Mẹ & bé

Tắm nước gừng chữa ho cho trẻ: Nguy hiểm tính mạng

Bài thuốc trị ho cho trẻ khỏi dứt điểm sau 3 ngày bằng cách tắm gừng của các mẹ được lan truyền rộng rãi trên mạng, nhưng nó lại tiềm ẩn những nguy hại khôn lường.

Sổ mũi, ho là bệnh thường gặp của trẻ nhỏ, nhất là trong mùa đông, do nhiều nguyên nhân như sức đề kháng yếu, tiết trời chuyển mùa.

Với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay, nhiều trẻ nhỏ bị ho, sổ mũi. Cùng với đó, các bà mẹ lan truyền nhau cách chữa ho cho con khỏi sau 3 ngày, bằng bài thuốc từ gừng như: Ngâm chân bằng nước gừng, massage bằng nước gừng, tắm bằng nước gừng.

Theo chia sẻ của bà mẹ có tên N.N trên mạng xã hội, phương pháp trị ho, sổ mũi cho trẻ với nguyên liệu chính là từ gừng như sau: Cho gừng tươi vào cối giã nhỏ, sau đó nấu chung với 1 lít nước và muối hột. Khi nước sôi thì vặn nhỏ lửa, để chừng 5 phút cho tinh chất gừng ra hết, tắt bếp và để nguội khoảng 40 độ là có thể sử dụng được.

Tắm nước gừng chữa ho cho trẻ: Nguy hiểm tính mạng - Ảnh 1.

Bài thuốc trị ho bằng gừng được các bà mẹ áp dụng.

Về cách dùng, bà mẹ N.N chia sẻ: “Trước khi đi ngủ, mẹ hãy đổ nước gừng ấm vừa đun ra thau để ngâm chân cho bé, vừa ngâm vừa massage gan chân cho con, nếu mẹ biết huyệt dũng huyền thì bấm cho con sẽ có tác dụng nhanh hơn. Tuy nhiên, nếu không biết thì mẹ chỉ cần massage chân cho bé là đủ.

Khi nước hết ấm, mẹ lấy chân con ra đặt vào khăn sạch, lau khô 2 chân con, tiếp tục nhẹ nhàng massage bằng dầu khuynh diệp hoặc dầu tràm để dầu thấm và lan tỏa vào các huyệt đạo ở chân bé. Sau đó mang tất chân cho con rồi đi ngủ.

Người mẹ này cho rằng: "Kiên trì sử dụng đều đặn mỗi ngày một lần, trong 3 ngày  Kliên tiếp các triệu chứng ho, sổ mũi của bé sẽ khỏi hẳn”.

Ngoài ra, bà mẹ N.N còn chia sẻ, khi trẻ đang bị ốm có thể tắm cho bé mỗi ngày bằng nước gừng. Còn để phòng bệnh chỉ cần tắm nước gừng 1 tuần 2 – 3 lần vào mùa hè hoặc tắm mỗi ngày vào mùa đông. Tắm bằng gừng giúp trẻ giữ ấm phổi, cơ thể luôn ấm áp phòng bệnh rất tốt.

“Giã gừng thật nát, cho vào 1 bát nước sôi, để chừng 15phút, sau đó pha cả gừng và nước gừng vào chậu nước ấm tắm cho con. Các mẹ nên chọn chậu tắm sâu lòng một chút, thả con ngập gần ngực luôn, chú ý tắm trong phòng kín gió.

Sau khi tắm, lau khô người cho bé, bạn có thể dùng tinh dầu tràm thoa dưới gan lòng bàn chân, trước ngực và sau lưng để giữ ấm cho bé”, đây cách tắm cho trẻ mà bà mẹ N.N chia sẻ trên mạng xã hội.

Để làm rõ hơn về công dụng của cách tắm, cách giữ ấm, trị ho mà các bà mẹ đang truyền tai nhau, PV VTC News trao đổi với Ths.BS Nguyễn Thị Thúy Hằng (Khoa Điều trị Tự nguyện C, Bệnh viện Nhi Trung ương).

Bác sĩ Hằng cho biết: “Gừng là một vị thuốc, có tính ôn, vị cay. Bài thuốc tắm nước gừng là kinh nghiệm dân gian mà chưa có một nghiên cứu khoa học, bằng chứng lâm sàng”.

Bác sĩ Thúy Hằng cho biết thêm, trẻ bị ho, sổ mũi có rất nhiều nguyên nhân như: viêm phổi, viêm họng, viêm phế quản hay ho do lạnh. Mỗi một nguyên nhân gây bệnh cho trẻ có phương pháp chữa khác nhau.

Bác sĩ khuyến cáo, các mẹ nên đưa bé tới phòng khám, bệnh viện gần nhất để tìm ra nguyên nhân gây bệnh cho trẻ và chữa trị đúng cách.

Ví như trẻ bị ho do cảm lạnh thì chỉ cần giữ ấm cho trẻ, sức đề kháng của trẻ khỏe lên thì bệnh tự khỏi mà không dùng đến thuốc.

Còn nếu như trẻ bị ho do các nguyên nhân khác thì việc tắm cho trẻ bằng nước gừng không trị được bệnh. Bệnh càng để lâu sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Còn theo Bác sĩ Đông y Trần Thịnh (Viện Y học cổ truyền quân đội): “Sử dụng gừng để tắm cho trẻ không tốt nếu như trẻ ở tạng nóng hay nở miệng, táo bón. Những trẻ bị ra nhiều mồ hôi hoặc đang ra mồ hôi, tắm bằng nước gừng sẽ làm trẻ ra mồ hôi nhiều thêm, mất cân bằng âm dương, rất có hại cho cơ thể.

Không những vậy, khi mồ hôi ra nhiều gây mất nước, mất điện giải. Đặc biệt, da của trẻ rất nhạy cảm, nếu như sử dụng quá nhiều gừng có thể gây ảnh hưởng xấu đến da.

Ngoài ra, trẻ rất dễ bị nhiễm lạnh bởi khi tắm lỗ chân lông mở ra làm cho gió độc xâm hại vào cơ thể gây cảm lạnh”.

aFamily

gừng, tắm trẻ, tắm bé sơ sinh, nuôi con


      © 2021 FAP
        1,320,309       424