Tất cả những gì lớn lên, đang căng ra và thay đổi khi mang thai không biến mất chỉ trong một đêm sau khi sinh.
Những bà mẹ một con (và thậm chí cả những bà mẹ "kỳ cựu") thường ngạc nhiên trước sự thay đổi của cơ thể trong vòng chín tháng mang thai. Trong thời gian đó, cơ thể phải căng ra để vừa vặn cho em bé đang hình thành, phải cung cấp nguồn dinh dưỡng, chất xám, và còn phải chuẩn bị để nuôi dưỡng em bé trong những tháng sắp tới nữa.
Tất cả những gì lớn lên, đang căng ra và thay đổi đó không biến mất trong một đêm sau khi sinh. Trên thực tế, cơ thể của đa số phụ nữ không bao giờ trở về lại kích thước và hình dáng ban đầu, trước khi mang thai. Một số thay đổi sẽ mất đi một thời gian sau khi hạ sinh, một số khác sẽ tồn tại vĩnh viễn. Bạn đừng ngạc nhiên nhé.
1. Đường màu nâu từ mu đến rốn
Nếu bạn nằm trong số 75% phụ nữ trong thời kỳ mang thai có xuất hiện đường nâu Linea Nigra kéo dài từ phần mu đến rốn và có thể lên cao hơn, thì bạn đừng lo lắng vì đường nâu này sẽ nằm trên bụng trong khoảng một năm sau khi sinh con.
Nếu đường nâu này làm bạn buồn phiền, hãy thử chà một ít nước chanh vào đó, và hãy tránh xa các loại kem tẩy trắng vì chúng thường có chứa hydroquinone, chất này chưa được chứng minh là an toàn khi sử dụng nếu bạn đang mang thai hoặc đang cho con bú. Đường linea nigra này thường không ảnh hưởng đến sức khoẻ của người mẹ và nó có thể trở lại trong lần mang thai kế tiếp.
2. Tách cơ
Diastasis rectus là một thuật ngữ dùng để chỉ việc cơ bụng bị tách ra. Hiện tượng này có thể xảy ra ở khoảng 2/3 phụ nữ mang thai. Khi bụng to lên, các cơ bụng di chuyển ra xung quanh, để trừa lại một khoảng trống ở giữa.
Một khi em bé đã được sinh ra và dạ dày của người mẹ bắt đầu co lại, khoảng trống đó sẽ từ từ đóng lại, nhưng cho đến khi bác sĩ khẳng định rằng việc tách cơ đã được phục hồi, bạn nên cẩn thận khi tập cơ bụng nhé. Ép bản thân quá nhiều và quá sớm có thể gây tổn hại lên cơ và khiến cơ không thể tự chữa lành đúng cách.
3. Da bụng sần sùi
Sau khi phần da vùng bụng phải căng ra hết cỡ thì nó sẽ cần một thời gian để trở lại hình dạng trước đó. Bạn cần phải cho cơ thể mình thời gian để phục hồi sau những khốc liệt của việc sinh đẻ trước khi quay trở lại phòng tập gym.
4. Rụng tóc
Trong thời kỳ mang thai, nhiều phụ nữ nhận thấy sự gia tăng độ dày của tóc. Điều này là do những thay đổi ở hoóc môn kiểm soát phần mọc và rụng tóc. Một khi em bé được sinh ra và mọi hoóc môn trong cơ thể đã trở lại bình thường, bạn sẽ bắt đầu rụng hết tất cả những phần tóc đã mọc thêm đó.
Cũng đừng quá lo lắng, bạn sẽ không bị hói đâu. Các mẹ sẽ thấy mái tóc mình trở lại trạng thái bình thường vào ngày sinh nhật đầu tiên của con.
5. Bàn chân to hơn
Khi mang thai, bàn chân của bạn to lên do những thay đổi hoóc môn để dây chằng không bị quá tải. Đôi khi những dây chằng này sẽ không bao giờ co lại kích thước trước đây.
6. Ngón tay to lên
Nếu nhẫn bị "mắc kẹt" trên tay, đừng nghĩ là bạn có thể tháo chúng ra vào ngày thứ hai sau khi sinh. Vì sưng và tăng cân nên ngón tay sẽ không thể mảnh dẻ hơn trong nhiều tuần hoặc vài tháng. Một số bà mẹ cuối cùng đã phải thay đổi kích thước nhẫn cưới khi ngón tay cứ "mập ú" hoài không chịu giảm cân.
7. Ngực căng và to lên
Bạn có thể dễ dàng nhận thấy cặp ngực của bạn trở nên to hơn và săn chắc hơn trong suốt thời kỳ mang thai để chuẩn bị cho việc sản xuất sữa mẹ. Cho dù bạn dự định cho con bú hay không, thì hãy lên kế hoạch làm quen với tình trạng to ngực trong vài tuần sau khi sinh con.
Lúc mới sinh, ngực thường sản xuất sữa quá mức cần thiết cho nên bạn có thể gặp phải chứng đỏ tấy, đau nhức và ngực căng lên đáng kể.
8. Thay đổi hình dáng cơ thể
Mang thai giúp "tổ chức" lại các cơ quan trong cơ thể, vậy nên nó có thể thay đổi cách cơ thể bạn lưu trữ chất béo. Bạn sẽ dự trữ thêm nhiều chất béo ở chân, mông hoặc vùng bụng sau khi mang thai.
9. Bài tiết mất kiểm soát
Trong thời kỳ mang thai, nhiều phụ nữ phải trải qua việc tiểu tiện mất kiểm soát do trọng lượng của tử cung ép vào bàng quang hoặc phải chịu đựng những cú đá của con. Thật không may, đây là một trong những tác dụng phụ có thể tồn tại cả sau khi sinh.
Sinh con làm yếu cơ sàn chậu, khiến cho bàng quang trở nên nhạy cảm quá mức. Sự không kiểm soát được cũng có thể do tổn thương vùng niệu đạo hoặc các dây thần kinh xung quanh bàng quang kéo dài trong suốt quá trình sinh nở. Bác sĩ có thể đưa ra các bài tập hoặc phương pháp điều trị giúp bạn lấy lại được cơ bắp theo thời gian.
Nguồn: Family
mang thai sau sinh, sau khi sinh, sau sinh, cơ thể sau sinh