Một nghiên cứu mới chỉ ra rằng, thai nhi có thể bắt đầu học cách nhận diện khuôn mặt mọi người ngay khi còn ở trong bụng mẹ.
Các nhà khoa học nhận thấy, thai nhi trong bụng mẹ chỉ có phản ứng với những tín hiệu thị giác hình khuôn mặt ở bên ngoài, còn với những vệt sáng hình dạng khác thì không phản ứng. Thông qua siêu âm 4 chiều chất lượng cao, họ phát hiện ra rằng đứa bé sẽ quay đầu về phía ánh sáng nếu nó có hình dạng khuôn mặt người.
Người đứng đầu nghiên cứu này, giáo sư Vincent Reid, nhà tâm lý học thuộc Đại học Lancaster (Anh) cho biết, nghiên cứu đã mang lại những hiểu biết mới về sự phát triển thị giác của trẻ. Giáo sư chia sẻ: “Đến thời điểm này, chúng tôi có thể chứng minh bào thai phân biệt được những hình dạng khác nhau và chúng thích theo dõi những hình phản chiếu dạng khuôn mặt hơn bất kỳ hình dạng nào khác.”
Thông qua siêu âm chất lượng cao, các nhà nghiên cứu nhận thấy thai nhi có xu hướng quay đầu về phía ánh sáng hình khuôn mặt người.
Các nhà nghiên cứu đã sắp xếp các đốm sáng thành hình dạng tương tự mắt và miệng của con người bên ngoài tử cung của bà mẹ mang thai 34 tuần. Sau đó, họ theo dõi sự thay đổi của những đốm sáng sau khi đi xuyên qua da và bụng người mẹ thông qua mô hình máy vi tính.
Nghiên cứu này đã được công bố trên tờ Current Biology và cho thấy khi hình ảnh giống khuôn mặt được chiếu qua tử cung, thai nhi sẽ quay đầu lại để theo dõi. Khi tổ hợp ánh sáng tương tự bị đảo ngược lại không còn giống dạng khuôn mặt, đứa bé không biểu hiện phản ứng nữa.
Các nhà khoa học nhận thấy, bào thai sẽ có phản ứng với những ánh sáng có hình dạng khuôn mặt được chiếu qua tử cung mẹ.
Giáo sư Reid giải thích, nguyên nhân là do bào thai luôn rất chăm chú nhận dạng khuôn mặt hoặc những “trải nghiệm” ban đầu trong tử cung khiến chúng nhận ra đó là hình dạng khuôn mặt. Ông cho rằng: “Tôi thấy quan điểm thứ 2 có tính khả năng cao hơn. Tôi tin rằng, xu hướng nhìn theo khuôn mặt được kích thích bởi sự tiếp xúc với hình dạng ánh sáng mẫu và nó tùy thuộc vào những kinh nghiệm trực quan trước khi sinh”.
Giáo sư cho biết nghiên cứu này cung cấp những kiên thức mới về sự phát triển hệ thị giác của trẻ nhỏ.
Nếu điều đó là đúng thì nghiên cứu cũng chỉ ra, việc tiếp xúc với ánh sáng khi còn trong bụng mẹ có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển thị giác của đứa trẻ sau khi chào đời. Giáo sư Reid khuyến cáo các bà mẹ nên tránh để ánh sáng chói chiếu vào bụng vì nó sẽ làm tổn thương đôi mắt của đứa bé trong bụng.
Giáo sư nói: “Vì lý do này nên nghiên cứu của chúng tôi được tiến hành dưới ánh sáng mức độ thấp và được kiểm soát nghiêm ngặt. Tôi không khuyến khích mọi người chiếu ánh sáng vào bào thai vì nó có thể quá chói và gây ảnh hưởng cho đứa bé”.
Nguồn: Daily mail
thai nhi, Sự phát triển của thai nhi, nghiên cứu mới, trong bụng mẹ