Sức khỏe

Chớ xem thường cảm cúm

PNCN - Theo Ths-BS Trương Đình Khải, giảng viên ĐH Y Dược TP.HCM, vi rút hay vi khuẩn chính là những tác nhân gây nên bệnh hô hấp. Chúng xuất hiện quanh năm và có thể tồn tại rất lâu ngoài môi trường,

Theo Ths-BS Trương Đình Khải, giảng viên ĐH Y Dược TP.HCM, vi rút hay vi khuẩn chính là những tác nhân gây nên bệnh hô hấp. Chúng xuất hiện quanh năm và có thể tồn tại rất lâu ngoài môi trường, đặc biệt môi trường khô lạnh sẽ khiến mầm bệnh tồn tại lâu hơn. Nguyên nhân là do mùa lạnh, lượng ánh sáng mặt trời giảm, lượng vitamin D cơ thể tổng hợp giảm, lượng tia cực tím tiêu diệt vi rút cũng giảm, hệ miễn dịch của cơ thể vì thế suy giảm nên dễ nhiễm bệnh. Trời lạnh, không khí hanh khô hơn dễ làm khô niêm mạc đường hô hấp, mầm bệnh dễ xâm nhập hơn.

Tại Việt Nam các vi rút gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.

Biểu hiện dễ nhận thấy khi nhiễm cúm là sốt. Người bệnh thường bị sốt cao liên tục 39 - 40oC, mặt đỏ bừng, mạch nhanh, biếng ăn, tiểu ít, nước tiểu vàng sậm; đau đầu, đau họng, ho, chảy mũi, hắt hơi, đau nhức toàn thân. Nôn ói và tiêu chảy cũng có thể xảy ra do rối loạn tiêu hóa, hoặc gây xuất huyết dưới da, viêm kết mạc.

Bình thường, bệnh có thể tự khỏi sau năm-bảy ngày, việc dùng thuốc là nhằm điều trị triệu chứng như: giảm sốt, giảm đau, giảm ho, giảm tiêu chảy… Tuy vậy, nếu lơ là theo dõi và chăm sóc bệnh không đúng cách, bệnh cúm có thể gây những biến chứng nghiêm trọng như: viêm phổi, nhiễm trùng huyết… Vì thế, nếu thấy người bệnh sốt cao mà dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng từ ngày thứ ba trở đi; lơ mơ, li bì, lạnh run, co giật, đau đầu liên tục và tăng dần; buồn nôn, nôn khan nhiều lần, nước mũi đục xanh, thì cần phải đưa người bệnh đến cơ sở y tế.

Với người mắc bệnh lý mạn tính, nếu bị cúm thì mức độ nguy hiểm sẽ cao hơn. Bệnh nhân HIV/ADS, bệnh nhân suy giảm miễn dịch, đặc biệt với bệnh nhân ung thư đang điều trị, hay người bị bệnh tiểu đường không kiểm soát... có nguy cơ tử vong khi nhiễm vi rút cúm là rất cao.

Phòng ngừa ra sao?

Một nghiên cứu mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe, Trường ĐH Arizona (Mỹ) cho thấy, xử lý vệ sinh những bề mặt thường tiếp xúc sẽ giảm 80% nguy cơ nhiễm cúm. Việc rửa tay bằng nước ấm và xà bông trong khoảng 20 giây, lau lại bằng khăn sạch cũng giúp giảm bệnh này. Vì vậy, các thầy thuốc khuyến cáo phải luôn làm sạch và tiệt trùng những bề mặt thường xuyên tiếp xúc như tay nắm cửa, nắm vặn của các vòi nước…

BS Khải lưu ý, khi bắt đầu có biểu hiện đau họng vì cảm lạnh, thì cũng đồng nghĩa bạn đang trong thời gian ủ bệnh từ năm-bảy ngày. Chớ nên chần chừ áp dụng ngay những biện pháp trên. Nếu có triệu chứng sốt do vi rút, tốt nhất là nên ở nhà và hạn chế tiếp xúc với người khác. Trường hợp phải ra ngoài thì nên đeo khẩu trang để hạn chế phát tán mầm bệnh. Duy trì lối sống tốt, ngủ đủ giấc và giữ ấm cơ thể.

Nên tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh cúm vì đây là cách phòng ngừa tốt nhất và hiệu quả nhất.

THIÊN NGA

www.phunuonline.com.vn

cảm cúm


      © 2021 FAP
        203,526       208