Gửi con vào các trường học Nhật Bản, phụ huynh sẽ có một loạt lịch hoạt động dày đặc gắn với nhà trường, và điều này không chỉ giới hạn trong trường học mà còn trong nhiều hoạt động ngoại khóa khác.
"Mỗi tháng tôi phải dành ít nhất một buổi để tới tham dự một hoạt động của con ở trường. Mà đó là ở cấp học mẫu giáo. Lên tới cấp học trung học, viễn cảnh gia đình dùng cơm cuối tuần với nhau xem ra hiếm hoi vì cha mẹ phải chia nhau tới dự các hoạt động ngoại khóa của các con. Phụ huynh chính là một phần không thể thiếu trong các hoạt động giáo dục tại Nhật", một mẹ Việt ở Nhật cho hay.
Nuôi dạy con ở Nhật là một việc không hề dễ dàng đối với bất cứ cha mẹ nào, vì quan niệm truyền thống của xã hội trong việc nuôi dạy con trẻ đặc biệt đòi hỏi sự gắn kết của cha mẹ tới con cái và cũng là tiền đề quyết định chất lượng giáo dục của toàn xã hội. Gửi con vào hệ thống giáo dục Nhật Bản, phụ huynh sẽ có một hệ thống lịch hoạt động dày đặc gắn với nhà trường và điều này không chỉ giới hạn trong hệ thống trường học mà còn trong nhiều hoạt động ngoại khóa khác.
Phụ huynh chính là một phần không thể thiếu trong các hoạt động giáo dục tại Nhật (Ảnh minh họa).
Nhà trường chủ động tạo các hoạt động phong phú
Người Nhật cho rằng sự hiện diện của phụ huynh trong các hoạt động tại trường học có tác dụng cải thiện kết quả học tập và điều chỉnh hành vi đối với con trẻ. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, sự tham gia của phụ huynh có những tác động tích cực đối với sức khỏe tổng thể và năng lực học tập của trẻ em. Vì thế các trường học ở Nhật có nhiệm vụ đưa ra các hoạt động phong phú và đa dạng để phụ huynh có cơ hội trực tiếp tham gia vào việc giáo dục con cái.
Trong mối quan hệ với nhà trường, cha mẹ vừa là người chứng kiến, vừa là tình nguyện viên, vừa là đối tác/giáo viên phụ, vừa là người tham gia học tập và cũng là người ra quyết định trong các hoạt động học tập của trẻ nhỏ. Sự tham gia của phụ huynh không chỉ giới hạn trong các hoạt động học tập (ví dụ như giúp trẻ học bài) và quản lý nhà trường (ví dụ như quyết định trong PTA -hội phụ huynh), mà còn có thể bao gồm sự giao tiếp cởi mở giữa giáo viên và phụ huynh và giữa các cha mẹ với nhau.
Một hoạt động diễn ra hàng năm là phụ huynh học sinh lớp 1 đến dự họp đông đủ để thông qua các chính sách, nội quy, phương hướng hoạt động của trường nơi con em họ sẽ theo học năm tới (Ảnh minh họa).
Trường học Nhật Bản nuôi dưỡng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các trường học/giáo viên và cha mẹ thông qua các hoạt động thường niên và luân phiên như ngày hội thể thao undoukai, các cuộc họp hội phụ huynh, gakushuuhappyoukai (diễn thuyết), jugyousankan (dự giờ), và Kateihomon (thăm nhà).... Một ví dụ tiêu biểu cho "lịch tham dự" của phụ huynh tại các trường học Nhật là shinnyuugaku jidou setsumeikai (hướng dẫn nhập học). Đây là hoạt động diễn ra tháng 1 hoặc 2 hàng năm, đòi hỏi phụ huynh của học sinh lớp 1 đến dự họp đông đủ để thông qua các chính sách, nội quy, phương hướng hoạt động của trường nơi con em họ sẽ theo học năm tới.
Một hoạt động khác của trường là các tiết dự giờ khi cha mẹ ngồi trong lớp lắng nghe bài giảng của giáo viên và quan sát quá trình học tập của con mình. Gakushuu happyoukai ("Lễ thuyết trình") là một sự kiện khác hàng năm mà cha mẹ được mời tham gia để chứng kiến con em mình viết thơ, vẽ tranh, viết báo cáo, diễn kịch hoặc hùng biện.... Với cha mẹ của học sinh ở cấp trung học, họ thường xuyên được tham gia các buổi báo cáo định hướng nghề nghiệp của trường khi cùng con em mình được nghe chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau chia sẻ về những kinh nghiệm làm việc của họ nói riêng và về nghề nghiệp nói chung.
Một hoạt động phổ biến trong các trường học Nhật là các tiết dự giờ khi cha mẹ ngồi trong lớp lắng nghe bài giảng của giáo viên và quan sát quá trình học tập của con mình (Ảnh minh họa).
Đưa ra những đòi hỏi rõ ràng với bố mẹ
Sự tham gia của phụ huynh được cho là đặc biệt mạnh mẽ tại Nhật nhờ "những đòi hỏi rõ ràng và cụ thể do nhà trường đề ra đối với bố mẹ". Quan hệ giữa cha mẹ và trường học được coi là mối quan hệ "dựa trên lòng tin, sự tôn kính và hợp tác" chứ không hề có bóng dáng của mối quan hệ giữa nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng .
Sự tham gia đó bao gồm giữ an toàn cho trẻ em, tham gia các hoạt động học tập và cộng tác với các tổ chức cộng đồng nhằm mục đích giải quyết các nhu cầu giáo dục. Sự tham gia của phụ huynh cũng có thể là "thể hiện mong muốn thực tế, phát biểu cảm nhận về hiệu suất, khuyến khích bình luận góp ý nhằm cải tiến chất lượng học tập tại trường". Phụ huynh được khuyến khích kiểm tra bài học cho trẻ sau khi về nhà, tham gia các buổi dự giờ, tham gia dùng thử bữa ăn của học sinh để góp ý về chất lượng thực phẩm và cân bằng dinh dưỡng, từ đó đóng góp vào quá trình cải thiện chất lượng giáo dục.
Các trường học ở Nhật Bản cũng đòi hỏi sự tham gia của cha mẹ dưới tư cách tình nguyện viên, trong đó phụ huynh được yêu cầu điền vào các tờ đơn để tạo ra một hệ thống dữ liệu sở thích, mối quan hệ và kinh nghiệm đặc biệt để khi cần có thể tham gia vào các hoạt động của trường. Ví dụ, cha mẹ tập trung cho các lớp học nấu ăn và các hoạt động tái chế. Một số cha mẹ cũng tình nguyện làm người kể chuyện.
Phụ huynh sẽ theo thứ tự hoặc theo nguyện vọng đăng ký để chọn ngày phù hợp, sau đó tình nguyện bảo vệ an toàn, che chở cho các em nhỏ trên đường đến trường (Ảnh minh họa).
Một hoạt động "lôi kéo" sự tham gia của phụ huynh tiêu biểu nhất là việc thực hành làm người bảo vệ, khi cha mẹ ở các trường tiểu học lần lượt thay nhau bảo vệ trẻ em trên đường đi bộ đi học mỗi sáng từ 7-8h. Phụ huynh sẽ theo thứ tự hoặc theo nguyện vọng đăng ký để chọn ngày phù hợp, sau đó tình nguyện bảo vệ an toàn, che chở cho các em nhỏ trên đường đến trường. Một nhóm phụ huynh tình nguyện viên khác cũng tuần tra đường phố khi trẻ sắp rời khỏi trường học để đảm bảo không còn trẻ em nào sót lại sau khi trường học đóng cửa.
Các kỳ nghỉ lễ, nghỉ theo mùa của trường học Nhật kéo dài khá lâu (6 tuần với nghỉ hè và 3 tuần với nghỉ đông...), là thời điểm cha mẹ phải dành nhiều thời gian hơn bên con cái khi trẻ được nghỉ học và họ sẽ giúp bé hoàn thành các bài tập mùa hè, thậm chí là viết nhật ký về kỳ nghỉ, hoặc những thực hiện các công việc mà nhà trường đề ra yêu cầu các em nên làm trong kỳ nghỉ.
Cha mẹ là người học nhưng cũng là người quyết định
Cha mẹ Nhật luôn nhận sự hỗ trợ nuôi dạy trẻ tối đa từ nhà trường thông qua các tài liệu hướng dẫn, các buổi hội thảo phổ biến kiến thức giáo dục và nuôi dạy con cái. Ở nhiều trường học, hội phụ huynh có thêm các hoạt động ngoại khóa cho chính cha mẹ để mở mang hiểu biết, nâng cao các kỹ năng về nhiều lĩnh vực khác nhau. Ngoài ra, các trường cũng có trách nhiệm tổ chức các hội thảo, tọa đàm về các nội dung thiết thực như: làm thế nào để sử dụng internet một cách lành mạnh, kiểm soát trẻ khỏi các vấn nạn xã hội... nhằm thể hiện trách nhiệm của nhà trường trong việc nâng cao nhận thức của cha mẹ tới các nhân tố tiêu cực ảnh hưởng tới trẻ.
Phụ huynh cùng con tham gia vào nhiều hoạt động ngoại khóa của trường (Ảnh minh họa).
Là người "nhận" và được "học", nhưng cha mẹ Nhật cũng đóng vai trò then chốt trong các hiệp hội phụ huynh - giáo viên. Hội phụ huynh chính là người ra quyết định về các vấn đề của hiệp hội chứ không phải từ phía nhà trường: quyết định các hoạt động chung, thu và giải ngân ngân quỹ, thảo luận về tình hình giáo dục mà trẻ em quan tâm... Và chính hội phụ huynh là đơn vị có tác động lớn tới chất lượng giáo dục của trường.
Với một kênh truyền thông cởi mở và sẵn có giữa giáo viên và phụ huynh, phụ huynh Nhật sẽ không cảm thấy khó khăn trong giao tiếp và trao đổi về con em mình. Một trong những hoạt động thực tiễn thể hiện sự hợp tác giữa nhà trường và gia đình là kateihomon (thăm nhà). Đây là chuyến thăm của giáo viên tại nhà của học sinh để nói chuyện với cha mẹ về những mối quan tâm, khả năng, sở trường, sở đoản và sự an toàn của đứa trẻ. Phụ huynh cũng có thể dễ dàng nhận các thông báo về thành tích của con mình lẫn thông tin về các sự kiện quan trọng thông qua điện thoại.
Ngoài ra mạng lưới liên lạc giữa phụ huynh renrakumou cũng tạo điều kiện cho phụ huynh dễ dàng liên lạc với nhau để tăng cường hiểu biết và hỗ trợ nhau. Kodomokai (hiệp hội trẻ em), bao gồm các trẻ em và cha mẹ học sinh là các tổ chức hội nhóm giúp cha mẹ có thể giao lưu và trao đổi những ý tưởng liên quan đến việc học hành của con mình, với nhiều hoạt động ngoại khóa phong phú như tái chế rác, cắm trại...
Từng có 7 năm sinh sống cùng gia đình tại Nhật nên mẹ Masao có cơ hội được trải nghiệm rất nhiều về văn hóa, xã hội trên đất nước mặt trời mọc. Và từ khi bé Masao đi học, mẹ Masao còn có thêm cơ hội trải nghiệm "công việc" của một người mẹ có con đi học mẫu giáo ở Nhật. Những cảm nhận và chia sẻ chân thực của mẹ Masao một lần nữa khiến chúng ta "ngả mũ" trước cách người Nhật giáo dục trẻ em. Độc giả có thể đọc thêm những bài viết thú vị của mẹ Masao tại đây.
mẹ Masao, mẹ Việt ở Nhật, dạy con kiểu nhật, trường học Nhật