Mẹ & bé

Trẻ có thể bị chấn thương xương sống, gãy chân khi chơi cầu trượt chỉ vì hành động này

Khi chơi cầu trượt, rất nhiều bố mẹ đã đặt con ngồi lên đùi và cùng trượt xuống. Hành động này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro có thể dẫn đến nguy hiểm cho bé.

Viện Hàn lâm nhi khoa Hoa Kỳ AAP công bố kết quả nghiên cứu khiến nhiều phụ huynh phải giật mình. Theo đó, trẻ em có nguy cơ cao gặp chấn thương, đặc biệt là các chấn thương về chân và xương sống khi ngồi trên đùi cha mẹ trong lúc chơi cầu trượt.

Từ năm 2002 đến 2015, Mỹ ghi nhận hơn 350.000 trẻ dưới 6 tuổi bị chấn thương do chơi ván trượt, cầu trượt, trong đó nhiều trường hợp chấn thương là gãy xương chân. Còn tại Anh, mỗi năm có khoảng 40.000 trẻ em được đưa đến phòng cấp cứu do gặp chấn thương, 1 trong 5 số đó liên quan đến việc chơi ván trượt, cầu trượt.

Trẻ có thể bị chấn thương xương sống, gãy chân khi chơi cầu trượt chỉ vì hành động này - Ảnh 1.

Bế trẻ trên đùi và chơi cầu trượt có thể khiến bé gặp chấn thương xương sống và chi dưới. (Ảnh: minh họa)

Từ những con số đáng báo động về tình trạng trẻ gặp tai nạn trong khi vui chơi, đặc biệt là chơi cầu trượt, các nhà nghiên cứu Mỹ đã công bố báo cáo trên để cảnh báo các bậc phụ huynh lưu ý khi cho con em mình tham gia các trò chơi, không bế trẻ trên đùi để chơi trượt dốc với mục đích phòng tránh tai nạn và đảm bảo an toàn cho các bé.

Theo báo cáo từ Viện Hàn lâm nhi khoa Hoa Kỳ, hành động cha mẹ bế hoặc đặt trẻ trên đùi rồi trượt từ trên cao xuống sẽ khiến chân và xương sống của trẻ bị tổn thương. Phần lớn các chấn thương là gãy xương và đều gặp ở trẻ mới biết đi và trẻ sơ sinh.

Trẻ có thể bị chấn thương xương sống, gãy chân khi chơi cầu trượt chỉ vì hành động này - Ảnh 2.

Bế trẻ khi chơi trò cầu trượt có thể khiến chân và xương sống của trẻ bị tổn thương. (Ảnh: minh họa)

Nguyên nhân gốc rễ được giải thích như sau, khi trẻ tự trượt xuống một mình, nguy cơ gãy xương hầu như rất thấp do trẻ được tiếp xúc với các cạnh hoặc mặt dưới của cầu trượt, tạo lực đẩy ngược lại và giảm tốc độ trượt. Nhưng ngồi trên đùi cha mẹ và trượt lại là điều hoàn toàn khác. Do có thêm trọng lượng từ người lớn, tốc độ trượt sẽ nhanh hơn, trẻ lao tự do trên đùi cha mẹ, nguy cơ chân và xương sống bị va đập rất cao, dẫn đến gãy xương hoặc các chấn thương khác.

Giáo sư-bác sĩ lâm sàng và cấp cứu Nhi khoa Charles Jennissen, tác giả chính trong 1 nghiên cứu mới từ Đại học Iowa - Mỹ cho hay: “Nhiều bậc cha mẹ và người trông trẻ chơi trò trượt từ trên cao cùng với trẻ mà không nghĩ đến khả năng các bé sẽ gặp phải các chấn thương khi đặt bé trên đùi và cùng trượt.”

Ông cho biết thêm: "Trong hầu hết các trường hợp tôi đã gặp, cha mẹ các bé đều không hề nghĩ rằng làm như vậy có thể khiến con họ bị thương, thậm chí là rất nặng. Nhưng sau khi được tư vấn, các bậc phụ huynh đều khẳng định sẽ không bao giờ làm vậy thêm 1 lần nào nữa.”

Trẻ có thể bị chấn thương xương sống, gãy chân khi chơi cầu trượt chỉ vì hành động này - Ảnh 3.

Trẻ nhỏ là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất do thường được cha mẹ bế trong lòng và cùng trượt (Ảnh minh họa).

Trong số hơn 350 nghìn trẻ nhỏ dưới 6 tuổi bị chấn thương do chơi ván trượt, cầu trượt thì trẻ mới biết đi từ 12 đến 23 tháng tuổi là đối tượng thường phải ngồi trên lòng người lớn, do đó chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi gặp tai nạn. Ngoài ra, hơn một phần ba số lượng thanh thiếu niên bị chấn thương chân khi chơi các ván trượt, trong đó 26% bị gãy xương, cắt 1 phần chân hoặc chân bị tổn thương. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ hơn, trong số các vụ thương tích, có đến 94% các thương tích ở chân và xương sống, và khi xem hồ sơ bệnh án thì lúc gặp tai nạn, các bé đang ngồi trên lòng người lớn và trượt tự do.

Trẻ càng nhỏ thì nguy cơ chấn thương càng cao. Cuối cùng, nghiên cứu khép lại với kết luận: "Đa số các thương tích ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường gặp phải đó là các tổn thương với phần dưới cơ thể, nguyên nhân chính là do trẻ được bố mẹ bế trên đùi và trượt xuống với tốc độ cao”. Chính vì vậy, bố mẹ tuyệt đối nên tránh lặp lại hành động dễ gây tai nạn này.

Lưu ý giúp trẻ chơi cầu trượt an toàn

- Hướng dẫn bé khi bắt đầu chơi: Bám chắc hai tay vào hai bên thành cầu trượt, leo từng bậc thang lên nóc cầu trượt. Bé không được xô đẩy các bạn đằng trước để mình nhanh được đến lượt. Khi trèo lên đến nóc hãy ngồi thấp xuống rồi trượt từ từ xuống đất thì sẽ an toàn hơn.

- Với một số cầu trượt có gắn liền với xích đu, khi chơi nên cất hết các món đồ chơi nhỏ của bé vào túi quần áo, không cầm thứ gì trên tay và cũng không được để món đồ chơi nào trong túi quần phía sau hay các món đồ sắc nhọn trong túi quần, áo. Bởi nếu bé trượt và chẳng may bị ngã sẽ rất nguy hiểm.

- Không trèo lên cầu trượt từ phía ván trượt bởi các bạn trượt từ trên cao xuống sẽ vô tình đè vào người bé. Ngoài ra, các bé cũng không nên trượt theo kiểu quay lưng xuống đất, như vậy sẽ rất dễ bị ngã hoặc gặp phải tai nạn.

- Với trẻ nhỏ, có thể hỗ trợ bé leo lên đỉnh cầu trượt nhưng tuyệt đối không đặt bé lên đùi và cùng trượt xuống.

Nguồn: Dailymail, Mommy

aFamily

cầu trượt, chơi cầu trượt, tai nạn trẻ em, phòng ngừa tai nạn trẻ em, Phòng tránh tai nạn cho trẻ


      © 2021 FAP
        1,312,977       289