PN - Mẹ em ngoài 70, phúc hậu, giọng nói vang, lưng thẳng... Gần đây cả nhà phát hiện cụ định tiến tới với một cụ ở quê, cùng nhau lên trông nhà cho con.
Hàng ngày ông bà hẹn cùng đi bộ dưỡng sinh, ngồi nhổ tóc sâu cho nhau và tâm sự vu vơ như chẳng bao giờ hết chuyện. Cả nhà ra sức khuyên giải nhưng cụ vẫn làm theo ý mình. Chúng tôi lo lắng cụ cực khổ vì “Yamaha” (già mà ham).
Nguyễn Thể Hiện (Củ Chi, TP.HCM)
Trước hết phải khẳng định: giao lưu kết bạn là nhu cầu tự nhiên của con người, như nhu cầu hít thở, như cơm ăn nước uống hằng ngày, làm gì có giới hạn tuổi tác! Nhu cầu của người già, làm sao người trẻ hiểu được mà tham gia, ngăn cấm? Rồi mai này vợ chồng bạn cũng sẽ già, bạn sẽ công nhận: người già từng trải có thể biết được tuổi trẻ muốn gì, nhưng tuổi trẻ chưa chắc đoán được tuổi già nghĩ gì, cảm thấy như thế nào.
Từ 150 năm nay, tuổi thọ trung bình không ngừng tăng thêm trong cộng đồng nhân loại: Nếu như năm 1850 là 40 tuổi, năm 1950 là 65 tuổi thì ngày nay tuổi thọ trung bình là 75-80 tuổi. Kể từ đó, suốt 50 năm qua, cùng với sự tiến bộ của y học, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, mối quan tâm của xã hội, đời sống của người cao tuổi càng chất lượng và dài lâu.
25 năm trước đây, có 1.000 cụ già Nhật Bản thọ trên 100 tuổi thì nay con số này đã tăng lên 2.800 người. Tại Pháp, 35 năm về trước, có 1.000 ông bà cụ sống trên 100 tuổi và ngày nay số này nhảy vọt lên 1.500 người. So với các bậc cao niên ấy, thì mẹ bạn vẫn chưa già, phải không nào? Việc bà tìm được sự đồng cảm nơi cụ hàng xóm là niềm vui và là liều thuốc chống lão hóa hữu hiệu. Các cụ có dịp được gặp gỡ, trao đổi, tương tác. Các tế bào não được kích thích, được hoạt hóa, sẽ tiết ra nhiều kích thích tố. Tuyến thượng thận tạo ra cortisol và epinephrine làm cho máu huyết lưu thông, xương cốt dẻo dai, hơi thở sâu, tinh thần phấn chấn, sảng khoái. Tuyến sinh dục tạo ra chất DHEA (dehydroepiandosterone) làm cho người ta trẻ lại. Nếu may mắn tìm được “nửa cuối” thì quả là một liều thuốc bổ mà không bác sĩ nào có thể kê toa được. Không phải “già mà ham”, đúng hơn là bà đang trẻ lại.
Chuyện ông bà rủ nhau thường xuyên đi bộ tập dưỡng sinh và trò chuyện là rất đáng khuyến khích. Bác sĩ Jay Olshansky thuộc Đại học Chicago khuyên: “Đi bộ là môn thuốc trường sinh tốt nhất và không tốn tiền”. Không cần phải tập luyện khó khăn mà chỉ cần đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày, đủ để tinh thần thoải mái, sáng suốt (tăng chất endorphins), tránh té ngã, tăng sức cơ bắp, xương cứng, tránh bị gãy cổ xương đùi - một trong những nguyên nhân gây tàn phế và tử vong ở người cao tuổi.
Nghiên cứu về lão khoa cho thấy: những liên hệ mật thiết với gia đình, bầu bạn, người bạn đời hết sức quan trọng trong việc tránh chứng bệnh buồn chán, suy nhược thần kinh và tổn thọ, giúp các bậc cao niên có nơi nương tựa, sự tự tin và niềm vui sống. Nếu đi thêm bước nữa, những chuyến “phiêu lưu” tình tứ (chọn tư thế hợp lý và vấn đề “bôi trơn” được giải quyết, thì còn hơn cả đi bộ, đánh cầu lông…) sẽ mang lại cho hai cụ những lợi ích về tinh thần, sức khỏe, cảm xúc. Đừng hỏi vì sao 70 rồi còn hẹn hò. Tình yêu không có tuổi mà bạn.
ThS-BS Lan Hải
Bà cụ “Yamaha”, người già hẹn hò, tình già, BS Lan Hải