Mẹ & bé

Hành trình kỳ diệu của bà mẹ bị tiền sản giật có nguy cơ đình chỉ thai nhưng đánh cược mọi giá sinh con ở tuần 27

Bác sĩ nói nếu chị còn tiếp tục giữ thai thì khả năng sẽ không giữ được cả mẹ, cả con. Bệnh tiền sản giật của mẹ nặng, con còn quá non, huyết áp cao quá có thể vỡ mạch máu não...

Chặng đường một năm đầu tiên làm mẹ của chị Kim Tiến (24 tuổi, hiện sống tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đặc biệt hơn rất nhiều so với những người mẹ khác. Bởi thay vì êm đềm ôm ấp và chăm sóc con, thì chị Tiến lại phải chịu đủ mọi cung bậc cảm xúc từ tuyệt vọng, hi vọng, đau đớn tột cùng cho đến khi được vỡ òa trong hạnh phúc ngày nhìn con yêu phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác.

Để rồi khi chia sẻ lại câu chuyện của mình, chị chỉ có một tâm niệm: "Hi vọng mình có thể truyền được một chút cảm hứng đến những người đã, đang và sắp làm mẹ, để họ có niềm tin hơn vào sự mãnh liệt của tình mẫu tử".

Tiền sản giật nặng ở tuần 24 và nguy cơ bị đình chỉ thai

Hai tháng sau khi kết hôn, chị Tiến có bầu. Mọi chuyện tiến triển bình thường cho đến tuần thai thứ 23-24 thì chị bắt đầu có dấu hiệu phù chân, phù mặt, đi lại chân rất đau và nhức. Khi đi đăng kí sinh ở Trạm y tế xã, chị được nhân viên y tế phát hiện huyết áp cao hơn bình thường (khoảng 170/110).

Hành trình kỳ diệu của bà mẹ bị tiền sản giật có nguy cơ đình chỉ thai nhưng đánh cược mọi giá sinh con ở tuần 27 - Ảnh 1.

Những dấu hiệu phù nề xuất hiện ngay khi Kim Tiến mang thai 23 - 24 tuần.

Ngày 10/04/2017, vợ chồng chị đi khám ở viện Phụ sản Trung ương và nhập viện ngay hôm đó với huyết áp 180/110, protein niệu cao bất thường, được xác định là tiền sản giật nặng. Bệnh tiền sản giật thường gặp ở sản phụ ở từ tuần thai 30 trở đi, chị Tiến là bệnh nhân sớm nhất bị ở tuần thai 24, em bé cũng có tuổi thai ít nhất.

Nhập viện, chị được nằm ở khoa bệnh nặng, được chú ý theo dõi hàng ngày kể cả ngày nghỉ, đo huyết áp liên tục. Lấy máu nhiều đến nỗi tay chị xanh tím vì vỡ ven. 2 tuần truyền thuốc hạ áp, cơ thể quá tải đến nỗi nổi hết đằng sau lưng như 1 mảng cơm cháy. Mỗi lần tắm đến mình còn nổi cả da gà.

Suốt 2 tuần đó, mỗi buổi sáng thời điểm bác sĩ thăm khám là lúc chị đau lòng nhất, suy sụp nhất khi nghe bác sĩ nói về tình trạng của mẹ và con. Lúc ấy bé mới được 800g, tuổi thai 25 tuần.

Dần quen với thực tế, quen với những lời "cay nghiệt " của bác sĩ, chị Tiến lấy lại được tinh thần, cố gắng ăn thật nhiều, thật vui vẻ. Mỗi lúc khóc là lấy hoa quả ra ăn để quên đi. Chị tâm sự: "Mỗi lần tắm mình lại xoa bụng rồi nói: ‘Cố lên nhé con trai. Mẹ con mình phải gặp nhau. Mẹ con mình cùng cố gắng’".

Hành trình kỳ diệu của bà mẹ bị tiền sản giật có nguy cơ đình chỉ thai nhưng đánh cược mọi giá sinh con ở tuần 27 - Ảnh 2.

Lưng bị nổi mụn do truyền quá nhiều thuốc.

Hành trình kỳ diệu của bà mẹ bị tiền sản giật có nguy cơ đình chỉ thai nhưng đánh cược mọi giá sinh con ở tuần 27 - Ảnh 3.

Đơn xin giữ thai.

Rồi đến lúc, khoa yêu cầu viết giấy cam kết: Một là đình chỉ thai nghén, hai là giữ thai. Không cần suy nghĩ, vợ chồng chị quyết định giữ thai với niềm tin và hi vọng mãnh liệt.

Đến tuần thứ 26, con tăng lên đạt 1000g. Mỗi đêm đi ngủ chị đều xoa bụng nói chuyện với con, lấy điện thoại mở xem ảnh qua siêu âm của con để lấy động lực, lấy hi vọng, lấy niềm tin.

Tuần thứ 27, siêu âm thai vẫn giữ ở mốc 1000g. Lời cảnh báo của bác sĩ siêu âm như "sét đánh ngang tai" chị. Bác sĩ nói nếu chị còn tiếp tục giữ thai thì khả năng sẽ không giữ được cả mẹ, cả con. Thai ở trong bụng càng lâu mẹ càng bị suy gan, suy thận... và thai càng suy dinh dưỡng. Bệnh mẹ nặng, con còn quá non, huyết áp cao quá có thể vỡ mạch máu não...

Lúc ấy chị Tiến thực sự sốc. Nhưng rồi chị bình tâm trở lại và đưa ra quyết định sẽ mổ vào ngày 25/4/2017. Chị lên bàn mổ với huyết áp là 180/110. Thuốc gây mê, gây tê đi vào cơ thể, chị mơ màng. Ít phút trôi qua, khi bác sĩ mổ kêu lên "Trộm vía 1000g", chị nghe mà mừng rơi nước mắt. Em bé chào đời lúc 27 tuần, chỉ nặng vỏn vẹn 1kg.

Hành trình kỳ diệu của bà mẹ bị tiền sản giật có nguy cơ đình chỉ thai nhưng đánh cược mọi giá sinh con ở tuần 27 - Ảnh 4.

Bé con non nớt trong phòng hồi sức.

Hành trình kỳ diệu của bà mẹ bị tiền sản giật có nguy cơ đình chỉ thai nhưng đánh cược mọi giá sinh con ở tuần 27 - Ảnh 5.

Mẹ được vào ấp kangaroo với con.

Sau khi mổ, do bệnh tiền sản giật từ trước đó nên chị Tiến không đi lại được sớm như nhiều mẹ sinh mổ khác. Chị tiếp tục phải truyền thuốc giảm đau, thuốc hạ áp. Dần dần huyết áp hạ xuống, chân tay không bị phù nề nữa. Chị nằm lại viện 1 tuần thì được cho về.

Trước khi xuất viện, chị xuống thăm con ở phòng hồi sức tích cực mà tâm trạng rối bời: "Đứng trước cửa phòng con, nước mắt mình chảy như mưa, cô hộ sinh phải dìu mình. Con quá bé nhỏ, đỏ hỏn, phổi đập phập phồng, nhìn thấy rõ từng mạch máu nhỏ qua làn da rất mỏng manh, trên người dây rợ chằng chịt vì con đang phải thở bằng máy, ăn bằng ống xông".

Hành trình nuôi con khôn lớn từ em bé 1kg đến nay đã tròn 1 tuổi

Vợ chồng chị Tiến thuê phòng trọ gần viện để tiện vắt sữa mang vào cho con, đều đặn ngày 6 cữ sữa. Những tưởng thế đã là vất vả lắm rồi nhưng hết khó khăn này chị lại phải đối mặt với khó khăn khác. Do lạm dụng máy vắt sữa, chị Tiến bị viêm vú, hết bên này sang bên khác, bị đi bị lại tới 3 lần và phải dùng kháng sinh nặng để điều trị.

Thời điểm còn nằm ở viện, mỗi lần bé chỉ ăn được 2-3ml sữa, rồi tăng dần lên 20 - 30ml. Cứ thế, sau 2 tuần ở phòng hồi sức tích cực, 1 tháng ở phòng hồi sức, bé tăng từng lạng 1, từng hoa 1. Với vợ chồng chị, đó là những ngày dài đằng đẵng…

Hành trình kỳ diệu của bà mẹ bị tiền sản giật có nguy cơ đình chỉ thai nhưng đánh cược mọi giá sinh con ở tuần 27 - Ảnh 6.

Ngày em bé vẫn phải nằm viện, mẹ ở phòng trọ.

Hành trình kỳ diệu của bà mẹ bị tiền sản giật có nguy cơ đình chỉ thai nhưng đánh cược mọi giá sinh con ở tuần 27 - Ảnh 7.

Tiến Quang - con trai chị Kim Tiến xuất viện sau 45 ngày điều trị.

Tròn 1 tháng rưỡi, bé con mới được xuất viện và nặng 1,5kg. Ra viện, vợ chồng chị thuê khách sạn ở gần viện để theo dõi và chờ ngày kiểm tra lại cho con. Vì con còn rất non nớt nên mỗi lần tắm, chị phải thuê y tá tắm cho bé. Việc chăm sóc con cũng phải liên tục 24/24h, chị và mọi người trong nhà thay nhau trông con vì sợ con sinh non, nguy cơ bị ngừng thở hoặc tím tái là rất cao. Thời điểm này, con vẫn chưa biết bú, bà mẹ trẻ tiếp tục hành trình vắt sữa và bón từng thìa cho con.

1 tuần ở khách sạn, con tăng được 2 lạng, đạt mốc 1,7kg. Khi đi khám lại, bác sĩ kiểm tra tai, mắt, tim, phổi, con đều phát triển bình thường. Và rồi ngày con được chính thức về nhà cũng đến. "Sau đó là chuỗi ngày bên con. Vất vả có, nước mắt có, tủi hờn cũng có. Nhưng tất cả là may mắn, là hạnh phúc tận cùng", chị Kim Tiến tâm sự.

Hành trình kỳ diệu của bà mẹ bị tiền sản giật có nguy cơ đình chỉ thai nhưng đánh cược mọi giá sinh con ở tuần 27 - Ảnh 8.
Hành trình kỳ diệu của bà mẹ bị tiền sản giật có nguy cơ đình chỉ thai nhưng đánh cược mọi giá sinh con ở tuần 27 - Ảnh 9.
Hành trình kỳ diệu của bà mẹ bị tiền sản giật có nguy cơ đình chỉ thai nhưng đánh cược mọi giá sinh con ở tuần 27 - Ảnh 10.
Hành trình kỳ diệu của bà mẹ bị tiền sản giật có nguy cơ đình chỉ thai nhưng đánh cược mọi giá sinh con ở tuần 27 - Ảnh 11.
Hành trình kỳ diệu của bà mẹ bị tiền sản giật có nguy cơ đình chỉ thai nhưng đánh cược mọi giá sinh con ở tuần 27 - Ảnh 12.

Tiến Quang của thời điểm hiện tại khi đã tròn 1 tuổi.

Trong 1 năm qua, vợ chồng chị Tiến cũng phải cùng con nằm viện 2 đợt, cả hai đợt con đều bị viêm phổi. Hiện tại, bé con đã được 1 tuổi, hiểu chuyện và trộm vía ngoan ngoãn, đáng yêu, nặng 8,5kg.

Chia sẻ câu chuyện của mình, người mẹ đầy dũng cảm muốn nhắn nhủ các mẹ đã, đang và sắp làm mẹ rằng mọi khó khăn rồi cũng sẽ vượt qua hết. Dù lúc đấy tưởng chừng như mất phương hướng, thất vọng bế tắc nhưng có sự đồng lòng của hai vợ chồng, cùng nhau bước đi thì khi nhìn lại, không gì là không thể.

aFamily

tiền sản giật, làm mẹ, sinh non, mang thai sau sinh, mang thai, sinh con


      © 2021 FAP
        1,250,806       647