PNCN - Mứt không chỉ là món ăn ngọt ngào hấp dẫn mà còn là một nét văn hóa ẩm thực của dân tộc Việt, góp phần làm nên hương sắc cho những ngày Tết cổ truyền.
Tuy ngày nay người ta có thể ăn mứt quanh năm, nhưng không vì thế mà mứt trở nên kém hấp dẫn mỗi khi xuân về, do sự phong phú về chủng loại và kiểu dáng, đặc biệt mứt còn là lễ vật để dâng cúng tổ tiên trong những ngày Tết. Để làm được một mẻ mứt thơm ngon, đòi hỏi người nội trợ phải khéo léo, tỉ mỉ và nhiều kinh nghiệm.
Mứt có hai dạng chính là mứt khô và mứt dẻo. Với món mứt khô, nguyên liệu thường để nguyên củ hoặc cắt miếng lớn. Miếng mứt ngon phải giòn và phủ đều một lớp đường mỏng, khô ráo và trắng xóa. Với món mứt dẻo, nguyên liệu phải cắt nhỏ, thành phẩm quyện với lớp đường dẻo kẹo, không “lại đường” đặc quánh. Cái khéo của người làm là sau khi chế biến mứt vẫn giữ nguyên được hương vị đặc trưng của quả tươi, thấm vị ngọt ngào của đường và có thể bảo quản lâu.
Khay mứt Tết phải có đủ sắc màu với ước mong đủ đầy viên mãn cho năm mới. Màu trắng có mứt dừa, mứt bí, mứt mãng cầu, mứt củ năng, mứt đậu trắng. Màu vàng có mứt sen trần, mứt xoài, mứt gừng, mứt khoai lang, mứt thơm, mứt me. Màu đỏ là mứt cà chua, mứt cà rốt. Màu tím đen của mứt mận, mứt khế, mứt chà là. Màu xanh mứt kiwi, mứt dừa lá dứa. Mứt đủ sắc đủ màu mang đến sự tươi vui cho những ngày xuân. Không chỉ thế, cái hương vị của mứt cũng thể hiện đầy đủ mọi hương vị của cuộc sống: ngọt chua cay đắng, nhấm nháp rồi cứ vấn vương mãi. Mùi chua chua của mứt me, mứt mãng cầu, mứt chùm ruột, mứt tắc đem lại sự hứng khởi. Mùi cay cay của mứt gừng, mứt me cay, ô mai làm người ăn cảm thấy thích thú. Mùi đăng đắng của vỏ cam, vỏ bưởi, khổ qua hay quả phật thủ cũng khó quên nếu đã một lần thưởng thức. Trên hết là vị ngọt ngào: mứt hồng, mứt chuối, mứt đu đủ, mứt dừa. Ngoài những loại mứt truyền thống, ngày nay người ta còn biến tấu thêm nhiều kiểu mứt: mứt khoai tây, mứt khoai môn, mứt dâu, mứt cóc, mứt mít, mứt dừa cà phê… với lượng đường giảm nhiều để vị của mứt gần với hương vị tự nhiên mà vẫn quyến rũ người ăn.
Bên cạnh những loại mứt làm từ hoa quả, miền Bắc còn có một “đặc sản mứt” vô cùng độc đáo, là những viên ô mai đủ mùi vị, ngọt chua mặn cay mê hoặc vị giác của nhiều người. Nguyên liệu làm ô mai cũng phong phú không kém gì mứt như mận, mơ, khế, sấu, trám, quất, me. “Hương liệu” thì mới nghe đã có cảm giác ấm lòng: gừng, cam thảo, trần bì, ớt.
Ăn mứt cũng cần biết cách. Gọi là ăn, nhưng không phải đơn giản cứ cắn một miếng thật to, mà phải từng miếng nhỏ, nhấm nháp một cách từ tốn mới cảm nhận hết được cái hương vị đặc biệt của mỗi loại mứt. Dĩ nhiên, không thể thiếu bình trà ngon. Lại còn cần có thời gian thảnh thơi cùng bạn bè, người thân bên tách trà đĩa mứt, câu chuyện ngày xuân mới rôm rả, hương xuân mới thêm đậm đà.
MAI THẢO
Mứt, hương sắc ngày xuân