Mẹ & bé

Có một kiểu nói chuyện giúp trẻ học nói nhanh, mẹ đã biết chưa?

Mẹ có đang dùng cách nói giúp con vừa ghi nhớ hình ảnh, vừa ghi nhớ âm thanh để học nói nhanh hơn dưới đây.

Ở giai đoạn tập nói, trẻ thường nói ngọng, nói sai. Và nhiều người hay giao tiếp với bé bằng ngôn ngữ "baby talk". Có thể hiểu "baby talk" là cách nói ngọng, bóp méo âm... để cho giống cách nói của trẻ con như "con tó" thay vì "con chó", "tỏa tanh" thay vì "quả chanh"... Người lớn sử dụng cách nói này bởi nghĩ nói như vậy, trẻ con sẽ dễ hiểu và học nói nhanh. Tuy nhiên, các nhà khoa học và ngôn ngữ học đã chỉ ra chỉ ra rằng cách nói kiểu "baby talk" sẽ khiến trẻ không học được ngôn ngữ chuẩn và làm méo mó việc phát âm của con, dẫn đến quá trình hoàn thiện việc nói chuẩn của con bị kéo dài, con có xu hướng phát triển chậm hơn các bạn…

Các chuyên gia khuyên rằng thay vì nói kiểu trên, hãy dùng cách nói "baby directed speech" (tạm dịch là cách nói hướng dẫn trẻ).

Có một kiểu nói chuyện giúp trẻ học nói nhanh, mẹ đã biết chưa? - Ảnh 1.

Luôn nhìn vào mắt con khi nói (Ảnh minh họa).

Cụ thể, đây là cách nói chuyện với trẻ mà người lớn vẫn phát âm chuẩn, ngoài ra, dùng thêm cả hành động chỉ tay vào đồ vật để trẻ kết nối được từ ngữ với sự vật và cách phát âm. Nhờ đó, từ ngữ nói ra có ý nghĩa, trẻ nhớ nhanh và lâu hơn do phát triển cả nơ-ron thần kinh cho vùng não ghi nhớ hình ảnh và vùng ghi nhớ âm thanh.

Gợi ý một số cách nói baby directed speech giúp trẻ học nói nhanh:

1. Sử dụng cách nói chuyện có phản hồi.

Ví dụ, khi trẻ chỉ vào cái cốc/ bàn/ ghế, thì cha mẹ nên phản hồi một cách tích cực, thể hiện là mình hiểu ý trẻ muốn nói gì. Đồng thời nhắc lại là "À, cái bàn. Con thích cái bàn đúng không?" Vừa phản hồi lại trẻ và vừa yêu cầu trẻ phản hồi tiếp. Tiếp tục duy trì sự giao tiếp qua lại như vậy với trẻ.

2. Sử dụng các câu ngắn hơn và giảm lượng từ vựng.

Ví dụ, thay vì nói một câu dài: "Bữa tối của con xong rồi đây. Hôm nay chúng ta sẽ ăn cơm với rau cải, cà rốt, canh thịt bò, trứng chiên..." thì cha mẹ có thể nói "Bữa tối, bữa tối! Cơm này. Rau cải này. Canh thịt bò. Trứng chiên", vừa nói vừa chỉ từng món cho trẻ và phát âm chuẩn.

3. Khoảng cách và ngữ điệu lớn hơn trong giọng nói của bạn.

Ngữ điệu cần lớn hơn do trẻ thích âm vực cao và thích hướng sự chú ý của mình tới cách nói với âm vực đó hơn là những âm vực trầm.

4. Hướng sự giao tiếp vào trẻ, nhìn vào mắt trẻ khi nói chuyện.

Có một kiểu nói chuyện giúp trẻ học nói nhanh, mẹ đã biết chưa? - Ảnh 2.

Giữ khoảng cách và ngữ điệu lớn hơn khi nói chuyện (Ảnh minh họa).

5. Tạo khoảng nghỉ dài hơn giữa các từ và lời nói.

Ngắt quãng và nghỉ giữa từng câu/cụm từ dài hơn để trẻ kịp hiểu câu/cụm từ trước đã rồi mới nói tiếp. Nếu nói liên tục mà trẻ không hiểu, trẻ sẽ không chú ý đến những câu sau nữa và bỏ đi làm việc khác. Điều này về lâu dài sẽ rất có hại: nó làm trẻ trở nên kém tập trung, không kiên trì trong giao tiếp, cũng như hình thành thói quen "lờ đi" hoặc "không thèm nghe" những gì cha mẹ/ người lớn nói.

6. Lặp lại từ thường xuyên.

Không lo lắng việc nói thừa thãi. Ví dụ, bạn có thể nói "Một con chim - một con chim xanh", lặp đi lặp lại từ "con chim" để trẻ ghi nhớ từ này.

7. Kéo dài các nguyên âm trong từ.

Ví dụ, "Ooooồ, Caaaái gì đây?"

8. Sử dụng những từ chỉ sự nhỏ bé (em bé tí xíu, chú cún con, …) để tạo sự kết nối với trẻ, vì trẻ có xu hướng thích những thứ nhỏ nhỏ tương tự như mình.

9. Sử dụng cách diễn giải hoặc diễn tả lại các câu nói của con.

Ví dụ, khi con nói "Chúng ta đi" thì cha mẹ lặp lại bằng cách nói "Đúng rồi, chúng ta đang đi".

10. Nói chuyện về những gì hiện diện trước mặt con.

Ví dụ, khi đang đi trên đường, cha mẹ có thể chỉ tay về phía những sự vật/ người đi trên đường và nói chuyện với con về nó.

Có một kiểu nói chuyện giúp trẻ học nói nhanh, mẹ đã biết chưa? - Ảnh 3.

Nói chuyện với con về mọi thứ hiện diện trước mắt (Ảnh minh họa).

Nếu cha mẹ nhắc đến một sự vật nào đó trong quá khứ sẽ làm trẻ bối rối và hạn chế việc giao tiếp dần vì trẻ nghĩ mình không giao tiếp được với những "đối tượng" này. Khi trẻ lớn hơn và cha mẹ nhận thấy dấu hiệu sẵn sàng nói về quá khứ thì hãy bắt đầu áp dụng việc nói về quá khứ nhé! Không bao giờ là muộn cả, đừng sốt ruột dạy con về thì quá khứ. Quan trọng là sự tự tin của con, mẹ nhé!

11. Sử dụng cụm từ thường gặp và tách các câu thành từng cụm từ ngắn.

Ví dụ, khi trẻ mới tập nói, chưa thể nói dài ngay được, cha mẹ có thể thay cả câu dài "Bạn Tôm được mẹ dẫn lên xe buýt" bằng một cuộc hội thoại:

- Bạn Tôm đang ở đâu hả con?

- (Và mẹ tự trả lời) Trên xe buýt rồi.

Hoặc:

- Quả cam ở đâu nhỉ?

- (Và mẹ chỉ tay, đồng thời tự trả lời) Ở trên bàn/ ở trên đĩa.

12. Sử dụng các câu hỏi và cố gắng để khơi gợi cho trẻ nói.

13. Gắn các từ (danh từ và hành động) vào ngữ cảnh.

Nguồn: Motherese

aFamily

học nói, dạy con biết nói, biết nói, trẻ tập nói, trẻ từ 1-3 tuổi


      © 2021 FAP
        1,311,732       353