Sức khỏe

Giúp bé bệnh suyễn vui xuân

PNCN - Tết là dịp gia đình đi chơi, về quê và ăn nhiều món ngon vật lạ, nhưng đối với trẻ mắc bệnh suyễn, đây là thời điểm có nhiều nguy cơ.

“Điểm danh” nguy cơ

Đầu tiên là sự khó chịu của thời tiết, khí hậu cuối năm, khi nhiệt độ trong ngày chênh lệch nhiều. Thứ nhì là khi đi du lịch hoặc về quê, bé có nguy cơ dị ứng phấn hoa, khói bụi… Trên xe, sức khỏe bé còn có thể bị đe dọa bởi nấm mốc trong máy lạnh, đệm, thảm và khói thuốc lá, khói xe.

Theo BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp BV Nhi Đồng 1 TP.HCM, trước khi cho trẻ du xuân, phụ huynh cần chắc rằng bệnh của bé được kiểm soát chặt chẽ.

Trên đường đi cần mang theo: toa thuốc, thuốc cắt cơn, quần áo thoải mái, đủ ấm. Xe cần mở máy điều hòa và mở cửa sổ cho thoáng trước 10 phút. Đường đi vào vùng ô nhiễm cần đóng kín cửa kính, tránh xa người hút thuốc lá, chú ý uống đủ nước. Khi đến nơi, tiếp tục dùng thuốc đều đặn theo hướng dẫn, tránh những yếu tố có khả năng gây khởi phát cơn suyễn (cây cỏ, bụi rậm…), có sổ ghi địa chỉ, bệnh viện nơi cấp cứu gần nhất.

Nhận biết triệu chứng

BS Lê Bình Bảo Tịnh, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM hướng dẫn: Một số bé có triệu chứng báo trước như hắt hơi, sổ mũi, nổi mề đay, ngứa mắt, ngứa mũi, sau đó là ho, khò khè, nặng ngực, khó thở… đặc biệt là về ban đêm. Khi thấy các dấu hiệu báo trước này, cần dùng thuốc cho bé cắt cơn ngay. Khi xử trí cần bình tĩnh và trấn an bé. Dấu hiệu cho thấy cơn suyễn nặng gồm: khó thở lúc nghỉ ngơi, bệnh mỗi lúc mỗi nặng, nói từng từ, bứt rứt… Cần nhận biết dấu hiệu để đưa bé đi cấp cứu: thuốc cắt cơn không hiệu quả hay chỉ hiệu quả trong thời gian ngắn, vẫn còn thở nhanh, khó thở, không nói nổi, tím tái, cánh mũi phập phồng (cố gắng thở), thở co lõm ngực, co lõm hõm ức… 

Dinh dưỡng cho bé

BS Trịnh Hồng Nhiên - BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết: “Những thực phẩm có khả năng “kích hoạt” cơn suyễn gồm: thịt dê, ngỗng, gà, chó, rắn, mèo, các loại hải sản (ốc, cua, sò, nghêu), rong biển, măng khô, vải khô, nhãn, thơm, khoai tây, đậu, gia vị, bông cải, hẹ, sô cô la, phẩm màu, bánh kem, thuốc lá, đồ uống lạnh, rượu bia, cà phê, trà đậm. Bên cạnh đó, cần tránh ăn một số món như: xà lách, các loại nước giải khát và thực phẩm đóng hộp, thức uống lên men, rau cải ngâm giấm, dưa chua, các loại trái cây đóng gói chế biến sẵn…”.

Có khoảng 10-20% các bé bị hen suyễn bị dị ứng thức ăn. Vì vậy, khi cho bé ăn một loại thức ăn mới, phải để bé thử một ít, ăn ít muối và không để bé rơi vào tình trạng thừa cân béo phì.

Tịnh An (ghi)

www.phunuonline.com.vn

giúp bé bệnh suyễn vui xuân


      © 2021 FAP
        203,763       405