PNO - Dùng nilon bọc cuống chuối, rửa dâu bằng nước pha giấm, dùng khăn giấy gói rau củ trước khi để tủ lạnh... Những cách đơn giản này sẽ giúp giữ thực phẩm tươi lâu hơn.
Ảnh: flickr.com
Chuối
Chuối là một trong những loại trái cây tự phát ra khí ethylene để chín tự nhiên. Do đó, nếu không biết cách bảo quản, bạn chỉ có thể sử dụng chuối tươi trong khoảng vài ngày.
Để chuối tươi lâu hơn, bạn chỉ cần dùng bọc nhựa quấn quanh cuống chuối (đây là nơi mà hầu hết các chất khí ethylene được phát ra). Cách làm này sẽ giúp làm giảm lượng ethylene thoát ra ngoài, từ đó làm chậm quá trình chín tự nhiên của quả chuối.
Cũng giống như chuối, dưa lưới, lê, mận và cà chua cũng tự phát ra khí ethylene nên cần được lưu trữ trong các túi nhựa và để cách xa các loại thực phẩm khác.
Ảnh: flickr.com
Cần tây
Cần tây rất dễ thay đổi chất lượng từ giòn tươi chuyển sang héo úa và mềm nhũn. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể kéo dài độ tươi lâu cho cần tây đến vài tuần lễ bằng cách bọc chúng vào trong giấy nhôm rồi lưu trữ trong tủ lạnh.
Ảnh: flickr.com
Rau củ
Độ ẩm cũng là một trong những nguyên nhân làm cho rau củ nhanh bị “xuống sắc”. Do đó, bạn nên hạn chế cho rau củ tiếp xúc với độ ẩm trong tủ lạnh bằng cách lót khăn giấy vào ngăn tủ mát rồi mới cho rau củ vào, hoặc bạn có thể quấn rau củ bằng khăn giấy rồi cho vào tủ lạnh. Khăn giấy sẽ hấp thụ độ ẩm dư thừa trong tủ lạnh và giữ cho rau củ tươi giòn lâu hơn.
Ảnh: flickr.com
Dâu tây
Dâu tây và các loại quả mọng khác rất dễ bị nấm mốc “tấn công” nếu không biết cách bảo quản. Bí quyết để giúp dâu tây lâu bị hỏng hóc là pha 3 phần nước với 1 phần giấm trắng, cho dâu tây vào rửa sạch, sau đó lau khô rồi cho vào ngăn mát trong tủ lạnh. Giấm trắng có tác dụng diệt khuẩn và ngừa các loại nấm mốc phát triển - nguyên nhân làm cho dâu tây nhanh bị hỏng hóc.
Khoai tây
Nhược điểm của khoai tây khi bảo quản ở nhiệt độ thường trong thời gian dài là dễ bị mọc mầm (chứa độc tố gây hại cho sức khỏe). Do đó, để khắc phục tình trạng này, các bà nội trợ nên bảo quản khoai tây ở nơi mát (khoảng 100C). Không cất trữ khoai trong túi nhựa hay các hộp, nên giữ khoai tránh xa ánh sáng mặt trời tự nhiên để khoai không bị chuyển sang màu xanh và mọc mầm.
Nếu bạn dự trữ khoai ở nhiệt độ thường thì không để quá được 2 tuần. Bên cạnh đó, bạn cũng nên thỉnh thoảng kiểm tra khoai đang được bảo quản để loại bỏ những củ thối và những củ đang xuất hiện màu xanh trên bề mặt da. Ngoài ra, chỉ nên rửa khoai trước khi sử dụng vì hơi ẩm có thể làm khoai nhanh hỏng.
Ảnh: flickr.com
Nấm
Bạn có thể bảo quản nấm tươi lâu bằng cách để nấm nơi thoáng mát, không buộc vào túi nhựa, cách này sẽ giữ nấm được 8-12 tiếng. Với nấm thân mềm, dài, nhỏ và phần mũ bé, ngay khi còn tươi nên đóng gói vào những túi hút chân không có sẵn, cho vào tủ lạnh sẽ dùng được khoảng từ 3-4 ngày.
Bạn cũng có thể dùng khăn giấy bọc nấm lại rồi cất trong tủ lạnh sẽ giữ được khoảng 2-3 ngày.
Ngoài ra, các bà nội trợ có thể dùng nước muối để bảo quản nấm. Nước muối có tác dụng giữ độ giòn và các khoáng chất trong nấm, đồng thời giúp cho nấm không mất quá nhiều chất dinh dưỡng.
Ảnh: flickr.com
ĐÌNH HUỆ
(Theo everydayhealth.com)
mẹo giữ thực phẩm, dâu, nấm, khoai tây