Rất nhiều bà mẹ khi vừa nhìn thấy con chào đời đã hốt hoảng vì thấy chân con cong, mắt bị lác... Liệu mẹ có nên lo lắng khi trẻ sơ sinh bất thường như vậy?
Vào 1 ngày đẹp trời, nếu bạn hỏi chồng về cảm nhận đầu tiên khi nhìn thấy con sau khi sinh là gì, chắc chắn không ít ông bố sẽ trả lời "Không đẹp như tưởng tượng, thậm chí là hơi ghê". Có người còn thắc mắc "Sao chân bé cong vậy", "Sao mắt bé bị lác"… Nhưng đừng lo, vì những hiện tượng đó ở trẻ sơ sinh hoàn toàn bình thường.
1. Chân cong
9 tháng trong bụng mẹ với tư thế nằm co quắp và không duỗi chân được, bé sinh ra sẽ có đôi chân hơi cong 1 chút, nhưng các mẹ đừng lo, vì hiện tượng này sẽ biến mất, chân bé sẽ thẳng theo thời gian, đặc biệt khi bé bắt đầu tập đi, chân bé sẽ trở lại bình thường.
2. Mụn sữa
Mẹ sẽ thấy bé có khá nhiều đốm mụn trắng nhỏ li ti ở má, chóp mũi, cằm. Dân gian thường gọi đó là mụn sữa và thường biến mất vài tuần sau khi sinh nên mẹ cũng hoàn toàn yên tâm nếu thấy bé có những nốt mụn này.
3. Mụn đỏ
Nhiều bé sơ sinh có mụn đỏ khắp mặt, lốm đốm thành khoang. Đây là hiện tương viêm da sơ sinh. Mẹ chỉ cần lau rửa cho bé sạch sẽ với xà phòng chuyên dành cho trẻ sơ sinh, chú ý không chà xát mạnh, không bôi kem trị mụn thông thường. Hiện tượng mụn đỏ này cũng sẽ nhanh hết khi bé lớn dần.
4. Lông tơ
Cho dù em bé của bạn lúc mới sinh có tóc hay không thì bé vẫn có khả năng còn nhiều lông tơ trên cơ thể. Lông có thể xuất hiện nhiều ở vai, cánh tay, dọc thắt lưng, mang tai. Lông tơ này có chức năng giúp bé điều chỉnh thân nhiệt lúc còn trong bụng mẹ. Mẹ tuyệt đối không cần cạo cho bé vì lớp lông này sẽ nhanh chóng rụng và bé sẽ nhẵn nhụi trở lại.
5. Vết xước
Móng tay của bé đã phát triển từ trong bụng mẹ nên có khả năng bé đã cào tay lên mặt hoặc người, để lại các vết xước mà mẹ đã thấy. Mẹ chỉ cần bấm bớt móng tay cho bé để bé không tiếp tục làm tổn thương da mình nữa.
6. Hắt hơi
Sau khi sinh, bé hắt hơi liên tục, mẹ cũng không cần quá lo lắng vì đây là hiện tượng mũi bé phản ứng khi chưa được hút sạch nước ối hoặc bé chưa quen với không khí bên ngoài.
7. Nếp nhăn
Trẻ sinh non hoặc nhẹ cân thường có nhiều nếp nhăn trên cơ thể hơn so với trẻ sinh đủ tháng, đủ cân. Nếp nhăn xuất hiện nhiều ở bàn tay, bàn chân. Mẹ không cần can thiệp gì, nếp nhăn sẽ dần biến mất theo thời gian.
8. Ngực phù
Sau khi sinh nếu mẹ thấy ngực bé có vẻ hơi sưng phù, không sao đây là hiện tượng do các hooc-môn thai kì mà bé tiếp xúc suốt 1 thời gian dài trong bụng mẹ còn tồn dư trong cơ thể bé. Sau 1 thời gian, khi hooc-môn này tiêu hết, ngực bé sẽ trở lại bình thường. Hiện tượng này cũng có thể xảy ra với bộ phận sinh dục của bé, nên mẹ không cần quá lo lắng.
9. Đầu méo
Như các mẹ đã biết, trẻ được sinh ra bằng phương pháp sinh nở tự nhiên thường sẽ có phần đầu hơi méo, thuôn dài 1 chút, nguyên nhân là để phù hợp với đường sinh của mẹ. Mẹ yên tâm vì đầu bé sẽ dần dần tròn và trở lại hình dáng bình thường sau ít ngày.
10. “Cứt trâu”
Dân gian thường gọi mảng bám trên da đầu bé như vậy. Lớp mảng bám này có màu trắng, vàng hoặc nâu xám, sinh ra do các tuyến bã nhờn của nang lông hoạt động quá mạnh. Khi các bã nhờn này tiết ra kết dính với số lượng lớn các tế bào chết sẽ làm cản trở quá trình bong tróc của các tế bào này và tạo thành các mảng bám trên da đầu bé. Lớp mảng bám này sẽ dần biến mất trong vòng 6 tháng đầu, có bé sau 1-2 năm sẽ hết.
11. Mắt lác
Trong mấy tháng đầu kể từ khi mới chào đời, mẹ có thể phát hiện ra mắt bé giống như hơi bị lác, nguyên nhân là do việc phối hợp giữa 2 mắt còn kém. Mắt bé sẽ nhanh chóng về đúng vị trí trung tâm nên mẹ không cần lo lắng nhiều.
12. Vệt đỏ (chàm)
Chàm đỏ thường xuất hiện trên trán hoặc đầu bé. Thông thường đây là hiện tượng không đáng lo ngại, vết chàm sẽ dần mờ đi theo thời gian, thường là 1 năm đầu sau khi sinh.
13. Thở nhanh
Giai đoạn đầu sau khi sinh, bé chưa biết cách điều chỉnh nhịp thở của mình và mẹ có thể thấy bé thỉnh thoảng thở dốc, nhanh. Tuy nhiên, bé sẽ nhanh chóng tự cân bằng và điều chỉnh nhịp thở của mình.
Nguồn: Popsugar
trẻ sơ sinh, đặc điểm trẻ sơ sinh, em bé mới sinh, trẻ từ 0-1 tuổi