Sống khỏe

Bệnh đột quỵ ở phụ nữ

PNCN - Tỷ lệ mắc bệnh đột quỵ ở phụ nữ thường xảy ra ít hơn nam giới nhưng bệnh tình thường trầm trọng hơn, tỷ lệ tử vong cao hơn.

 

Những quả bom hẹn giờ

- Nội tiết tố nữ giảm: Nếu với nam giới, nguy cơ đột quỵ thường do lạm dụng bia rượu, hút thuốc lá, sinh hoạt không điều độ, căng thẳng… thì phụ nữ thường bị đột quỵ lúc nội tiết tố cạn dần. Nội tiết tố không chỉ “hô biến” một bé gái thành thiếu nữ với ba vòng rõ rệt, làn da mịn màng, giọng nói trong trẻo… mà còn giúp bảo vệ ngăn ngừa đột quỵ. Khi nội tiết tố giảm đồng nghĩa với bệnh tim mạch tăng, nguy cơ đột quỵ tăng. Lúc này cơ thể đã yếu, có nhiều bệnh đi kèm nên tỷ lệ tử vong ở phụ nữ có tuổi sẽ cao hơn nam giới.

- Vòng 2 tăng kích thước: Do chịu trách nhiệm giữ ấm bếp nhà nên các chị thường phải suy nghĩ làm ra những món ăn ngon miệng. Tuy nhiên, không phải ai cũng giỏi tính toán để làm vừa đủ, thông thường luôn có tâm lý dư ra một chút. Vả lại, các món ăn không phải lúc nào cũng vừa ý các thành viên trong gia đình. Hàng “ế”, hàng dư thừa này là nguyên nhân khiến các chị em tiếc của, tiếc công và họ trở thành "thùng nước gạo" của gia đình. Từ đó cân nặng thay đổi, chẳng mấy chốc mà thừa cân, béo phì. Tăng cân có kèm rối loạn lipid máu... sẽ làm xơ vữa thành mạch máu. Máu di chuyển chậm tạo điều kiện để hình thành cục máu đông. Nếu không được kiểm soát tốt, sẽ “bắc cầu” cho đột quỵ xuất hiện.

- Huyết áp “lên đỉnh”: Những người bị tăng huyết áp đột ngột sẽ dễ đột quỵ.

- Tiểu đường gây suy mạch máu: Tiểu đường làm cho mạch máu bị xơ cứng, nhất là mạch máu ngoại vi. Do đó, bệnh tiểu đường được xem như “kẻ mở cửa” cho đột quỵ vào nhà tấn công khổ chủ.

- Ôm đồm, lo toan nhiều việc: Công việc căng thẳng, cuộc sống nhiều lo toan áp lực khiến cho tim co bóp nhanh, áp lực máu tăng cũng gây tắc nghẽn nếu đã có cục máu đông đang lớn dần ở đâu đó trong hệ thống mạch máu.

Ngăn chặn

Đột quỵ xảy ra khi máu lên não bị ngừng trệ. Khi não thiếu máu thì đương sự sẽ xuất hiện các triệu chứng báo động. Tùy lượng máu lên não nhiều hay ít mà triệu chứng nặng hay nhẹ. Nếu chỉ bị tắc nhẹ, sau đó dòng chảy lưu thông được thì chỉ cần theo dõi và sinh hoạt điều độ theo hướng dẫn là bệnh sẽ giảm. Nếu não thiếu máu nuôi hoàn toàn, tình trạng này xảy ra khi bị tắc nghẽn 100% (nhồi máu não) hoặc mạch máu bị vỡ, lượng máu thoát ra khỏi chỗ vỡ sẽ lấn chiếm các vùng của não, khiến não không thể hoạt động được, gây ra hậu quả: liệt nửa người, liệt toàn thân, tử vong. Vì vậy, khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị đột quỵ như méo miệng, đớ, không nói được; một bên mắt nhìn không rõ, yếu hoặc liệt, hoặc tê tay chân một bên, lú lẫn, hôn mê… cần cấp cứu ngay.

Song, điều tốt nhất không phải là nhận diện đột quỵ và đi cấp cứu mà là phòng bệnh. Cần có lối sống tích cực, năng động, lành mạnh; hạn chế rượu bia, thuốc lá, ăn uống nhiều rau xanh, củ, quả, hạn chế các loại thịt đỏ, thức ăn nhiều chất béo, ngọt đậm… Người bị bệnh tim mạch hoặc cao huyết áp, mỗi ngày nên nằm thư giãn hai lần, mỗi lần năm phút, sẽ giúp ổn định huyết áp và phòng ngừa đột quỵ. Ngoài ra để phòng tăng huyết áp có thể gây đột quỵ vào buổi sáng, cô Phạm Ngọc Khanh - giáo viên Yoga, Viện Y dược học dân tộc TP.HCM hướng dẫn: nằm yên, hít - thở bụng trong một-hai phút để cho huyết áp ổn định rồi nghiêng sang phải, tay phải giơ lên đỉnh đầu, tay trái đặt ngang người. Dùng hai tay đỡ người ngồi dậy. Điều này tuy đơn giản nhưng hữu ích.

Cuối cùng, khi thấy mình không còn trẻ, “đèn đỏ” đã tắt, có bệnh mạn tính kèm nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai; mất ngủ; suy giảm trí nhớ, nhức mỏi, tê tay chân..., nên đi kiểm tra sức khỏe tổng quát vì đó là những lời kêu cứu của cơ thể khi não không được nuôi dưỡng đầy đủ.

PHƯƠNG NAM

Phát hiện sớm các triệu chứng

Các dấu hiệu đột quỵ bao gồm: đau đầu, mắt mờ, có cảm giác tê - mất cảm giác, yếu liệt cơ mặt, tay hay chân, đặc biệt ở một bên cơ thể. Người thân có thể dễ dàng nhận thấy khi bệnh nhân nói chuyện bị lẫn lộn, đi lại không thăng bằng.

Mức độ hồi phục sau khi bị đột quỵ tùy vào thời gian cấp cứu nhanh hay chậm và mức độ tổn thương của não bộ, các bệnh đi kèm nhiều hay ít. Đột quỵ là bệnh dễ tái phát. Nếu lần đầu bị nhẹ thì những lần tái phát sẽ nặng hơn, có nguy cơ tàn phế hoặc tử vong cao hơn.

 TS Nguyễn Hoài Nam (ĐH Y Dược TP.HCM)

Quan niệm sai

Không ít người cho rằng, khi mang thai, nội tiết tố thay đổi khiến thai phụ có nguy cơ đột quỵ cao hơn so với bình thường. Hoặc, thuốc ngừa thai dạng uống với liều lượng nội tiết tố nữ (estrogen) cao cũng làm bệnh này xuất hiện. Thực tế, những điều này không đúng. Khi mang thai cơ thể giữ nước, ứ nước làm tăng gánh nặng cho tim, nếu mang thai mà mắc bệnh tim mạch thì có nguy cơ cao bị  biến chứng tim - sản, một biến chứng nguy hiểm gây tử vong cao. Vì vậy, những người bị bệnh tim mạch cần có hướng dẫn của bác sĩ khi mang thai. Thuốc ngừa thai không gây đột quỵ, nhưng đây là thuốc nội tiết nên những người bị bệnh lý tim mạch, cao huyết áp… cần khám bệnh trước khi dùng thuốc.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông - Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.HCM

www.phunuonline.com.vn

đột quỵ, phòng ngừa đột quỵ, bệnh đột quỵ ở phụ nữ


      © 2021 FAP
        433,978       1,078