Sẽ có rất nhiều thay đổi trong thời gian biểu của cả gia đình kể từ khi đón con chào đời.
Thời gian biểu mỗi ngày của trẻ sơ sinh khá đơn giản, bởi tất cả những gì trẻ sơ sinh làm là ăn, ngủ, “ị” và khóc. Tuy nhiên, chỉ những người từng nuôi con nhỏ mới hiểu cha mẹ cần nhiều thời gian như thế nào để làm quen và “giải quyết” thành thạo những hoạt động hàng ngày đó của trẻ sơ sinh. Vì vậy, việc tìm hiểu trước những điều có thể xảy ra trong vài ngày đầu tiên con chào đời sẽ giúp những người sắp lên chức cha mẹ chuẩn bị sẵn sàng hơn.
Trong clip, hai vợ chồng Christian Hughes đã phải xoay sở tất bật chủ yếu với hai việc là cho con ăn và thay tã cho con.
Hiểu được điều đó, ông bố Christian Hughes ở Anh đã đăng tải trên kênh Youtube một đoạn video hơn 3 phút có tên 24 Hours with a newborn baby (tạm dịch: 24 giờ đồng hồ với đứa con mới chào đời) để miêu tả những thay đổi trong sinh hoạt của vợ chồng anh khi cậu con trai lớn Joshua của anh chào đời vào năm 2010. Đến nay, đoạn video thu hút gần 10 triệu lượt xem trên Youtube.
Ông bố người Anh Christian Hughes - chủ của trang youtube How To Be A Dad.
#1. Trẻ ăn
Bởi dạ dày rất nhỏ và chưa phát triển, trẻ sơ sinh cần được ăn thành nhiều bữa nhỏ - từ 30ml-85ml/lần và ăn thường xuyên. Tùy thuộc vào thể trạng cơ thể trẻ, số bữa ăn mỗi ngày của trẻ sơ sinh là khác nhau: một số trẻ đòi ăn sau mỗi 2-3 tiếng, trong khi số khác có cảm giác đói nhanh hơn.
Dấu hiệu cho thấy trẻ đã đói cũng khác nhau ở mỗi trẻ. Phần lớn trẻ sơ sinh khóc lớn để đòi ăn, nhưng người mẹ cũng cần chú ý đến các dấu hiệu khác như khi trẻ mút ngón tay, chóp chép miệng hoặc khi trẻ chu miệng và quay đầu tìm bầu vú mẹ hay bình sữa.
#2. Trẻ đi vệ sinh
Số lần “tè” mỗi ngày của trẻ sơ sinh phụ thuộc vào loại sữa trẻ được cho ăn: khoảng 5 lần với trẻ bú sữa mẹ và có thể lên tới 10 lần với trẻ ăn sữa công thức.
Ngược lại, trẻ bú sữa mẹ thường “ị” nhiều hơn trẻ ăn sữa công thức bởi trẻ sơ sinh cần nhiều thời gian hơn để tiêu hóa sữa công thức hơn sữa mẹ. Tuy nhiên, số lần “ị” mỗi ngày của trẻ cũng dao động từ vài ngày một lần đến sau mỗi lần bú mẹ một lần. Trẻ ăn sữa công thức thường “ị” từ vài ngày một lần đến vài lần một ngày.
Trong vài lần “ị” đầu tiên của trẻ sơ sinh – thường vào ngày đầu tiên hoặc thứ hai sau khi trẻ chào đời và vẫn chưa xuất viện, trẻ thường thải ra phân su (meconium). Phân có màu đen và dính như nhựa đường. Sau đó, phân của trẻ bú sữa mẹ sẽ chuyển thành màu hơi xanh, nâu nhạt hoặc vàng mù tạt; trong khi đó trẻ ăn sữa công thức thường thải ra phân lỏng hơn và nhiều màu khác nhau. Phân của trẻ sơ sinh có thể ở dạng mềm hoặc dạng nước.
#3. Trẻ khóc
Khóc là đặc điểm đặc trưng của trẻ sơ sinh. Việc trẻ khóc trong bao lâu, khóc to thế nào và khóc thường xuyên ra sao là hoàn toàn khác nhau ở mỗi trẻ và sẽ thay đổi qua thời gian. Trong vài ngày đầu tiên, trẻ sơ sinh thường đặc biệt im lặng và ngủ nhiều. Nhưng khi đã được 2 tuần tuổi, trẻ sơ sinh sẽ khóc trung bình khoảng 2 tiếng mỗi ngày. 6-8 tuần tuổi là thời điểm trẻ khóc nhiều nhất, sau đó sẽ bắt đầu giảm dần.
Cha mẹ sẽ dần hiểu được nguyên nhân mỗi lần trẻ khóc. Trẻ sơ sinh thường khóc nhiều nhất khi tã bẩn, đói, mệt và khó chịu. Thậm chí, một vài trẻ khóc do bị ảnh hưởng bởi quá nhiều chuyển động và hoạt động. Các bậc phụ huynh cũng cần chú ý đến mỗi lần trẻ khóc mà không có nguyên nhân rõ ràng. Hãy nhớ: Trẻ sơ sinh cần được chiều chuộng, vì vậy hãy làm dịu mỗi lần khóc của trẻ bằng tất cả sự quan tâm và tình yêu thương.
#4. Trẻ ngủ
Trẻ sơ sinh là đối tượng có khả năng ngủ bất kỳ nơi nào. Nhiều đứa trẻ thích ngủ trên ghế cho trẻ nhỏ trên ô tô và miếng vải địu hơn là trên chiếc giường rộng rãi, bởi cảm giác ấm áp khiến trẻ có cảm giác gần gũi như ở trong bụng mẹ.
Dù trẻ ngủ ở đâu, các bậc phụ huynh cần lưu ý luôn đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ và cất dọn mọi tấm chăn, ga, gối và đồ chơi để giảm thiểu nguy cơ trẻ tử vong do hội chứng đột tử trẻ sơ sinh (SIDS). Đồng thời, không bao giờ được phép đặt trẻ ngủ trên ghế dài hoặc trên giường mà không có người trông coi bởi trẻ có thể bị ngã bất kỳ lúc nào.
#5. Tắm cho bé
Giữ gìn vệ sinh cho trẻ sơ sinh trong vài ngày đầu tiên là điều rất cần thiết. Nếu dây rốn của trẻ vẫn chưa rụng, cha mẹ nên tránh để phần dây rốn đó dính nước khi tắm cho trẻ. Trên thực tế, việc tắm rửa quá nhiều lần có thể làm da của trẻ bị khô.
Mẹ nên dùng một miếng vải mềm, ẩm và ấm hoặc khăn giấy không mùi để nhẹ nhàng lau xung quanh nếp ngấn ở cổ trẻ, các vùng da khác và kết thúc ở bộ phận sinh dục của trẻ khi đang cho trẻ ăn. Nếu phát hiện có vùng da của trẻ bị mẩn đỏ, tấy rát, mẹ có thể bôi lên đó một lớp kem chống hăm hoặc sáp dưỡng ẩm.
Christian Hughes hiện là bố của cậu con trai Joshua và hai cô con gái Poppy và Molly. Anh đã lập ra trang blog và kênh Youtube có tên How To Be A Dad để chia sẻ với mọi người những trải nghiệm anh có được khi làm bố. Hiện tại, Christian là giám đốc điều hành của công ty sản xuất video Curly Productions Ltd có trụ sở ở Liverpool, Vương quốc Anh. Đồng thời, anh cùng các vợ và các con cũng lập ra công ty gia đình Toddler Fun Learning chuyên sản xuất các video dạy trẻ nhỏ học đếm, học đánh vần, học từ vựng và nhiều nội dung khác.
trẻ sơ sinh, chào đời, làm cha mẹ, nuôi con, trẻ từ 0-1 tuổi