PNCN - Có không ít mầm bệnh được “nuôi dưỡng” và lớn lên từ trong căn phòng xinh xắn của bé.
Điểm danh mầm bệnh
- Gối ôm, drap giường: Các loại gối nằm ôm ấp mỗi đêm đều có nguy cơ kích ứng bệnh, nhất là các bé có cơ địa dị ứng. Đó là do con mạt có trong các vật dụng này. Con mạt có kích thước rất nhỏ, mắt thường không nhìn thấy được… Thức ăn nuôi dưỡng chúng chính là lớp tế bào chết bong ra từ cơ thể bé. Chất thải của con mạt nhẹ, bay lơ lửng trong không khí là tác nhân gây dị ứng, hen suyễn…
- Sàn, vách tường: Khi bé biết bò hoặc chập chững đi thường vịn vào vách tường… để đứng lên; sau đó, bàn tay này lại đưa lên miệng. Động tác này là phương tiện đưa vi khuẩn từ ngoài vào cơ thể bé. Bé lớn hơn một chút rất thích vẽ lên tường, bôi bôi, xóa xóa rồi dùng tay bốc thức ăn… Chỉ cần bé không rửa tay là các bệnh tay chân miệng, viêm não… có cơ hội hành hạ bé.
- Thú nhồi bông: Do cấu tạo từ các loại sợi giả lông thú nên có nhiều “hang ổ” để vi trùng tá túc. Chỉ cần bé yêu thích hôn hít, ngậm chơi là vi khuẩn có cơ hội vào cơ thể bé.
- Đồ chơi: Các bé còn nhỏ thường ngậm đồ chơi, nhất là các loại làm từ nhựa. Đây cũng là nguồn gốc mang lại bệnh cho bé. Người lớn đi làm về, trong người có sẵn vi trùng lại cầm đồ chơi đưa cho con. Vi trùng nằm chờ sẵn, chỉ cần huy động đủ lực lượng là bùng lên gây bệnh. Cũng có trường hợp bé bị bệnh chơi đồ chơi, sau đó hết bệnh, nhưng gia đình không làm vệ sinh kỹ lưỡng cũng là nguồn bệnh khiến bé tái nhiễm.
- Máy điều hòa nhiệt độ: Sự chênh lệch nhiệt độ khiến bé dễ nhiễm bệnh.
Ảnh mang tính minh họa. Internet
Phòng bệnh cho bé
Bác sĩ Trần Anh Tuấn - BV Nhi Đồng 1 TP.HCM hướng dẫn và cảnh báo: “Do khả năng điều hòa thân nhiệt của bé kém nên để nhiệt độ trong khoảng 26-27o mà thôi. Ngoài ra, khi trang bị máy điều hòa cho phòng của bé cần lưu ý:
- Máy không phà hơi lạnh vào giường bé.
- Buổi tối nên cài đặt chế độ ban đêm để nhiệt độ ổn định.
- Tránh cho bé từ nơi nóng vào ngay phòng lạnh. Nên bố trí không gian đệm, nhiệt độ mát trước cửa phòng và lau mồ hôi cho bé (nếu có) trước khi bước vào phòng. Tránh chạy ra, chạy vào giữa phòng lạnh và phòng nhiệt độ bình thường.
- Bé càng nhỏ tuổi càng không cho ở trong phòng quá ba-bốn tiếng đồng hồ.
Chú ý khâu vệ sinh máy lạnh, nhất là những cao ốc dùng máy lạnh trung tâm vì màn lọc là nơi chứa bụi bẩn và nấm gây bệnh.
Để diệt trừ mầm bệnh trong các loại gối, thảm, chỉ cần giặt và thay thường xuyên mỗi tuần một lần. Điều cần lưu ý sau khi giặt là phơi nắng để bảo đảm các loại vi trùng đã bị tiêu diệt. Các loại đồ chơi của bé nên giặt xà bông và phơi nắng rồi mới cho bé chơi. Nếu bé bị hen suyễn, dị ứng, càng phải kỹ lưỡng hơn, phòng phải luôn có ánh sáng mặt trời để tiêu diệt mầm bệnh và để không khí trong phòng luân lưu.
Phòng bé cần chắc chắn là không có muỗi, vì con vật nhỏ bé này gây bệnh sốt xuất huyết rất nguy hiểm, có thể tử vong.
Ngay từ khi bé có ý thức, khoảng chín-mười tháng, hãy dạy bé rửa tay dưới vòi nước và bằng xà bông.
Bác sĩ Trần Thị Phương Thu - Giám đốc BV mắt Kỹ thuật cao Phương Nam TP.HCM khuyên: “Khoảng cách từ mắt đến bàn học nên trong khoảng 33-35cm. Do đó, cần thay bàn học cho bé khi thấy khoảng cách từ mắt đến vở không đạt yêu cầu. Lưu ý, nên dùng bóng đèn tròn cho bé, không dùng bóng đèn nê ông (bóng này có độ chớp tắt nhanh, có hại cho mắt).
Như Ý
Mầm bệnh trong phòng bé, cách phòng tránh bệnh ở trẻ em