Xem xong "Tấm Cám: Chuyện chưa kể", các cô gái ắt hẳn phải xem xét lại khi ra đường có ai khen mình hiền như Tấm, ngoan như Tấm...
Trước khi bước vào nói một đôi điều về
Tấm Cám: Chuyện chưa kể, bộ phim gây ồn ào khắp các mặt báo thời gian qua, người viết bài này chỉ muốn khẳng định một điều rằng, cho dù quan điểm có đưa ra như thế nào, thì đến cuối cùng, người viết bài vẫn khẳng định
Tấm Cám: Chuyện chưa kể là một bộ phim đáng xem của điện ảnh Việt (viết hoa, in đậm dòng của điện ảnh Việt).
Tấm Cám: Chuyện chưa kể được dựa trên câu chuyện cổ tích Tấm Cám đã quá quen thuộc với người Việt: chuyện về một cô Tấm hiền lành nết na bị mẹ con dì ghẻ bắt nạt. Thương cho thân phận của Tấm, ông Bụt đã hiện lên giúp đỡ cô. Nhờ Bụt, Tấm được kết hôn với Hoàng tử nhưng tiếp tục bị mẹ con Cám hãm hại hết lần này đến lần khác. Nhưng cuối cùng, Tấm vẫn trở lại và bắt mẹ con Cám phải trả giá.
Ai nói Tấm Cám: Chuyện chưa kể bóp méo truyện cổ tích là không đúng, bởi bộ phim bám sát không sót một chi tiết quan trọng nào trong câu chuyện dân gian của người Việt. Chỉ là bên cạnh câu chuyện ấy, phim có sáng tạo thêm những "chuyện chưa kể" khác để giúp tác phẩm mang chất điện ảnh và hấp dẫn hơn. Những "chuyện chưa kể" của Tấm Cám chủ yếu xoay quanh câu chuyện của chàng hoàng tử điển trai - nhân vật vốn tồn tại khá nhạt nhòa trong câu chuyện cổ tích ngàn xưa.
Ấn tượng lớn nhất của tôi về
Tấm Cám: Chuyện chưa kể, ấy là sự chỉn chu, "tử tế" của tác phẩm. Khi mà lâu rồi ra rạp xem phim Việt, người xem phải ngụp lặn lần mò đãi cát tìm vàng trong hàng loạt tác phẩm hài nhảm, "mì ăn liền", bỏ tiền mua vé mà cứ nơm nớp lo sợ không biết phim hay hay dở, thì
Tấm Cám là một bộ phim mà khán giả sẽ không phải lo lắng về những điều đó.
Những cảnh quay đẹp, trau chuốt tỉ mỉ, kỹ xảo ấn tượng khiến Tấm Cám làm người xem phải bất ngờ. Những người đã từng không trông đợi nhiều vào một bộ phim giả tưởng - thể loại mà các nhà làm phim Việt trước nay thường xuyên yếu thế, thì ở Tấm Cám, có lẽ những gì cho thấy trên màn ảnh đã vượt qua cả sự mong chờ của họ.
Người ta bảo
Ngô Thanh Vân diễn kịch khi bật khóc và nói về những khó khăn của
Tấm Cám trong hành trình đến với khán giả tại buổi họp báo hôm nào, nhưng nói vậy có lẽ cũng hơi ác với Vân Ngô. Bởi xem
Tấm Cám, không khó để nhận ra sự dụng công và tâm huyết của những người làm ra nó. Dẫu rằng nhìn nhận một cách khách quan, thì kỹ xảo hay những đại cảnh của phim vẫn chưa thể đạt chuẩn, tuy nhiên nhìn vào điều kiện làm phim của người Việt, Tấm Cám là một bước tiến đáng ghi nhận và trân trọng.
Nửa đầu Tấm Cám làm khá chắc tay, dù các tình tiết diễn ra hơi chóng vánh nhưng lại khá cuốn hút. Tuy nhiên, sang tới nửa sau, và càng về cuối, có cảm giác bộ phim hơi tham lam và hụt hơi, chất kịch và độ "ngô nghê" cũng tăng lên.
Xem Tấm Cám, khán giả sẽ được trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc. Đầu tiên, người ta ngỡ được chứng kiến một câu chuyện ngôn tình, lãng mạn. Về sau, ấy lại là bản hùng ca của tinh thần yêu nước, chống quân xâm lược, rồi sang đến cuối, câu chuyện biến thành thể loại giả tưởng với cuộc chiến của... quái vật, thậm chí còn phảng phất hơi hướng kinh dị trong diễn biến tâm lý của nhân vật Cám.
Cặp đôi nhân vật chính: Tấm (
Hạ Vi) và Thái tử (
Isaac) được dành thời lượng để "tung hoành" từ đầu đến cuối nhưng lại lộ vẻ đuối sức nhất. Tất nhiên, Isaac thừa chuẩn để làm một bạch mã hoàng tử khiến các khán giả tuổi teen phải hú hét trong mỗi phân cảnh anh xuất hiện, còn Hạ Vi thì khẳng định nhan sắc "mỹ nữ vạn người mê" bằng một cô Tấm lộng lẫy lay động lòng người.
Ngay từ khi phim công bố trailer, nữ chính Hạ Vi đã vấp phải làn sóng chỉ trích vì diễn xuất "cứng đơ", đến khi phim ra mắt, nhân vật Tấm lại còn gây... ức chế hơn bởi hình tượng một cô nàng "bánh bèo" hạng nặng gặp bất cứ chuyện gì cũng chỉ biết òa ra khóc lóc, đến nỗi bản thân ông Bụt hiện lên còn cảm thấy "mắc mệt" thay cho cô.
Mà giá như Tấm khóc đẹp, khóc tình một chút, khán giả còn dễ chấp nhận. Đằng này, cái sự khóc của Tấm nó mới nhạt, mới kịch làm sao, khi mà cô nàng xinh đẹp chỉ biết nhành miệng ra than thở ỉ ôi rồi gọi "Bụt ơi" như một thứ emotion vô cảm.
Tấm khóc mọi lúc, Tấm khóc mọi nơi, rồi Tấm lấy được Hoàng tử... Xem xong Tấm Cám, chắc hẳn các cô gái ra đường mà được khen hiền như Tấm, ngoan như Tấm, chắc chẳng có cô nào vui nổi.
So với Tấm, thì diễn xuất của "Cám" Lan Ngọc và "dì ghẻ" Ngô Thanh Vân ở trên một tầm, nhưng càng về cuối, hai nhân vật này lại càng bị xây dựng theo chiều hướng "over". Cá nhân người viết bài này đã từng trông đợi biết bao nhiêu, hy vọng biết bao nhiêu khi nhìn vào cái biểu cảm nửa ăn năn, nửa ái ngại, nửa sợ hãi của mẹ con nhà Cám khi chúng ủ mưu giết Tấm. Khán giả hy vọng vào ánh nhìn ấy, thứ cảm xúc rất "con người" ấy, dù chỉ trong thoáng qua, nhưng biết đâu nó lại mở ra một "chuyện chưa kể" gì đó giàu tính nhân văn và cảm động ở cuối phim...
Nhưng không, mọi thứ chỉ được tung ra như một đòn nhử chí mạng rồi... kết thúc. Cái cô Cám ánh lên vẻ đẹp tinh nghịch, chả mơ gì chỉ mơ giàu ở đầu phim đến cuối phim lại hóa thành kẻ tâm thần đáng sợ, thường xuyên ngửa mặt lên giời cười ha hả mà chẳng biết lý do tại sao. Trong một vài trường đoạn, cô Cám ấy còn khiến người ta thót tim vì tưởng xem nhầm phim kinh dị.
Và "dì ghẻ" Ngô Thanh Vân, với vẻ đẹp lộng lẫy còn hơn con gái, khiến người ta khó lòng mà tiêu hóa nổi câu thoại "mẹ già cả sức yếu thế này"... tưởng chừng chỉ góp vai nho nhỏ cho "vui cửa vui nhà", thì bỗng dưng lại xuất hiện trong cảnh kết một cách khá "vô duyên" góp phần hủy hoại nội dung tác phẩm.
Vân Ngô quá ác, quá đẹp, quá ấn tượng (dù trợn mắt hơi nhiều). Nhưng giá mà cô chỉ làm tròn trách nhiệm của một bà dì ghẻ ác độc ôm giấc mộng giàu sang phú quý ở nửa đầu mà thôi, và bớt đi vài chục giây xuất hiện cuối cùng, có lẽ khán giả sẽ bỏ qua cho tất cả những lỗi sến sẩm và những phân cảnh đi chệch đường ray ở nửa cuối.
Thế nên mới nói, đừng để một nhà sản xuất đi đóng phim do chính mình làm. Bởi cảm xúc cá nhân rất có thể chi phối tác phẩm của họ, dù họ có đóng tốt tới đâu. Vân Ngô diễn tốt, nhưng cô đang tìm cách níu kéo điều gì trong cảm xúc của người xem khi mang đến cho họ cảnh kết khó hiểu ấy, sau khi tất cả mọi chuyện ngỡ đã khép lại bằng "hạnh phúc mãi mãi về sau"? Ấy là cảnh quay mà có lẽ bất cứ ai từng đi qua tuổi thơ với truyện Tấm Cám đều cảm thấy rùng mình khi nhớ về đoạn kết...
Nói một câu luôn luôn đúng, ấy là nếu chịu khó bỏ qua tất cả các hạt sạn, thì chúng ta cuối cùng vẫn có một bát cơm ngon. Bỏ qua những gì cần phải chê bai, chúng ta có một Tấm Cám hình ảnh đẹp, nội dung giải trí cao, đan xen nhiều phân cảnh lấy cảm xúc của các khán giả tuổi teen.
Phim đã được công chiếu từ ngày 19/8 trên toàn quốc, trừ hệ thống rạp của CGV.