Sức khỏe

“Tủ thuốc” du xuân

PN - Cảm sốt: Thuốc để giảm triệu chứng này là aspirin và paracetamol. Dù giảm đau và hạ sốt nhanh nhưng aspirin gây nhiều tác dụng phụ hơn, vì vậy nên chọn paracetamol,

Ảnh minh họa: internet

- Cảm sốt: Thuốc để giảm triệu chứng này là aspirin và paracetamol. Dù giảm đau và hạ sốt nhanh nhưng aspirin gây nhiều tác dụng phụ hơn, vì vậy nên chọn paracetamol, hoặc có thể dùng các chế phẩm của paracetamol như acemol, efferalgan, panadol.

Nên chuẩn bị sẵn thuốc với liều lượng thích hợp cho từng đối tượng. Trẻ nhỏ dùng 80-150mg/lần, trẻ lớn dùng 325mg/ngày, người lớn dùng 500mg/ngày. Dùng paracetamol ở liều cao trên 2.000mg/ngày có thể làm tăng nguy cơ gây hại ở gan. Nếu có trẻ nhỏ, cần đem theo nhiệt kế đo thân nhiệt để theo dõi tình trạng bệnh.

- Rối loạn tiêu hóa: gồm hàng loạt các triệu chứng như khó tiêu, đầy bụng, tiêu chảy, táo bón.

Những thuốc chống axit hoặc có men tiêu hóa giúp giảm triệu chứng đầy bụng, khó tiêu gồm: L-Bio, Lacteolfort, Maalox Plus, Simelox, Phosphalugel, Gasvicon, Pepsan, Neopeptine, Festal, Alipase...

Trong những ngày Tết thường gặp chứng tiêu chảy cấp. Với trẻ nhỏ nên dùng gói oresol để bù nước và chất điện giải. Người lớn có thể dùng các thuốc như loperamid, Imodium (trẻ quá nhỏ không dùng).

Có thể cải thiện tình trạng táo bón bằng cách ăn nhiều chất xơ, ăn các thực phẩm giúp dễ tiêu hóa, uống nhiều nước. Nếu tình trạng không giảm, có thể dùng các thuốc trị táo bón tạo khối như igol, metamucil; thuốc trị táo bón thẩm thấu sorbitol, forlax, lactitol; thuốc làm mềm phân docusat.

- Nôn ói: khi bị nôn ói do say tàu xe, có thể dùng vomina, promethazine (phenergan),diphenhydramine (nautamine), dimenhydrinate (dramamine), cinnarizine (stugeron)... hoặc dùng dạng thuốc dán vào da sau tai là scopolamine (trẻ dưới tám tuổi không được dùng).

- Ho: kháng histamin trị dị ứng nhưng cũng có tác dụng làm dịu và giảm ho như atussin, toplexil, pulmofar, phenergan...; thuốc ức chế ho như dextromethorphan. Có thể dùng thuốc làm loãng đàm như acetylcystein, carbocystein, bromhexin,serratiopeptidase... Những thuốc này không dùng ở người bị loét dạ dày - tá tràng.

- Dị ứng, nổi mẩn ngứa: nếu ở mức độ nhẹ, chỉ nên dùng các kem bôi ngoài da, chống ngứa chứa tinh dầu như menthol... Khi dùng, hạn chế gãi, vì càng gãi sẽ càng ngứa. Nặng hơn thì trẻ có thể dùng sirop Phenergan, sirop Theralene hoặc các loại thuốc kháng dị ứng chlopheniramin. Người lớn dùng terfenadine, cetirizine...

- Đau dạ dày: đơn giản và hiệu quả nhất là thuốc trung hòa axit và tráng bề mặt dạ dày stoccel P (hay còn gọi là thuốc chữ P). Thuốc này cần chuẩn bị sẵn, hễ bắt đầu cơn đau là uống ngay. Mỗi lần uống một-hai gói, ngày uống không quá sáu gói.

Bệnh mạn tính: chuẩn bị theo toa bác sĩ

- Tiểu đường: khi đi du lịch trong những ngày Tết, người đái tháo đường cần chuẩn bị thức ăn sẵn như các sản phẩm dinh dưỡng y học để mang theo, phòng khi đến giờ nhưng chưa được ăn thì có thể dùng ngay để tránh hạ đường huyết. Nên chọn những sản phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp như bánh quy, bánh mì, trái cây loại chưa chín... Cần chuẩn bị sẵn thuốc insulin có kèm bơm tiêm, hoặc thuốc uống (cho người tiểu đường type II). Nếu có điều kiện nên đem theo dụng cụ thử đường máu.

- Tim mạch: cần mang theo thuốc để sử dụng như thường ngày, không bao giờ được ngưng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Trừ những người bị suy tim mất bù, thiếu máu cơ tim cục bộ, bệnh tim có ngất và chưa được đặt máy; những người mắc bệnh tim khác nếu hay có cơn đau thắt ngực nên trữ sẵn thuốc dãn mạch như trinitrine. Nếu trước đây đã có sẵn những đợt suy tim thì nên mang theo thuốc lợi tiểu tác dụng nhanh như lasilix loại tiêm và loại uống.

Lưu ý: với các bệnh cấp tính, nếu sau khi dùng thuốc từ năm-bảy ngày vẫn không khỏi bệnh thì nên khám bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân.

 Thanh Hoa

www.phunuonline.com.vn

Tủ thuốc du xuân


      © 2021 FAP
        203,763       407