Bà mẹ trẻ từng stress vì mỗi bữa ăn dặm kéo dài hàng giờ với những tiếng khóc lóc inh ỏi nhưng nhờ một chút điều chỉnh, hiện tại việc ăn uống của con đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Thời điểm trẻ ăn dặm nỗi lo của rất nhiều mẹ bởi khi ấy, trẻ bắt đầu được tiếp xúc với các loại thức ăn khác nhau và nảy sinh việc hợp tác hay không hợp tác. Thêm vào đó, việc cho con bắt đầu ăn dặm như thế nào có vai trò vô cùng quan trọng bởi nó đặt nền móng cho thói quen ăn uống sau này của mỗi đứa trẻ.
Đau đầu vì con ăn 2 tiếng không hết bát cháo
Cũng giống như rất nhiều phụ huynh khác, khi con trai Andy bước vào tuổi ăn dặm, chị Trương Thanh Hải Yến (TP.Hồ Chí Minh) đã vô cùng lo lắng và tìm hiểu rất nhiều kiến thức để áp dụng cho con khi ăn dặm.
Chị Yến từng rất stress vì việc ăn uống của con.
Chị Hải Yến tâm sự: "Khi Andy tròn 6 tháng tuổi, mình tập cho bé ăn dặm theo phương pháp tự chỉ huy (baby led weaning - BLW). Sau một thời gian ngắn, ông bà ở nhà lo lắng vì cháu mãi không tăng cân rồi sốt ruột giục mình đưa Andy đi khám dinh dưỡng. Sau khi khám, bác sĩ bảo mình "Con em chưa được 1 tuổi tại sao đã ăn cơm, làm gì có răng mà ăn cơm" .Từ đó ông bà nghe lời bác sĩ bắt cho Andy ăn cháo theo kiểu truyền thống. Lúc đó, mỗi bữa ăn quả là cực hình với 2 mẹ con. Mỗi bữa ăn diễn ra phải đến 2 tiếng đồng hồ trong nước mắt, cứ đút miếng cháo nào vô là Andy phun ra hết, khóc inh ỏi…".
Quá stress với việc ăn uống của con, chị Yến quyết định cho Andy ăn dặm theo kiểu BLW như lúc đầu. Và sau một thời gian kiên trì, Anday đã chịu hợp tác.
"Hiện nay Andy đã 17 tháng tuổi và vẫn duy trì chế độ ăn dặm BLW. Từ khi chuyển sang ăn kiểu BLW, bé ăn hào hứng hẳn. Có hôm con ăn nhiều, có hôm ăn ít, nhưng bé được tự lựa chọn món yêu thích nên bé rất vui vẻ và mỗi bữa ăn chỉ diễn ra dài nhất là 30 phút. Kể từ ngày bé chuyển sang ăn BLW, mình cũng đỡ stress nhiều", chị Yến tâm sự.
Từ khi chuyển sang ăn dặm BLW, Andy ăn uống đầy hào hứng.
Sau khi điều chỉnh cách ăn uống của con thành công, chị Yến đã rút ra 8 yếu tố quan trọng các bố mẹ cần lưu ý để con có thói quen ăn uống lành mạnh.
1.Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm chức năng
Theo chị Yến, tất cả các loại thực phẩm chức năng hoặc các loại em vi sinh, tiêu hóa để giúp bé ăn ngon chỉ là quảng cáo. Tất cả những loại này có khả năng kích ăn đều thật sự ảnh hưởng tới trí não và khả năng ghi nhớ của bé sau này. Tự ý sử dụng men tiêu hoá hoặc dùng không đúng mục đích cũng sẽ có thể gây ra tiêu chảy trầm trọng, hoặc khiến đường ruột bé sẽ mãi mãi phụ thuộc vào men tiêu hoá bởi bé không thể tự sản sinh enzyme để tiêu hoá thức ăn được.
2. Không ép trẻ ăn
Táo và súp lơ hấp.
Bơ, dưa chuột, cà rốt.
Trẻ ăn uống theo nhu cầu, vì thế theo chị Yến càng ép trẻ ăn trẻ càng không thích làm theo. Trong thời gian trẻ biếng ăn, các mẹ có thể xay sinh tố cao năng lượng, làm bánh, thay đổi cách nấu, cách bài trí món ăn sao cho hấp dẫn bé. Còn lại việc ăn bao nhiêu, ăn cái gì cứ để bé tự quyết định.
3. Tuyệt đối không tivi, điện thoại, bế rong, làm trò khi ăn
Đến bữa ăn nếu trẻ không chịu ngồi ghế, có thể bày một vài món đồ chơi cho bé để dụ bé vào ghế. Nhiều mẹ thấy con ngồi xem ipad mà ăn được cả tô cháo rất vui, một khi không được xem nữa trẻ sẽ bỏ ăn. Trái lại, nếu tiếp tục cho trẻ xem sẽ ảnh hưởng đến tính cách của trẻ: muốn đòi gì được nấy.
4. Giờ ăn chỉ kéo dài đúng 20-30 phút
Tuyệt đối không cho trẻ ăn lâu hơn. Nếu trẻ ngồi vào ghế ăn mà không có hứng thú ăn, mời trẻ ra khỏi ghế, sau đó khoảng 45 phút - 1 tiếng lại dọn đồ ăn ra cho trẻ. Nếu con vẫn không muốn ăn, dọn hết và đợi tới cữ ăn sau. Tuyệt đối không bù sữa hay cho trẻ ăn vặt . Vì như vậy sẽ tạo 1 thói quen là con không ăn cơm thì sẽ được ăn vặt, ăn bánh, ăn quà và càng trở nên biếng ăn hơn.
5. Không cần thời gian biểu chính xác
Hiện tại Andy đã 17 tháng tuổi, là chàng trai cứng cáp, khỏe mạnh.
Với trẻ không phải cứ nhất thiết phải đúng 11h ăn trưa. Nếu hôm đó 10h30 trẻ muốn ăn, mẹ nên cho ăn. Các mẹ không nên áp dụng khư khư thời gian biểu cố định mà ép con phải ăn uống đúng giờ, hãy lắng nghe xem con mình đã muốn ăn hay chưa. Miễn sao một ngày bé có thể ăn đủ bữa là được, còn ăn vào giờ nào hãy để bé quyết định .
6. Tôn trọng bao tử của trẻ
Đừng bao giờ so sánh lượng ăn vào của 1 đứa trẻ, cũng đừng đọc sách báo rồi cân đong đo đếm rằng con tôi phải ăn từng này chén, từng nọ tô. Hãy xem xem bé đi phân thế nào, đi tiểu ra sao, biểu đồ phát triển chiều cao cân nặng có cân đối hay không để cung cấp cho trẻ ăn mức vừa đủ.
7. Không cân trẻ quá nhiều
Từ 6 tháng trở đi, chỉ nên cân trẻ 3 tháng 1 lần, không nên ngày nào cũng cân xong rồi buồn bã, chán nản. Cũng không nên nhìn con người khác bụ bẫm, mập mạp mà tủi thân mà hãy vui vì con mình không nằm trong nguy cơ béo phì.
8. Đừng lo con thiếu chất
Với cơ thể mỗi người, có thể lúc này sẽ thiếu chất này, lúc khác sẽ hơi dư chất khác. Các mẹ cứ cung cấp đủ 4 nhóm thức ăn cho con là được. Đừng bắt con ăn những món không thích mà hãy thay thế bằng những món con thích trong giai đoạn biếng ăn.
Ngoài áp dụng những nguyên tắc trên, khi có thời gian chị Yến luôn cố gắng chế biến các món ăn phong phú từ thực đơn cho đến gia vị cho con, để con được nếm trải nhiều hương vị khác nhau ngay từ khi còn nhỏ. Các món ăn được chế biến đầy đủ hương vị với hành, tỏi, gừng, quế, các loại thảo mộc, lá thơm… để con có cơ hội trải nghiệm vị giác, giúp con không kén ăn lại vừa tốt cho sức khỏe.
Sốt Hummus làm từ đậu gà (chickpeas), 2 tép tỏi, 2 muỗng nước cốt chanh, dầu olive.
Cà ri chay: Đậu lăng, đậu gà, đậu hũ, ngô nếp, cà rốt, khoai tây và hành tây.
Cơm và cá basa nướng giấy bạc, súp lơ hấp, canh.
Gà nướng Rosemary.
Bánh dứa Hồng Kông.
Bánh sweet corncake.
ăn dặm, ăn dặm tự chỉ huy, ăn dặm Baby Led Weaning, trẻ từ 0-1 tuổi