Bố mẹ không biết, những câu nói trong lúc vô tình của mình hoàn toàn có thể là nguyên nhân của nhiều đáng tiếc mãi về sau.
Đừng cho rằng "trẻ con thì hiểu cái gì, nhớ cái gì". Chúng nhỏ, nhưng chúng hiểu hết, nhớ hết và cũng ám ảnh hết cả đấy, nhất là những lời không nên được nói ra từ chính miệng của những người mà chúng yêu thương nhất.
Mọi thứ đơn giản không chỉ là nước mắt và tiếng khóc khi bị mắng ngay lúc đó đâu, mà nó hoàn toàn có thể biến thành những vết dao làm tổn thương tâm hồn non nớt của trẻ đến mãi về sau.
Thế nên, dù có tức giận đến đâu, xin bố mẹ cũng đừng bao giờ nói ra những lời dưới đây:
"Mẹ không cần mày nữa, đẻ thêm một đứa khác rồi cho mày ra rìa."
Đã bao nhiêu lần người ta phải cầu cứu về câu đùa vô thưởng vô phạt nhưng lại có sức sát thương vô cùng lớn này rồi. "Ra rìa" tức là gì? Tức là bị vứt bỏ, không được yêu thương, không được quan tâm tới nữa. Dù chỉ là đùa, nhưng quan trọng là đứa trẻ không hiểu được và từ đó hình thành tâm lí sợ hãi bị vứt bỏ
Không chỉ có vậy, sẽ chẳng có lợi chút nào khi trẻ phải nghe nhiều đến thuộc lời dọa dẫm này mà đón em mình chào đời. Tệ hơn bố mẹ tưởng tượng, trẻ sẽ ghét em bé vì sự xuất hiện của em đe dọa đến vị trí của trẻ trong lòng bố mẹ.
"Tao làm gì có đứa con nào dốt như mày?"
Một lời kinh khủng hơn tất cả đòn roi mà trẻ phải gánh chịu từ chính bố mẹ của mình. Câu nói này không những móc nhiếc, khiển trách mà còn phủ định hoàn toàn sự tồn tại của con trong lòng bố mẹ. Nói ra câu này, hẳn là do bố mẹ đã đặt quá nhiều kì vọng ở con đến nỗi trở nên tiêu cực.
Sau khi nghe xong câu này, hẳn trẻ sẽ nhớ mãi và không thể thoát ra khỏi cảm giác vô dụng, kém cỏi của bản thân, biến thành "bóng ma" tâm lí cho quá trình lớn lên về sau.
"Loại như mày thì làm sao mà làm được?"
Khi con cái chưa bắt đầu thử cố gắng làm việc gì đó, bố mẹ đừng bao giờ nên phủ nhận hoàn toàn khả năng của trẻ. Điều đó có thể là quá sức hay năng lực của trẻ chưa đủ, thế nhưng ngay lập tức tạt một gáo nước lạnh vào trẻ sẽ khiến con sinh ra tâm lí tự ti, yếu đuối và sợ hãi trước mọi việc. Trẻ sẽ luôn nghĩ: "Bố mẹ đã nói thế thì mình làm sao mà làm được."
"Có đúng thì vẫn là con, cấm mở mồm ra cãi."
Bố mẹ luôn cho rằng mình là bố mẹ, nên nhất nhất không bao giờ chịu nhận sai trước con cái nếu không sẽ khó dạy dỗ về sau. Thế nhưng trẻ con cũng có những nỗi niềm, những quan điểm của chúng cần được thấu hiểu và ghi nhận. Đứng trước một vấn đề, hãy cho trẻ được quyền lên tiếng trước khi chỉ trích và "đánh phủ đầu" chúng bằng những lời mắng nhiếc.
Chỉ cần chúng vẫn chịu lắng nghe bố mẹ nói và lên tiếng với thái độ đúng mực, đó không phải là "cãi" mà là quyền được biểu đạt ý kiến. Nếu ngay cả trong chính gia đình mình, trẻ không được nói lên những gì chúng muốn, sau này ra ngoài xã hội, chúng cũng sẽ không có dũng khí để bảo vệ chính mình.
"Sao mày không được như con nhà người ta?"
Câu nói tối kị và gây sát thương nhất mà bố mẹ có thể dành cho trẻ chính là đây. Nhưng đáng buồn đó lại là câu cửa miệng của kha khá bậc phụ huynh Việt Nam. Chẳng ai biết "con nhà người ta" là ai, thế nhưng ám ảnh về sự kém cỏi của bản thân sẽ đeo bám trẻ mãi về sau chỉ vì nhân vật không có thật này. Trẻ không chỉ luôn cảm thấy tự ti mà còn dễ dàng sinh ra thói ghen tị, so sánh với người khác.
bậc phụ huynh, dạy con, bố mẹ, con cái, sát thương