Từ nhỏ người Do Thái đã dạy con rèn luyện tính độc lập, tự suy nghĩ, không ngừng học hỏi, để chuẩn bị cho sự phát triển tương lai sau này.
Chuyện giấu con thần đồng của một gia đình Do Thái
Sinh năm 1881, Theodore von Kármán là nhà khoa học chuyên ngành khí động lực trong một gia đình Do Thái ở Hungary. Từ hồi nhỏ, von Kármán đã sớm bộc lộ trí thông minh. Khi lên 6 tuổi, cậu bé Kármán có thể tính nhẩm những phép nhân phức tạp nhanh hơn cả người anh trai mình làm tính trên giấy.
Người anh trai phát hiện ra tài năng của cậu, liền chạy đến nói với cha: "Cha ơi, Kármán có thể lập tức nói ra kết quả phép nhân ba số với nhau. Chúng ta hãy đưa em đến chỗ đông người biểu diễn, sau đó thu phí xem biểu diễn của họ".
"Không, cha không thể làm vậy với em con". Người cha từ chối.
"Tại sao? Tài năng này của em chắc chắn sẽ khiến nhiều người kinh ngạc, chúng ta sẽ kiếm được nhiều tiền". Người anh tiếp tục thuyết phục cha.
"Em con chỉ thông minh một chút thôi, nếu em con cứ sống trong sự ca tụng, sẽ không bao giờ học được cái mới nữa, cuối cùng chỉ có thể biến thành kẻ hiểu biết nửa vời, không có được thành công gì cả". Cha nói với cậu con trai cả.
Ngày hôm sau, cha dẫn Kármán đến nhà một tiến sĩ nọ theo học địa lí, lịch sử, văn học, đồng thời nói với Kármán, không được chơi trò chơi toán học nữa. Khi Kármán hơn 20 tuổi, cha mới cho phép cậu học lại toán học.
Nhiều năm sau, Kármán trở thành một nhà lãnh đạo xuất sắc trong ngành hàng không. Điều đáng quý là ông có một tinh thần nhân văn sâu sắc, mà sự giáo dục này đều được lĩnh hội từ cha ông.
Người Do Thái có cách giáo dục đặc biệt với con cái. Từ nhỏ họ đã dạy con rèn luyện tính độc lập, tự suy nghĩ, không ngừng học hỏi, để chuẩn bị cho sự phát triển tương lai sau này. Giống như cha của Kármán, ông đã mời rất nhiều chuyên gia ở nhiều lĩnh vực đến dạy cho con, điều này rất thường gặp ở gia đình Do Thái. Họ luôn coi trọng giáo dục, thông qua giáo dục bồi dưỡng tài năng cho trẻ, giúp trẻ có một tương lai thành công.
Theodore von Kármán.
Cách dạy con đặc biệt
Sự coi trọng giáo dục và cách thức giáo dục con cái của cha mẹ Do Thái giúp cho trẻ từ nhỏ đã có kiến thức phong phú, vốn hiểu biết sâu rộng. Những điều này đều giúp ích cho trẻ, trẻ sẽ đạt được những thành công trong tương lai. Sigmund Freud, Albert Einstein, Pablo Ruiz Picasso… đều là những vĩ nhân có cống hiến lớn cho thế giới, tất cả họ đều xuất thân trong gia đình Do Thái.
Dạy trẻ học cách độc lập
Trong gia đình Do Thái, cha mẹ đặc biệt coi trọng khả năng độc lập của trẻ. Họ không chỉ giao cho con làm việc nhà để nâng cao tính tự lập cho con, mà còn tận dụng cơ hội dạy con ý thức độc lập. Ví dụ, khi trẻ thử tự mặc quần áo, cha mẹ Do Thái sẽ hướng dẫn và cổ vũ trẻ. Mục đích là để trẻ qua sự cố gắng của mình, hiểu được tầm quan trọng của tính độc lập, từ đó không dựa dẫm, ỷ lại vào cha mẹ.
Đặc biệt, người Do Thái cho rằng, để trẻ thực sự học được cách độc lập, trước tiên cần tôn trọng trẻ. Vì thế, thông thường, cha mẹ sẽ để ý đến suy nghĩ của trẻ trước khi yêu cầu trẻ làm việc gì đó. Cha mẹ thường tôn trọng lựa chọn của trẻ, tích cực cổ vũ trẻ dựa vào khả năng của bản thân.
Coi trọng suy nghĩ và tài năng của trẻ
Mọi người đều biết, người Do Thái không chỉ chú trọng đến kiến thức đã học, mà còn chú trọng đến tài năng thiên bẩm. Cha mẹ đã dạy trẻ từ nhỏ cần kết hợp kiến thức với tài năng, như vậy trẻ mới có thể đạt được thành công. Nếu chỉ có kiến thức mà không có tài năng thì chỉ là kiến thức rỗng, khó phát huy được giá trị đích thực.
Ngoài ra, họ còn coi trọng sự sáng tạo. Cha mẹ luôn cổ vũ trẻ khi học tập, cần học cách suy nghĩ, dũng cảm nghi ngờ và đặt câu hỏi, đưa ra quan điểm của bản thân. Cha mẹ Do Thái cho rằng suy nghĩ là chìa khóa của trí tuệ, dũng cảm suy nghĩ và đặt câu hỏi mới biết được chân lí, còn việc học tập mà không suy nghĩ chỉ là sự bắt chước máy móc.
Trong gia đình Do Thái, cha mẹ đặc biệt chú ý đến việc trò chuyện với trẻ, trả lời những thắc mắc, băn khoăn của trẻ, để từ nhỏ trẻ đã được cha mẹ hướng dẫn. Trong quá trình nói chuyện, cha mẹ sẽ rèn luyện khả năng biểu đạt và khả năng logic cho trẻ. Đây là nguyênm nhân giúp người Do Thái có tư duy biểu đạt và giao tiếp ấn tượng.
Phương pháp dạy dỗ đặc biệt của người Do Thái là chuẩn bị tâm lí và rèn luyện phẩm chất cho con đối mặt với những khó khăn trong tương lai. Từ nhỏ trẻ đã được dạy rằng, cho dù xã hội có thay đổi thế nào, cuộc sống có tàn khốc ra sao, thì nơi đáng tin cậy nhất chính là bản thân mình. Chỉ có không ngừng phấn đấu và rèn luyện, con mới có thể vượt qua mọi khó khăn, dũng cảm tiến lên. Vì sự thành công trong tương lai của trẻ, cha mẹ nên học theo người Do Thái, dạy dỗ con cái vì tương lai của chúng.
người Do Thái, nhà khoa học, trí thông minh