Mẹ & bé

Bác sĩ Nhi chỉ cách cho con ăn dặm khoa học ngay từ lần đầu tiên

Dưới đây là một số bí quyết giúp các mẹ không áp lực khi cùng con bước vào giai đoạn ăn dặm.

Ăn dặm là bước ngoặt, đánh dấu sự chuyển giao trong quá trình tiêu thụ thức ăn từ thể lỏng (sữa) sang làm quen với thức ăn thể đặc và rắn. Chính vì vậy, khi bắt đầu ăn dặm, người chăm sóc luôn gặp rất nhiều khó khăn.

Dưới đây là những gợi ý giúp quá trình ăn dặm của trẻ dễ dàng hơn:

Thực phẩm nào tốt cho trẻ trong giai đoạn đầu ăn dặm?

Theo BS Trần Thu Thủy (Bệnh viện nhi Trung ương), khẩu phần của trẻ ăn dặm phải có đầy đủ 4 nhóm thực phẩm cần thiết: tinh bột (gạo tẻ, ngô…), chất đạm (các loại thịt, cá, trứng, sữa…), chất béo (dầu thực vật, mỡ động vật), chất xơ, vitamin và khoáng chất (các loại rau xanh, các loại củ). Tuy nhiên, khi mới bắt đầu, mẹ nên tập cho con ăn từng loại thực phẩm riêng biệt.

Bác sĩ Nhi chỉ cách cho con ăn dặm khoa học ngay từ lần đầu tiên - Ảnh 1.

Khẩu phần cho trẻ ăn dặm phải có đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất cần thiết (Ảnh minh họa).

Cũng theo BS Thủy, nuôi con theo cách truyền thống bằng bột gạo hoặc cháo xay, mẹ có thể cho con bắt đầu ăn dặm bằng nguyên liệu bột, sau đó mới thêm đạm, rồi đến dầu và cuối cùng mới thêm rau. Với bột ăn dặm chế biến sẵn, chỉ nên bắt đầu bằng bột chứa một loại ngũ cốc, không nên dùng bột ngũ cốc hỗn hợp. Mẹ cũng có thể bắt đầu bằng quả chín hoặc rau củ mềm hấp cách thủy rồi nghiền nát (quả chuối, quả bơ, bí ngô, cà rốt, khoai lang…), sau đó mới tập cho bé ăn thịt rồi rau xanh.

Việc lựa chọn phương pháp nào là tùy thuộc hoàn toàn vào điều kiện của mỗi gia đình cũng như nguyện vọng của mẹ và bé. Không có quy định ngặt nghèo phải bắt đầu từ thực phẩm nào. Nguyên tắc chung là nên bắt đầu bằng thức ăn ít khả năng gây dị ứng và gần giống với loại sữa bé đang dùng nhất. Chẳng hạn, nếu bé đã quen với vị ngọt hơn của sữa mẹ, hãy thử bắt đầu bằng cách nạo chuối chín cho bé ăn. Nếu bé quen với vị nhạt hơn của sữa công thức, bạn có thể bắt đầu bằng loại quả nhạt như quả bơ. Khẩu vị của các bé rất khác nhau, vì vậy mẹ cần thử nghiệm để tìm ra phương án thích hợp nhất cho bé yêu của mình.

Tập ăn vào buổi sáng

Theo BS Trần Thu Thủy, một vấn đề khiến nhiều bà mẹ trẻ băn khoăn đó là nên tập cho bé ăn dặm vào thời điểm nào trong ngày, buổi sáng hay buổi chiều? Về nguyên tắc, để việc ăn dặm trở nên dễ dàng hơn, mẹ nên chọn thời điểm bé cảm thấy muốn ăn nhất. Trẻ bú mẹ thường hào hứng hơn vào cuối ngày, khi nguồn sữa mẹ kém dồi dào. Trẻ được nuôi bằng sữa công thức lại thường đói nhất vào buổi sáng.

Bác sĩ Nhi chỉ cách cho con ăn dặm khoa học ngay từ lần đầu tiên - Ảnh 2.

Buổi sáng sẽ là thời điểm lý tưởng để cho bé làm quen với 1 món mới (Ảnh minh họa).

Khi tập cho con ăn món mới, mẹ nên bắt đầu vào buổi sáng vì nếu bé có phản ứng với thức ăn thì tới chiều tối các hiện tượng rối loạn tiêu hóa cũng chấm dứt. Bắt đầu một món mới vào buổi tối có thể đi kèm nguy cơ phải thức trắng đêm vì con.

Bắt đầu với chỉ 1/2 thìa thức ăn

Khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm, hãy cho bé ăn khoảng 1/2 thìa cà phê thức ăn hoặc ít hơn. Trong khi đút, hãy trò chuyện với bé, một hai lần đầu, bé có thể không biết phải làm gì, bé bối rối, nhăn mũi, đẩy thức ăn quanh miệng hay nhè hết ra. Đây là phản ứng bình thường vì thế để việc tập ăn dặm lần đầu của bé bớt khó khăn, bạn có thể cho con bú một chút sữa mẹ hoặc sữa công thức trước khi dùng thức ăn đặc. Sau khi bé ăn hết thìa bột, bạn lại cho con bú để bé không cáu khi quá đói.

Trong quá trình ăn dặm, các mẹ không nên trộn thức ăn đặc vào bình sữa vì cách này có thể khiến bé bị sặc hoặc ăn nhiều hơn cần thiết, dẫn tới tăng cân quá mức. Cần cho bé làm quen với một bữa ăn chuẩn mực: ngồi thẳng, ăn từ thìa, nghỉ giữa các lần đút và ngừng khi no. Những kinh nghiệm này sẽ giúp bé hình thành thói quen ăn uống lành mạnh suốt cuộc đời.

Tuyệt đối không ép ăn

Theo BS Trần Thu Thủy, trong giai đoạn đầu cho trẻ ăn dặm, nếu bé háo hức há miệng và vui vẻ tiếp nhận đồ ăn thì bạn có thể yên tâm là bé đã sẵn sàng. Trái lại, nếu bé nhăn nhó, bặm miệng, ngoảnh mặt đi hoặc phì thức ăn ra thì bé chưa sẵn sàng và mẹ không nên ép con. Nếu lần đầu chưa thành công, mẹ hãy kiên trì thử lại. Nói chung, thường phải sau 6-10 lần trẻ mới chấp nhận thức ăn mới.

Bác sĩ Nhi chỉ cách cho con ăn dặm khoa học ngay từ lần đầu tiên - Ảnh 3.

Chỉ nên bắt đầu bằng 1/2 thìa thức ăn (Ảnh minh họa).

Với những trường hợp bé nhất định không chịu ăn bằng thìa, mẹ có thể thử dùng ngón tay bón thức ăn cho bé. Ngón tay mẹ mềm mại và ấm áp có thể được bé tiếp nhận dễ dàng hơn. Chú ý rửa sạch tay trước khi cho bé ăn. Dùng ngón tay lấy một chút bột, yêu cầu bé há to miệng và đặt đầu ngón tay của bạn lên môi của bé. Lần tiếp theo cho đầu lưỡi của trẻ. Nếu bé nuốt hay ít nhất là không phì thức ăn ra thì mẹ hãy tiếp tục đưa thức ăn vào giữa lưỡi của bé.

Xét về cấu trúc giải phẫu, vị ngọt thường cảm nhận được ngay đầu lưỡi, vị mặn nằm ở hai bên lưỡi, vị đắng cảm nhận ở phía cuống lưỡi, còn ở phần giữa lưỡi, vị giác thường trung tính hơn. Vì vậy, khi cho bé tập ăn thực phẩm mới, bạn nên đưa món ngọt vào đầu lưỡi của trẻ. Với các món ít ngọt hơn (rau chẳng hạn) bạn nên đưa vào phần giữa lưỡi để làm tăng cơ hội bé nuốt vào chứ không nhè đồ ăn ra tạo thói quen xấu cho trẻ.

aFamily

ăn dặm, thực đơn ăn dặm, dinh dưỡng cho con, trẻ từ 0-1 tuổi, Cho con ăn dặm, 6 đến 9 tháng tuổi


      © 2021 FAP
        1,332,874       448