Sức khỏe

Sự lãng mạn đầy... rủi ro

PN - Ngày Tình nhân ngày nay đã trở thành ngày lễ toàn cầu của những đôi tình nhân và cho cả những người đã “ngừng” yêu hoặc chưa yêu.

1. Khí độc từ đèn cầy

Rất nhiều loại đèn cầy chứa những hóa chất độc hại. Sáp đèn cầy là những sản phẩm phụ dầu hỏa, bấc đèn cầy có thể có chì hoặc những kim loại nặng. Khi đèn cầy cháy, các khí độc hại sẽ lan tỏa trong căn phòng kín. Khí độc xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp nhanh gấp nhiều lần so với đường tiêu hóa. Vì vậy, cần lựa chọn những loại đèn cầy của nhà sản xuất có uy tín và khi đốt đèn cần phải để phòng có sự lưu thông khí với bên ngoài.

2. Mỹ phẩm độc hại

Lễ Tình nhân là ngày mà “Eva” nhận được quà nhiều nhất từ các “Adam”, thường thấy là mỹ phẩm, bao gồm dầu thơm, dầu gội đầu, kem thoa da, lotion thoa da... Tuy nhiên trong những món quà này sẽ có những mỹ phẩm “lạ” vốn chưa được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm. Rất nhiều sản phẩm có chứa parabens có thể gây ung thư hoặc chất phathalates vốn có thể làm thay đổi hệ nội tiết. Vì vậy, quý ông cũng nên thể hiện sự quan tâm đến “đối tác” bằng cách chọn mua những mỹ phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, cây cỏ, tinh dầu...

3. Nụ hôn tử thần

Nụ hôn thì rất lãng mạn khi người ta yêu, nhưng cũng là cội nguồn lây lan vô số bệnh tật. Nếu hôn phải bạn tình trong lúc họ bị cảm cúm, bị Herpes thì bạn bị lây nhiễm là phần chắc. Không chỉ vậy, y học cũng chứng minh rằng, việc hôn hít cũng sẽ lây lan một số bệnh như viêm gan siêu vi B, viêm màng não, sâu răng... Y văn thế giới cũng đã ghi nhận nhiều bệnh “lạ” do hôn, chẳng hạn như đã có người khi hôn một người bạn tình vừa ăn xong thức ăn có đậu phộng liền bị sốc dị ứng, phải đi cấp cứu. Mới đây tại New Zealand, một phụ nữ được bạn trai “cắn yêu” ở gáy đã bị bán thân bất toại.

Theo những thông tin nóng bỏng hiện nay, một số sản phẩm son môi có chứa chì. Vì vậy, nếu quý ông nào xui xẻo hôn nhằm những bạn tình dùng những sản phẩm son môi này thì thế nào cũng... nuốt một ít chì. Chì không thải ra ngoài mà sẽ “ăn dầm nằm dề” trong cơ thể.

4. Viêm bàng quang tuần trăng mật (Honeymoon cystitis)

Honeymoon cystitis là kết quả của sự quan hệ tình dục “quá độ”, đặc biệt là đối với những cặp tình nhân chưa bao giờ làm “chuyện đó”. Ngày Valentine là ngày mà những đôi tình nhân trẻ hoặc những cặp vợ chồng trẻ “hơi bị rảnh” nên tranh thủ “kiếm thêm”, có khi tới... năm, sáu lần một ngày. Với sự gần nhau quá độ này thì “phần thiệt bao giờ cũng thuộc về em”, cho dù đôi khi “anh” cũng bị. Khi bị viêm bàng quang, nhiễm trùng đường tiểu, bệnh nhân bắt đầu cảm thấy đau trong âm đạo, có cảm giác bỏng rát khi tiểu tiện, nước tiểu đục và đôi khi có màu đỏ, muốn đi tiểu thường xuyên, đau ở vùng bàng quang... Đến lúc này, “chuyện ấy” bỗng trở thành một điều đáng sợ.

“Kẻ thứ ba” trong ngày lễ Tình nhân đã được “chỉ mặt, điểm tên” chính là E.coli (thường cư trú ở ruột, hậu môn). Sự di cư từ hậu môn sang cơ quan sinh dục của E.coli sẽ gây nên viêm bàng quang. Nguyên nhân của sự “chuyển địa bàn” này phụ thuộc vào các yếu tố như sau: khi đại tiện, “Eva” thường vệ sinh “từ sau ra trước” thay vì “từ trước ra sau”, sử dụng những vật dụng không được vệ sinh kỹ lưỡng ở khách sạn, chẳng hạn như khăn tắm để lau khô cơ thể. Hoặc đôi khi sự nhiễm E.coli cũng phát sinh từ “sáng kiến” của “Adam” như để những vật lạ, kể cả ngón tay, không được vệ sinh. Một khi E.coli đã đi vào đường tiểu, nó sẽ được nhân lên nhanh chóng, dẫn tới sự nhiễm trùng. Riêng tại Việt Nam, điều kiện khí hậu và lối sinh hoạt, chính là “vùng đất lành” cho E.coli.

5. Chlamydia

Đây là một chứng bệnh thường không biểu hiện triệu chứng, tuy nhiên có thể gây vô sinh nếu không được chữa trị. Những đôi tình nhân dưới 25 tuổi có tần suất rủi ro cao nhất. Các thầy thuốc khuyên rằng để tránh Chlamydia sau cái đêm lãng mạn này, tốt nhất khi “hành sự” nên dùng biện pháp an toàn bằng cách nên mặc “áo mưa”. Đừng để sau ngày lễ Tình nhân lại phải trở thành... bệnh nhân.

 DS Nguyễn Bá Huy Cường

www.phunuonline.com.vn

Valentine, ngày tình yêu, nụh hôn tử thần, sự lãng mạn đầy rủi ro


      © 2021 FAP
        203,527       132