứng, tiểu đường type 1, bạch biến... xảy ra khi có một sự mất thăng bằng trong hệ miễn dịch làm cho chính cơ thể cứ tưởng quân mình là “địch” và quay ra tấn công chính các mô của cơ thể. Những bệnh tự miễn được cho là có “dính dáng” tới sự dị ứng thực phẩm, nhất là dị ứng gluten, sẽ làm giảm sự hấp thu các chất dinh dưỡng, cũng làm ngòi nổ cho một số dạng ung thư. Vì vậy, bạn phải đi trước một bước, cần kiểm tra xét nghiệm các kháng thể, xét nghiệm mức độ dị ứng thực phẩm...

BẠN CÓ CHỊ HOẶC MẸ TỪNG BỊ UNG THƯ VÚ HAY KHÔNG?

Tần suất rủi ro để một phụ nữ bị dính bệnh ung thư vú là 1/12. Tuy nhiên, tần suất này sẽ tăng lên gấp hai hoặc gấp ba nếu mẹ hoặc chị bạn đã từng mắc phải, đặc biệt nếu mẹ hoặc chị bạn bị ung thư vú trước 50 tuổi hoặc trước khi mãn kinh. Những gen giống nhau có khuynh hướng gây ung thư vú cũng có khuynh hướng gây ung thư buồng trứng. Các nhà y học cho rằng, một số dạng ung thư vừa do một phần gen di truyền, một phần do tác động của môi trường. Một số gia đình có những yếu tố gen làm cho cơ thể rất nhạy cảm với những tác nhân ở trong môi trường có thể gây ung thư như hóa chất, virus, khói thuốc...

Để giảm tần suất rủi ro, bạn cần phải thường xuyên kiểm tra ngực, đừng phớt lờ những triệu chứng và trì hoãn xét nghiệm, ăn nhiều loại trái cây và rau củ có đặc tính kháng ung thư, tránh căng thẳng quá độ nhằm giúp cho hệ miễn dịch được khỏe mạnh.

CHA MẸ CỦA BẠN CÓ CAO CHOLESTEROL VÀ NHỒI MÁU CƠ TIM?

Tần suất rủi ro mắc phải nhồi máu cơ tim phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như sự phân phối lipoproteins tỷ trọng thấp (Low Density Lipoproteins-LDL) trong máu, nồng độ của homocysteine và các chất gây viêm. Cứ khoảng 500 người thì có một người được nhận gen gây ra nồng độ cao chất LDL. Chứng cao LDL này gọi là chứng cao mỡ máu gia đình (Familial Hyperlipidaemia). Nếu cha hoặc mẹ của bạn từng bị nhồi máu cơ tim trước khi bước vào tuổi 50 thì tần suất rủi ro mắc phải nhồi máu cơ tim của bạn rất cao. Nếu cha hoặc mẹ của bạn bị nhồi máu cơ tim sau 70 tuổi thì bạn có khuynh hướng mắc phải các bệnh về tim mạch. Một yếu tố khác gây rủi ro cho bệnh tim mạch là huyết áp cao. Cao huyết áp có thể do lối sống, nhưng gen cũng đóng một vai trò quan trọng.

Bạn cần phải kiểm tra xét nghiệm mỡ trong máu thường xuyên. Hạn chế hoặc tránh thực phẩm nhiều carbohydrates, đường... sẽ có ích lợi lớn trong việc hạ cholesterol. Ngưng hút thuốc, thể dục đều đặn. Cần có sự kiểm soát trọng lượng cơ thể thích hợp. Cần chú trọng những bữa ăn giàu vitamin B3, B6, B12, vitamin E, vitamin C nhằm giúp hạ cholesterol và hàm lượng homocysteine. Đồng thời có tác dụng ngăn cản sự hình thành các cục máu đông bất thường (thromboses).

 DS Nguyễn Bá Huy Cường

www.phunuonline.com.vn

bệnh của cha mẹ, bệnh có di truyền, nhồi máu cơ tim, bắt mạch từ tiền sử gia đình


      © 2021 FAP
        195,643       381