Cho dù vì bất cứ lí do gì, cha mẹ đều cần phải lưu ý kĩ những việc nên và không nên làm khi cho trẻ bú bình để đảm bảo vệ sinh và an toàn cho trẻ.
Bình sữa là 1 công cụ hữu ích với đầu núm mềm và tạo hình như vú mẹ, giúp tạo cảm giác thân quen và bé có thể ăn sữa dễ dàng trong những trường hợp bé không được bú mẹ trực tiếp nữa. Tuy nhiên, việc đảm bảo vệ sinh sạch sẽ và an toàn khi cho bé sử dụng bình để uống sữa là những điều quan trọng mà bất cứ ông bố bà mẹ nào cũng không được lơ là.
Bú bình là lựa chọn phù hợp khi bé không thể bú mẹ trực tiếp. (Ảnh minh họa)
Dưới đây là những việc cha mẹ cần làm khi cho trẻ bú bình:
- Đảm bảo chọn loại sữa đúng độ tuổi với con: Nếu bé uống sữa công thức, cha mẹ hãy đảm bảo việc lựa chọn loại sữa đúng với độ tuổi của con. Mỗi giai đoạn phát triển của trẻ sẽ có công thức sữa khác nhau. Ví dụ, sữa cho trẻ sơ sinh (giai đoạn 1) thường là whey-dominant tức là thiên về nước sữa. Trẻ từ 6 tháng thì thành phần sữa chứa nhiều casein, được sản xuất dựa trên thực tế là trẻ giai đoạn này bắt đầu tập ăn dặm và có thêm nguồn dinh dưỡng từ thức ăn đó. Sữa dành cho trẻ ở giai đoạn 3 sau đó cũng lại khác so với 2 loại trước, bổ sung thêm chất dinh dưỡng như DHA và sắt. Vì vậy việc lựa chọn đúng loại sữa vô cùng quan trọng tới sự phát triển của trẻ.
- Kiểm tra hạn sử dụng và tỷ lệ pha: Trước khi pha sữa cho bé, cha mẹ hãy kiểm tra ngày hết hạn của sữa đồng thời chắc chắn pha đúng tỉ lệ công thức nước và sữa theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Khử trùng bình sữa: Bình sữa, núm bú, tay cầm của bình phải được vệ sinh sách sẽ trước khi dùng để pha sữa cho bé uống. Cha mẹ cũng có thể dùng thiết bị khử trùng để vệ sinh bình sữa cho con.
- Kiểm tra nhiệt độ trước khi cho bé uống: Sữa cho bé uống chỉ nên ở mức ấm, không được quá nóng hoặc quá lạnh. Nếu cha mẹ hâm nóng sữa cho bé hoặc pha sữa mới, hãy nhỏ thử vài giọt lên mu bàn tay để kiểm tra độ ấm nóng của sữa rồi mới cho bé ăn.
- Đảm bảo tư thế bú đúng, thoải mái: Khi cho bé bú bình, cha mẹ cần để trẻ bú trong tư thế thoải mái và an toàn như là để đầu của bé nằm trong vòng tay của bạn, mặt của bé quay về phía bạn. Vị trí này cũng tạo điều kiện da tiếp da tốt nhất, bé có thể nhìn cha mẹ trong tầm mắt. Lưu ý để đầu của bé cao hơn so với người để tránh sữa chảy ngược lại cổ họng sang tai, gây nhiễm trùng tai.
- Nghiêng bình sao cho sữa lấp đầy núm bình: Khi bé bú, cha mẹ hãy nghiêng bình sao cho sữa lấp đầy núm bình để hạn chế khả năng không khí lọt vào và bé hít phải, giảm hiện tượng đầy bụng, khó chịu cho bé.
- Bảo quản sữa đúng cách: Khi bé đã uống sữa trong bình thì không nên bảo quản để dùng nữa vì sữa đã bị bẩn. Sữa mới pha trong vòng 2 tiếng có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, lưu ý để sâu bên trong để bình sữa được làm lạnh tốt hơn.
- Vỗ ợ hơi cho bé: Trong quá trình bú, có một lượng không khí bé hít phải và có thể làm bé bị đầy bụng, tiêu hóa kém. Để tranh hiện tượng này, sau khi bú khoảng 5 phút, cha mẹ hãy giúp bé ợ hơi bằng cách bế áp ngực bé vào ngực mẹ, đặt cằm bé lên vai mẹ, sau đó vỗ nhẹ nhàng lên lưng để bé ợ hết hơi trọng bụng ra.
Sau khi ăn sữa xong khoảng 5 phút, cha mẹ hãy giúp bé ợ hơi để giải phóng lượng khí bé đã hít phải (Ảnh minh họa).
Những việc cha mẹ cần tránh
- Hâm sữa bằng lò vi sóng: Nhiệt độ cao của lò vi sóng sẽ làm mất 1 số chất dinh dưỡng có trong sữa. Ngoài ra, hâm sữa bằng lò có thể khiến bé bị bỏng do sữa quá nóng.
- Giữ lại phần sữa thừa: Cha mẹ không nên giữ lại phần sữa bé uống thừa để sử dụng tiếp mà hãy đổ bỏ. Sữa mới nếu pha và để quá 2 tiếng cũng không nên cho trẻ uống nữa.
- Ép con uống hết bình sữa: Không giống như khi bú mẹ là trẻ có thể tự điều chỉnh lượng sữa trẻ muốn ăn, trái lại khi bú bình, cha mẹ có xu hướng ép bé uống hết phần sữa trong bình kể cả khi trẻ đã no. Điều này hoàn toàn không nên bởi nguy cơ trẻ sẽ bị ăn quá no, lâu dài có thể mắc béo phì và các bệnh về tiêu hóa.
- Tự cắt thêm đầu núm bình: Một số cha mẹ tự cắt hoặc chọc núm bình cho to thêm để bé bú được nhiều hơn. Việc làm này có thể gây nguy hiểm bởi cha mẹ không thể kiểm soát được lượng sữa chảy ra qua lỗ cắt thêm đó, thậm chí miếng cắt có thể bị rơi vào trong bình làm bé bị hóc, nghẹt đường thở.
- Để bé ngậm bình đi ngủ: Cha mẹ không nên để bé ngậm bình sữa đi ngủ bởi nguy cơ sâu răng rất cao, và nếu bình rơi ra dễ làm bé giật mình. Hãy bỏ bình ra khỏi miệng bé trước khi ngủ để bé có giấc ngủ sâu và đảm bảo vệ sinh cho bé.
- Để bé tự uống 1 mình: Mặc dù bé đã đủ lớn và có thể tự giữ bình sữa để uống, nhưng cha mẹ không nên bỏ mặc để bé tự uống 1 mình bởi nguy cơ bé bị sặc vẫn có thể xảy ra. Vì vậy bé vẫn cần có sự giám sát của cha mẹ.
Nguồn: Parent
bú bình, cho con bú bình, cho con bú bình an toàn, bú bình đúng cách